Chứng khoán Mỹ “đỏ lửa” vì căng thẳng Mỹ-Trung leo thang
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi căng thẳng Mỹ-Trung tăng cao
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi căng thẳng Mỹ-Trung tăng cao trước thềm vòng đàm phán tuần này. Đồng Bảng Anh sụt giá mạnh do thông tin nói rằng đàm phán Brexit có nguy cơ đổ vỡ.
Những tài sản an toàn như vàng và đồng Yên Nhật cùng tăng giá, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu tìm kiếm "hầm trú ẩn" gia tăng.
Theo tin từ Reuters, các chỉ số chứng khoán ở Phố Wall chốt ở mức đáy của phiên giao dịch sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp hạn chế thị thực (visa) đối với một loạt quan chức Trung Quốc mà Washington cáo buộc vi phạm quyền của người thiểu số theo đạo Hồi.
Động thái này diễn ra chưa đầy một ngày sau khi Mỹ đưa một loạt cơ quan và công ty công nghệ của Trung Quốc, bao gồm các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ nổi bật nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) của nước này, vào "danh sách đen" thương mại.
Vòng đàm phán cấp cao Mỹ-Trung tiếp theo nhằm tìm giải pháp cho thương chiến sẽ bắt đầu vào ngày thứ Năm tuần này ở Washington. Vài tuần trở lại đây, những kỳ vọng vào vòng đàm phán này đã trở thành chất xúc tác tăng điểm cho chứng khoán Mỹ. Nhưng giờ đây, kỳ vọng suy giảm và vòng đàm phán đang trở thành một nỗi lo đè nặng tâm trí nhà đầu tư ở Phố Wall.
"Những dòng tít báo đang vẽ nên một bức tranh kém khả quan hơn về vòng đàm phán tuần này", ông John Zaller, Giám đốc đầu tư của MAI Capital Management, nhận xét. "Bất kỳ một kết quả nào kém hơn việc hai bên hoãn áp thêm thuế lên hàng hóa của nhau sẽ gây ra nỗi thất vọng to lớn cho thị trường".
Theo kế hoạch của chính quyền ông Trump, nếu đàm phán không đạt kết quả tốt, Mỹ sẽ nâng thuế quan bổ sung lên 30% từ 25% hiện nay đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 15/10.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 1,19%, còn 26.164,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tụt 1,56%, còn 2.893,06 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,67%, còn 7.283,87 điểm.
Sắc đỏ cũng phủ khắp các thị trường chứng khoán châu Âu, với chỉ số Stoxx 600 của khu vực này mất 1,1%.
Hôm thứ Hai, ông Trump nói rằng ông hy vọng Bắc Kinh sẽ tìm ra một giải pháp nhân đạo và hòa bình cho các cuộc biểu tình chính trị đang diễn ra ở Hồng Kông, đồng thời nói rằng vấn đề Hồng Kông có thể ảnh hưởng bất lợi đến đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Những tuyên bố này của Tổng thống Mỹ càng khiến thị trường thêm phần lo ngại về vòng đàm phán sắp tới.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm sụt mạnh sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell phát tín hiệu để ngỏ khả năng giảm thêm lãi suất. Ông Powell cũng nói FED sẽ tiến hành các nghiệp vụ thị trường mở, theo đó mua tài sản để bơm tiền vào thị trường nhằm đảm bảo thị trường tiền tệ vận hành trơn tru.
Nhà đầu tư đang kỳ vọng FED hạ lãi suất trong cuộc họp vào cuối tháng này. Bất chấp kỳ vọng như vậy, đồng USD vẫn tăng giá so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác, với chỉ số Dollar Index tăng 0,17%.
Trái lại, đồng Bảng Anh lao dốc sau thông tin nói đàm phán về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, giữa London với Brussels đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. EU cáo buộc Anh chơi "trò đổ lỗi ngớ ngẩn" sau khi nguồn tin là quan chức Anh nói rằng một thỏa thuận Brexit về cơ bản là điều không thể bởi Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra những đề xuất không thể chấp nhận được.
Đồng Bảng chốt phiên giảm 0,63% so với USD, còn 1,2212 USD đổi 1 Bảng.
Đồng Yên tăng 0,21% so với USD, lên 107,08 Yên đổi 1 USD. Giá vàng tăng 0,8%, tái lập mốc 1.500 USD/oz.
Tại Washington, tân Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva nói cằng căng thẳng thương mại có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hạ 700 tỷ USD, tương đương 0,8% GDP, trong thời gian đến năm 2020.
Nỗi lo về sức khỏe kinh tế toàn cầu đẩy dầu thô giảm giá. Tại New York, giá dầu WTI giao sau giảm 0,34%, còn 52,57 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau giảm 0,31%, còn 58,17 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2020 còn 1,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn 100.000 thùng/ngày, tương đương giảm 7%.