Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh vì lợi suất trái phiếu tăng cao
Đây không phải là lần đầu tiên chứng khoán Mỹ sụt giảm vì lợi suất trái phiếu tăng trong năm nay
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi một số công ty lớn cảnh báo về chi phí gia tăng và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt mốc 3% trong vòng 4 năm.
Hãng tin Reuters cho biết, cổ phiếu Caterpillar - một cổ phiếu công nghiệp có tỷ trọng lớn - sụt 6,2% sau khi hãng này nói rằng lợi nhuận quý 1 sẽ trở thành mốc cao của năm nay, đồng thời cảnh báo về giá thép gia tăng. Cú giảm giá này của cổ phiếu Caterpillar diễn ra bất chấp hãng công bố lợi nhuận quý 1 cao hơn dự báo.
Cả hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng có phiên giảm mạnh nhất 2 tuần rưỡi. Trong đó Dow Jones đã giảm 5 ngày liên tiếp, còn S&P 500 đã hạ 1,5% từ đầu năm đến nay.
Một loạt công ty khác như Lockheed và 3M cũng đưa ra dự báo lợi nhuận bi quan, khiến sức ép giảm điểm càng đè nặng lên thị trường giữa lúc lợi suất trái phiếu tăng cao.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - vốn được coi là một cột mốc tham chiếu cho lãi suất vay vốn trên toàn cầu - tăng mạnh do nỗi lo lạm phát, nguồn cung nợ gia tăng, và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất.
"Lợi suất trái phiếu tăng khiến các công ty phải trả lãi suất cao hơn khi đi vay vốn. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm 9 năm qua chủ yếu là nhờ lãi suất thấp, chính sách tiền tệ nới lỏng và thanh khoản dồi dào", ông Oliver Pursche, chiến lược gia trưởng thị trường thuộc Bruderman Asset Management ở New York, phát biểu.
Lợi suất trái phiếu tăng cũng khuyến khích một số nhà quản lý danh mục chuyển vốn từ cổ phiếu sang trái phiếu. Đây không phải là lần đầu tiên chứng khoán Mỹ sụt giảm vì lợi suất tăng trong năm nay. Hồi tháng 2, lợi suất trái phiếu tăng cũng đã khiến Phố Wall có những phiên chao đảo.
Cổ phiếu của tập đoàn công nghiệp 3M dẫn đầu sự giảm điểm của Dow Jones. Cổ phiếu 3M giảm 6,83% sau khi tập đoàn báo cáo kết quả kinh doanh đạt dự kiến của thị trường, nhưng lại hạ thấp mức dự báo lợi nhuận của cả năm 2018.
Chốt phiên, Dow Jones mất 1,74%; S&P 500 hạ 1,34%; và Nasdaq giảm 1,7%.
Cổ phiếu công nghệ là nhóm giảm mạnh nhất trong phiên này, trong đó cổ phiếu Facebook sụt 3,7%. Cổ phiếu Alphabet, hãng mẹ của Google, giảm 4,77%, sau khi hãng công bố báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy chi phí tăng và tỷ suất lợi nhuận giảm, dù lợi nhuận quý 1 khả quan hơn dự báo.
Cổ phiếu Apple mất 1,39% do những lo ngại về nhu cầu điện thoại thông minh (smartphone) cao cấp suy giảm.
Cổ phiếu của Lockheed Martin, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Lầu Năm Góc, sụt 6,17%. Công ty này báo lãi quý 1 cao hơn dự báo, đồng thời nâng dự báo doanh thu và lợi nhuận cả năm, nhưng không tăng dự báo về dòng tiền của năm 2018.
Đến nay, đã có 24% trong số các công ty thuộc S&P 500 báo cáo kết quả kinh doanh quý 1. Trong đó 77,1% báo lãi khả quan hơn dự kiến, so với mức trung bình 64% kể từ năm 1994 đến nay. Giới phân tích dự báo lợi nhuận quý 1 của các công ty trong S&P 500 tăng 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi những thông tin khả quan. Dữ liệu do Conference Board công bố ngày thứ Ba cho thấy niềm tin người tiêu dùng Mỹ tăng trong tháng 4. Ngoài ra, tỷ lệ người tiêu dùng dự báo bị giảm thu nhập trong những tháng sắp tới đã hạ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2000.
Giá dầu Brent tại thị trường London có lúc vượt mức 75 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2014, nhưng giảm trở lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ giải quyết bất đồng giữa hai nước về vấn đề Iran, xoa dịu những lo ngại trước đó về việc Mỹ có thể áp lệnh trừng phạt trở lại đối với Tehran.
Trên sàn NYSE, số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,94 lần so với số cổ phiếu tăng giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 1,71 lần.
Giới giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng tổng cộng 7,22 tỷ cổ phiếu trong phiên này, so với mức bình quân 6,8 tỷ cổ phiếu của 20 ngày giao dịch gần nhất.