Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất 1 tháng, giá dầu vọt vì tin Iran
Phiên ngày thứ Năm cũng khép lại một tháng 10 đầy biến động của thị trường, khi mức độ bất định trên thị trường gia tăng trước thềm bầu cử tổng thống...
Thị trường chứng khoán Mỹ sụt điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (31/10), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm một số báo cáo tài chính của Big Tech không đạt kỳ vọng và số liệu lạm phát không nằm ngoài dự báo. Giá dầu thô tăng mạnh vì có thông tin nói rằng Iran đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào Israel.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 lao dốc 1,86%, còn 5.705,45 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 2,76%, còn 18.095,15 điểm. Với các mức giảm nay, đây là phiên giảm mạnh nhất của cả mỗi chỉ số kể từ hôm 3/9.
Chỉ số Dow Jones mất 378,08 điểm, tương đương giảm 0,9%, còn 41.763,46 điểm.
Cổ phiếu Microsoft “bốc hơi” 6% sau khi hãng phần mềm đưa ra dự báo lợi nhuận quý tới ở mức khiến nhà đầu tư thất vọng. Lợi nhuận quý 3/2024 của Microsoft tốt hơn kỳ vọng của thị trường, nhưng điều này vẫn không đủ để giúp cổ phiếu của công ty tránh được một phiên bán tháo.
Cổ phiếu Meta Platforms sụt hơn 4% do mối lo của nhà đầu tư về hai vấn đề trong báo cáo tài chính quý 3 của công ty mẹ Facebook. Hai mối lo đó là lượng tăng trưởng người dùng không đạt dự báo và dự kiến đầu tư cơ bản tăng mạnh trong năm 2025.
“Tôi cho rằng chúng ta đang đi tới chỗ mà sự hưng phấn của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tiềm năng của công nghệ này là không đủ cho thị trường duy trì xu hướng tăng. Những công ty này, dù vẫn gắn với chủ đề AI và có triển vọng tăng trưởng dài hạn tích cực, đang không thực sự mang lại được sự tăng trưởng mà cổ phiếu của họ dựa vào đó để được định giá”, chiến lược gia Ross Mayfield của công ty Baird Private Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.
Các công ty công nghệ vốn hóa lớn công bố báo cáo tài chính trong tuần này đã mang tới những kết quả thiếu đồng nhất. Cổ phiếu Alphabet tăng gần 3% vào hôm thứ Tư sau khi công ty mẹ của của Google đưa ra mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ. Trái lại, cổ phiếu AMD giảm hơn 10% do nhà đầu tư thất vọng về dự báo quý 4 của nhà sản xuất con chip này.
Sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch chính thức ngày thứ Năm, sẽ có thêm hai Big Tech là Apple và Amazon công bố kết quả kinh doanh.
Về số liệu kinh tế vĩ mô, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy mức tăng 2,1% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này không nằm ngoài dự báo và cho thấy lạm phát đã về rất sát với mục tiêu 2% của Fed. PCE là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng. Ngày thứ Sáu, thị trường sẽ có thêm số liệu về số lượng việc làm phi nông nghiệp mới đến từ Bộ Lao động Mỹ.
Các báo cáo lạm phát và việc làm này được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 7/11, khi ngân hàng trung ương này kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong 2 ngày ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Với phiên giảm mạnh ngày thứ Năm, chứng khoán Mỹ đang trên đà hoàn tất một tuần giảm điểm. Dow Jones đã giảm 0,8% từ đầu tuần, trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 1,8% và 2,3%.
Phiên ngày thứ Năm cũng khép lại một tháng 10 đầy biến động của chứng khoán Mỹ, khi mức độ bất định trên thị trường gia tăng trước thềm bầu cử. Dow Jones đã giảm 1,3% trong tháng 10, S&P 500 giảm 1% và Nasdaq trượt 0,5%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,61 USD/thùng, tương đương tăng 0,84%, chốt ở mức 73,16 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,65 USD/thùng, tương đương tăng 0,95%, đóng cửa ở mức 69,26 USD/thùng.
Sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch chính thức, giá dầu tiếp tục xu hướng tăng, có thời điểm tăng hơn 2 USD/thùng, tương đương tăng khoảng 3%, do có tin Iran đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào Israel từ lãnh thổ Iraq sau vài ngày nữa.
Trang tin Axios dẫn nguồn thạo tin từ Israel nói rằng nước này đã thu thập được thông tin tình báo cho thấy Iran đang chuẩn bị tấn công nhằm trả đũa cuộc tấn công tên lửa của Israel nhằm vào Iran hồi tuần trước. Nguồn tin nói rằng cuộc tấn công sắp tới của Iran sẽ sử dụng nhiều thiết bị bay không người lái và tên lửa đạn đạo. Bài báo nói rằng việc thực hiện một cuộc tấn công qua tay phiến quân thân Iran ở Iraq có thể là một cách để Tehran tránh một cuộc tấn công trả đũa khác nhằm vào các mục tiêu chiến lược ở Iran.
“Điều này lại đặt ra khả năng Israel có thể tấn công trả đũa Iran”, nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhận định, cảnh báo rằng không thể loại trừ kịch bản Israel sẽ nhằm vào các cơ sở dầu lửa của Iran. Là một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Iran có sản lượng khai thác dầu khoảng 3,2 triệu thùng/ngày, tương đương 3% sản lượng dầu toàn cầu.
Đầu tuần này, dầu thô bị bán tháo mạnh, giảm hơn 6% trong phiên ngày thứ Hai, do căng thẳng ở Trung Đông có dấu hiệu bớt nóng. Nhưng giá dầu đã hồi phục vào phiên ngày thứ Tư sau khi có tin liên minh OPEC+ có thể trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu trở lại. Theo hãng tin Reuters, quyết định đó có thể được OPEC+ đưa ra sớm nhất vào tuần tới.
Giá dầu còn tăng do những dấu hiệu khả quan về kinh tế Trung Quốc. Số liệu công bố ngày thứ Năm cho thấy hoạt động sản xuất ở nước này trong tháng 10 đã tăng lần đầu tiên trong 6 tháng, cho thấy các biện pháp kích cầu có vẻ đã bắt đầu phát huy tác dụng.