07:49 30/08/2022

Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp, giá dầu nhảy vọt 4%, Bitcoin tuột mốc 20.000 USD

Bình Minh

“Chúng tôi tin rằng sự phục hồi của thị trường trong mùa hè chỉ là nhất thời và tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục lựa chọn kỹ cổ phiếu"...

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ hôm 22/8 - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ hôm 22/8 - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (29/8), nối tiếp đà giảm của phiên ngày thứ Sáu tuần trước trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về chính sách tiền tệ thắt lại để chống lạm phát.

Tín hiệu cắt giảm sản lượng từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tiếp tục đưa giá dầu tăng mạnh, trong khi tiền ảo Bitcoin có lúc mất mốc 20.000 USD vì tâm lý lo ngại rủi ro gia tăng trên toàn thị trường.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 184 điểm, tương đương giảm 0,57%, còn 32.098,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,67%, còn 4.030,61 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,02%, còn 12.017,67 điểm.

Giá cổ phiếu ở Phố Wall đang để mất một phần thành quả tăng xác lập trong mùa hè, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và các quan chức khác của ngân hàng trung ương này gần đây liên tục phát tín hiệu rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kéo lạm phát xuống cho dù việc này có thể gây tổn thất về tăng trưởng kinh tế.

“Nhà đầu tư đang làm quen với ý niệm rằng Fed nghiêm khắc trong việc kiểm soát lạm phát, cho dù các số liệu gần đây cho thấy lạm phát bắt đầu dịu đi”, giám đốc Rod von Lipsey thuộc UBS Private Wealth Management phát biểu.

“Chúng tôi tin rằng sự phục hồi của thị trường trong mùa hè chỉ là nhất thời và tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục lựa chọn kỹ cổ phiếu, tập trung vào những nhóm phòng thủ như y tế và những cổ phiếu trả cổ tức tốt”, ông von Lipsey phát biểu.

Dù cũng chịu áp lực bán vì tâm lý lo ngại rủi ro như cổ phiếu, giá dầu vẫn tăng mạnh trong phiên đầu tuần, kéo dài đà tăng của tuần trước. Nhân tố hỗ trợ giá dầu vẫn là khả năng OPEC cùng các nước đối tác, tức nhóm OPEc+, cắt giảm sản lượng.

Tuần trước, Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của OPEC - đã đề cập đến khả năng cắt giảm sản lượng. Giới thạo tin nói rằng việc cắt OPEC+ giảm sản lượng có thể được tiến hành nếu Iran đạt được một thoả thuận hạt nhân mới với phương Tây và tăng mạnh xuất khẩu dầu trở lại. Trước đó, khả năng Iran và phương Tây đạt thoả thuận đã gây nhiều áp lực giảm lên giá dầu.

 

“Đồng USD tăng giá đặt ra trở ngại cho giá hàng hoá cơ bản nói chung, nhưng vấn đề thiếu cung trên thị trường dầu có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu”.

Nhà phân tích Tina Teng, CMC Markets

Đóng cửa phiên ngày thứ Hai tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao sau tăng 4,1 USD/oz, tương đương tăng 4,1%, chốt ở 105,09 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 3,95 USD/thùng, tương đương tăng 4,2%, chốt ở 97,01 USD/thùng. Tuần trước, giá dầu Brent tăng 4,2% và giá dầu WTI tăng 2,5%.

“Dầu tăng giá do hy vọng OPEC và đồng minh của họ sẽ cắt giảm sản lượng để lập lại sự cân bằng trên thị trường nếu thoả thuận hạt nhân Iran được khôi phục”, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu thị trường hàng hoá cơ bản của Religare Broking, ông Sugandha Sachdeva, phát biểu.

Giá dầu thế giới đã tăng mạnh trong năm nay, với giá dầu Brent có lúc đạt 139 USD/thùng hồi tháng 3,  sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Mức giá này cách không xa kỷ lục mọi thời đại 147 USD/thùng được thiết lập vào năm 2008. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá dầu chịu nhiều áp lực giảm từ nỗi lo lãi suất tăng cao, lạm phát và suy thoái kinh tế.

Việc tỷ giá đồng USD đạt mức cao nhất 20 năm trong phiên đầu tuần cũng hạn chế mức tăng của giá dầu cũng như giá nhiều hàng hoá cơ bản khác.

“Đồng USD tăng giá đặt ra trở ngại cho giá hàng hoá cơ bản nói chung, nhưng vấn đề thiếu cung trên thị trường dầu có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu”, nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nhận định.

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin có lúc tuột mốc 20.000 USD trong phiên ngày thứ Hai, khi tâm lý lo ngại về sự thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed phủ bóng lên tâm trí của nhà đầu tư.

Có thời điểm, giá Bitcoin tụt 5% so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu, còn 19.526 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 13/7 - theo dữ liệu từ Coin Metrics.

Sau đó, giá Bitcoin hồi phục và lấy lại mốc chủ chốt 20.000 USD. Lúc 7h sáng theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 20.293 USD, tăng 0,5% so với các đó 24 tiếng, nhưng đã giảm hơn 5% trong vòng 1 tuần.

“Bitcoin suy yếu sau khi Chủ tịch Fed nhắc lại rằng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách để kéo lạm phát xuống”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda phát biểu. “Các tài sản rủi ro đang gặp khó vì cuộc chiến chống lạm phát của Fed sẽ còn quyết liệt cho dù có thể gây suy thoái kinh tế”.

Tuần trước, giá Bitcoin đã giảm hơn 3%, đánh dấu tuần giảm thứ 3 trong vòng 4 tuần. Giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã giảm hơn 50% trong năm nay và giảm 70% so với kỷ lục mọi thời đại gần 69.000 USD thiết lập vào tháng 11 năm ngoái.

Diễn biến giá Bitcoin trong vòng 1 năm trở lại đây. Đơn vị: USD/Bitcoin.
Diễn biến giá Bitcoin trong vòng 1 năm trở lại đây. Đơn vị: USD/Bitcoin.

Thị trường tiền ảo thời gian gần đây bị bủa vây bởi một loạt diễn biến bất lợi, bao gồm sự sụp đổ của đồng stablecoin thuật toán TerraUSD - sự kiện gây phản ứng dây chuyền dẫn tới vụ phá sản của nền tảng cho vay tiền số Celsius và quỹ phòng hộ Three Arrows Capital.