Chứng khoán Mỹ giằng co sau báo cáo GDP, giá dầu giữ đà đi lên
Nhà đầu tư tiếp tục bán mạnh một số cổ phiếu Big Tech nhưng đã quay trở lại mua nhiều nhóm cổ phiếu khác sau phiên bán tháo ngày thứ Tư...
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (25/7) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi nhà đầu tư tiếp tục bán mạnh một số cổ phiếu Big Tech nhưng đã quay trở lại mua nhiều nhóm cổ phiếu khác sau phiên bán tháo ngày thứ Tư. Giá dầu thô giữ đà phục hồi của phiên trước, nhờ báo cáo thống kê cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn dự báo.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,51%, còn 5.399,22 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 0,93%, còn 17.181,72 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Russell 2000 tăng 1,26% nhờ lực mua của phiên này tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ - nhóm được cho là sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất.
Dow Jones là chỉ số vượt trội trong số ba chỉ số chính, kết thúc phiên với mức tăng 81,2 điểm, tương đương tăng 0,2%, đạt 39.935,07 điểm. Ở đỉnh của phiên, chỉ số tăng khoảng 1,5%.
Nhà đầu tư xả cổ phiếu công nghệ phiên thứ hai liên tiếp, sau khi bán mạnh nhóm này trong phiên ngày thứ Tư do kết quả kinh doanh gây thất vọng của Tesla và Alphabet.
Sau một thời kỳ liên tục tăng kéo dài của cổ phiếu công nghệ do cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều nhà đầu tư cảm thấy đã đến lúc chốt lời. Ngoài ra, họ cũng muốn đón đầu cơ hội ở những nhóm cổ phiếu khác như cổ phiếu blue-chip và cổ phiếu vốn hóa nhỏ trong bối cảnh Fed được cho là sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9.
Cổ phiếu Nvidia đóng cửa với mức giảm 1,7%; AMD giảm hơn 4%; Meta giảm 1,7%; Microsoft giảm 2,5% và Alphabet giảm hơn 3%.
Tuy nhiên, cổ phiếu lớn giảm mạnh nhất phiên này là hãng xe Ford, với mức giảm 18,4%. Đây là cú giảm mạnh nhất của Ford kể từ năm 2008, nguyên nhân là kết quả kinh doanh quý 2 không đạt dự báo.
“Đang có một cuộc dịch chuyển của dòng tiền diễn ra ở Phố Wall. Cổ phiếu AI vốn dẫn dắt xu hướng tăng giờ đây đang giảm liên tục. Trong các thời kỳ thị trường giá lên, luôn có một nhóm cổ phiếu dẫn đầu, sau đó nhóm này dừng lại, điều chỉnh và nhường vị trí dẫn dắt đó cho những nhóm cổ phiếu khác. Điều này cũng giống như một cuộc đua tiếp sức vậy”, CEO Adam Sarhan của công ty 50 Park Investments nhận định với hãng tin CNBC.
Nhiều nhà đầu tư lạc quan khi báo cáo ngày thứ Năm đến từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng 2,8% trong quý 2, vượt xa mức dự báo tăng 2,1% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế cũng đặt ra khả năng lạm phát cao dai dẳng, từ đó làm giảm bớt khả năng Fed sớm hạ lãi suất. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, thị trường đang đặt cược khả năng hơn 88% Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9, giảm từ mức hơn 91% của ngày hôm trước.
Tuy nhiên, mức giảm này được đánh giá là không đáng kể, và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài tiếp tục giảm xuống - phản ánh việc nhà đầu tư tin rằng sắp đến lúc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm nối tiếp xu hướng giảm gần đây, hạ 2,8 điểm phần trăm trong phiên này, còn 4,258%.
Phiên bán tháo ngày thứ Tư khiến S&P 500 và Nasdaq giảm mạnh nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Ngoài kết quả kinh doanh gây thất vọng của một số Big Tech, thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung còn biến động do một nguyên nhân khác. Đó là việc đồng yên Nhật Bản phục hồi mạnh, dẫn tới việc nhiều tài sản bị bán tháo để nhà đầu tư mua vào đồng yên.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,66 USD/thùng, tương đương tăng 0,81%, chốt ở mức 82,37 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,69 USD/thùng, tương đương tăng 0,89%, chốt ở mức 78,28 USD/thùng.
Được hỗ trợ bởi báo cáo GDP khả quan của Mỹ, nhưng giá dầu vẫn đang đương đầu với áp lực giảm từ mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
“Số liệu GDP Mỹ cho thấy nền kinh tế vẫn tăng trưởng vững. Đây là một chỉ báo cho thấy nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm”, chuyên gia về thị trường năng lượng Bob Yawger của ngân hàng Mizuho ở New York nhận định với hãng tin Reuters.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, nhập khẩu dầu và công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu ở nước này đang trên đà suy giảm so với năm ngoái. Ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ có động thái giảm lãi suất thứ hai trong vòng 2 ngày trở lại đây nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Giá dầu gần đây còn đương đầu với áp lực giảm từ khả năng sắp có một thỏa thuận ngừng bắn cho dải Gaza. Nếu các cuộc đàm phán ngừng bắn tiếp tục có đột phá, rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu ở Trung Đông sẽ giảm thêm, từ đó làm mất đi phần bù rủi ro đối với giá dầu.
“Với những diễn biến tích cực gần đây ở Gaza, giá dầu sẽ khó duy trì được những đợt tăng ngắn”, nhà phân tích John Evans của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nói với Reuters.