Chứng khoán Mỹ giữ đà tăng mạnh sau báo cáo lạm phát, giá dầu nhảy 3% nhờ Trung Quốc hạ lãi suất
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đến từ Bộ Lao động Mỹ là động lực chính của Phố Wall trong phiên tăng này...
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới của 14 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (13/6), sau khi số liệu thống kê cho thấy lạm phát dịu đi trong tháng 5, củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) không tăng lãi suất vào ngày thứ Tư. Giá dầu thô bật tăng nhờ động thái cắt giảm lãi suất ngoài dự báo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC).
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 145,79 điểm, tương đương tăng 0,43%, đạt 34.212,12 điểm. S&P 500 tăng 0,69%, đạt 4.369,01 điểm. Nasdaq tăng 0,83%, đạt 13.573,32 điểm.
Đây là mức điểm đóng cửa cao nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ tháng 4/2022.
Một điểm sáng của thị trường phiên này là cổ phiếu Nvidia. Tăng 3,9%, cổ phiếu hãng sản xuất con chip chốt phiên với mức giá trị vốn hoá thị trường hơn 1 nghìn tỷ USD, sau khi đối thủ nhỏ con hơn là AMD đưa ra cập nhật chiến lược trí tuệ nhân tạo (AI) không đủ sức gây ấn tượng với nhà đầu tư. Cổ phiếu AMD giảm 3,6% khi đóng cửa.
Tuy nhiên, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đến từ Bộ Lao động Mỹ mới là động lực chính của Phố Wall trong phiên tăng này. Các chỉ số xanh rực sau khi báo cáo cho thấy CPI tháng 5 tăng 0,1% so với tháng trước, sau khi tăng 0,4% trong tháng 4. Lạm phát lõi giữ nguyên ở mức 0,4%.
So với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát toàn phần là 4%, thấp hơn so với dự báo và là mức thấp nhất 2 năm, phản ánh sự “giảm nhiệt” của giá năng lượng, bao gồm giá xăng và giá điện.
“Nếu Fed mong có dữ liệu như thế này để nói: ‘Chúng tôi sẽ dừng tăng lãi suất vào tháng 6’, tôi cho rằng họ đã có được điều đó vào ngày hôm nay rồi”, chiến lược gia trưởng Liz Young của công ty SoFi nhận định.
Tuy nhiên, bà Young cho rằng bản báo cáo lạm phát có thể mang đến cả lạc quan và bi quan cho nhà đầu tư: “Nếu bạn muốn lạc quan, bạn sẽ nói lạm phát đã giảm hơn 50% so với đỉnh. Còn nếu bạn muốn bi quan, bạn có thể nói lạm phát vẫn đang cao gấp đôi so với mục tiêu của Fed”.
Theo dữ liệu từ công cụ Fedwatch của sàn CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 93% Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 5-5,25% trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ đã khởi động vào ngày thứ Ba theo giờ Mỹ và sẽ kết thúc vào ngày thứ Tư. Khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 7 là 62%.
Đến nay, S&P 500 đã hồi phục 22% kể từ mức đáy đóng cửa thiết lập vào tháng 10/2022. Đóng góp nhiều nhất vào sự tăng điểm này là những cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Apple, Nvidia và Tesla. Gần đây hơn, những nhóm cổ phiếu như năng lượng và nguyên vật liệu thô, cùng các cổ phiếu vốn hoá nhỏ, cũng gia nhập xu hướng tăng.
Phiên ngày thứ Tư, thị trường sẽ đón nhận báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) để có một bức tranh rõ hơn về lạm phát. Các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo PPI tháng 5 giảm 0,1% so với tháng trước.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao tháng 7 tại London tăng 2,45 USD/thùng, tương đương tăng 3,4%, chốt ở 74,29 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,3 USD/thùng, tương đương tăng 3,4%, đạt 69,42 USD/thùng.
Trước đó, trong phiên ngày thứ Hai, giá dầu Brent giảm 3,9% và giá dầu WTI giảm 4,4% do mối lo về sức khoẻ nền kinh tế Trung Quốc sau những số liệu kinh tế ảm đạm công bố vào tuần trước.
Tuy nhiên, vào ngày thứ Hai, Trung Quốc bất ngờ hạ một lãi suất cho vay ngắn hạn lần đầu tiên trong 10 tháng. Nhờ đó, giá dầu tìm được lực hỗ trợ để bật tăng trở lại. Động thái giảm lãi suất của PBOC, nhằm củng cố xung lực cho sự phục hồi đang đuối dần của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau đại dịch Covid-19, được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này.
Việc Trung Quốc “dịch chuyển sang các biện pháp kích thích kinh tế đã mang lại sự hỗ trợ mới cho giá dầu. Những nỗ lực này, bao gồm động thái giảm lãi suất bất ngờ, và những tia hy vọng về chính sách mềm mỏng hơn có thể mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn cho kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới”, Giám đốc Robbie Fraser của công ty Schneider Electric nhận định trong một báo cáo được trang MarketWatch trích dẫn.
Tuy nhiên, sự gia tăng nguồn cung dầu toàn cầu vẫn đang gây áp lực giảm lên giá dầu, chưa kể mối lo về sự tăng trưởng của nhu cầu. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng thận trọng trước khi Fed công bố quyết định lãi suất.
Mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu đã làm mất tác dụng hỗ trợ giá dầu tức thì của động thái giảm sản lượng khai thác dầu 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7 mà Saudi Arabia đưa ra mới đây.
Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày thứ Ba, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2023. Đây là tháng thứ tư liên tiếp OPEC giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng ở 2,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, OPEC tăng nhẹ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc.