Chứng khoán Mỹ hồi mạnh, giá dầu bật tăng sau cuộc họp OPEC+
Được mua nhiều nhất trong phiên này cũng chính là những cổ phiếu bị bán mạnh nhất trong phiên trước, bao gồm cổ phiếu hàng không, sòng bạc và năng lượng...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (2/12), sau hai phiên bán tháo liên tiếp trước đó vì biến chủng Omicron của Covid-19. Giá dầu cũng tăng sau khi liên minh OPEC+ ra quyết định tăng sản lượng khai thác dầu trong tháng 1, bất chấp triển vọng nhu cầu tiêu thụ đang xấu đi.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 617,75 điểm, tương đương tăng hơn 1,8%, chốt ở 34.639,79 điểm. Trụ cột cho phiên tăng này là cổ phiếu Boeing với mức tăng 7,5%, sau khi Trung Quốc cho phép máy bay 737 Max được bay trở lại.
Chỉ số S&P 500 tăng 1,4%, chốt ở 4.577,1 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,8%, chốt ở 15.381,32 điểm. Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hoá nhỏ tăng 2,7%.
Được mua nhiều nhất trong phiên này cũng chính là những cổ phiếu bị bán mạnh nhất trong phiên trước, bao gồm cổ phiếu hàng không, sòng bạc và năng lượng. Delta Airlines tăng 9,3%; MGM Resorts tăng 7,7%; Hilton Worldwide tăng 7,4%. Norwegian Cruise Lines tăng 7,7%; Wynn Resorts tăng gần 8,2%. Occidental Petroleum và Bakeer Huges tăng tương ứng 2,4% và 2,5%.
Nhà đầu tư vẫn đang theo dõi các diễn biến của biến chủng mới Omicron, sau khi nhà chức trách Mỹ xác nhận đã phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên ở nước này hôm thứ Tư. Theo tin mới nhất, New York đã trở thành bang thứ tư ở Mỹ phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron, sau California, Colorado và Minnesota. Phần lớn các ca nhiễm này đều có triệu chứng nhẹ, trong đó có ca đã hồi phục.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden phản ứng với tin về phát hiện biến chủng Omicron ở California bằng cách kêu gọi doanh nghiệp đẩy nhanh tiêm vaccine bắt buộc, cho dù lệnh tiêm vaccine bắt buộc mà ông Biden đưa ra đang bị “treo” ở toà án chờ phán quyết của thẩm phán. Nhà Trắng cũng siết chặt các quy định về đi lại, yêu cầu người nhập cảnh vào Mỹ phải xét nghiệm trong vòng 24 giờ trước chuyến đi.
“Thị trường tăng là tốt, nhưng tôi không chắc là nhà đầu tư đã lạc quan trở lại. Sợ hãi và lòng tham sẽ tiếp tục chiếm lĩnh diễn biến thị trường, khi nhà đầu tư bị giằng co giữa một bên là tâm trạng lo lắng về điều tồi tệ nhất còn chưa đến, và một bên là nỗi lo về bỏ lỡ cơ hội bắt đáy”, giám đốc chiến lược Jim Paulsen của Leuthold Group nhận định.
Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh việc cắt giảm chương trình mua tài sản cũng đang là một vấn đề khiến nhà đầu tư lo lắng. Dự định này đã được Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra trong phiên điều trần ngày 30/11 trước Thượng viện.
“Chúng tôi vẫn thận trọng về S&P 500 trong bối cảnh Fed trở nên cứng rắn hơn và một thị trường với mức định giá cổ phiếu quá cao”, chiến lược gia chứng khoán Savita Subramanian của Bank of America Securities phát biểu.
Theo số liệu của Bank of America, tháng 12 thường là một tháng tăng điểm mạnh của S&P 500, với mức tăng bình quân đạt 2,3% kể từ năm 1936 và 79% số lần tăng điểm trong tháng này. Tuy nhiên, không phải trong tháng 12 nào chứng khoán Mỹ cũng “miễn nhiễm” với khả năng bán tháo.
Phiên tăng này kéo dài xu hướng biến động mạnh của chứng khoán Mỹ kể từ khi biến chủng Omicron được phát hiện. Ngày thứ Sáu, thị trường sẽ đón nhận một báo cáo quan trọng là số liệu việc làm của tháng 11, với dự báo 531.000 công việc mới được tạo ra và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,5% từ 4,6% trước đó.
Trong cuộc họp sản lượng ngày 2/12, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước đồng minh, tức nhóm OPEC+, quyết định giữ nguyên mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong tháng 1. Quyết định này được đưa ra bất chấp sự xuất hiện của biến chủng Covid mới và việc Mỹ cùng một số quốc gia mới đây tuyên bố cùng xả dự trữ dầu để tăng nguồn cung dầu trên thị trường.
Tuy nhiên, giá dầu đã chuyển sang trạng thái tăng sau khi quyết định của OPEC+ được công bố, vì nhiều nhà giao dịch dầu lửa cho rằng việc tăng sản lượng này đã được phản ánh vào giá dầu từ trước. Ngoài ra, việc giá dầu liên tục giảm sâu những phiên gần đây cũng được nhiều nhà đầu tư xem là cơ hội bắt đáy.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,8 USD/thùng, tương đương tăng 1,16%, chốt ở 69,67 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,93 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, chốt ở 66,5 USD/thùng.
Kể từ khi có tin về biến chủng Omicron vào hôm thứ Năm tuần trước, giá dầu đã giảm hơn 10 USD/thùng.