Chứng khoán Mỹ hồi mạnh nhờ cổ phiếu chip, giá dầu thoát đáy 3 tháng
Dù vậy, mối lo Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn vẫn đang phủ bóng lên thị trường, khi các nhà giao dịch không còn đặt cược nhiều vào khả năng Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (24/5), với chỉ số Nasdaq thiết lập một kỷ lục đóng cửa mới, khi đà tăng của cổ phiếu chip Nvidia lấn át nỗi lo Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Giá dầu thô cũng tăng trở lại sau mấy phiên giảm liên tiếp, nhưng hoàn tất một tuần giảm do mối lo về triển vọng nhu cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,7%, đạt 5.304,72 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,1%, đạt 16.920,79 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 4,3 điểm, tương đương tăng 0,01%, đạt 39.069,59 điểm.
Cả tuần, S&P 500 tăng 0,03% và Dow Jones giảm 2,33%, đánh dấu tuần giảm đầu tiên trong vòng 5 tuần trở lại đây của chỉ số blue-chip. Riêng Nasdaq vượt trội nhờ lực tăng mạnh của cổ phiếu chip, ghi nhận mức tăng 1,41% trong tuần.
Cổ phiếu Nvidia tăng 2,6% trong phiên ngày thứ Sáu, sau khi tăng hơn 9% trong phiên ngày thứ Năm. Hãng sản xuất con chip có giá trị vốn hoá thị trường trên 2,5 nghìn tỷ USD này tiếp tục gây hưng phấn cho nhà đầu tư sau khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 vượt xa mọi dự báo vào hôm thứ Tư. Hôm thứ Năm, giá cổ phiếu Nvidia lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 USD/cổ phiếu, trở thành động lực kéo các cổ phiếu công nghệ khác tăng theo.
Nhóm công nghệ mà nòng cốt là các cổ phiếu có liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) như Nvidia tiếp tục giữ vai trò trụ cột của thị trường, trong bối cảnh nhà đầu tư lại đang lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể lùi thời điểm tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.
Goldman Sachs là một trong những ngân hàng có dự báo sớm nhất về thời điểm Fed khởi động nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, sau loạt dữ liệu kinh tế Mỹ tốt hơn dự báo trong tuần này, Goldman đã lùi thời điểm Fed giảm lãi suất đợt đầu từ tháng 7 sang tháng 9.
“Từ nay đến tháng 9, tình hình lạm phát có thể được cải thiện nhiều, nhưng khó mà đạt được tới trạng thái hoàn hảo. Tốc độ lạm phát cả năm vẫn sẽ đủ cao để khiến Fed khó đưa ra quyết định giảm lãi suất”, nhà kinh tế David Mericle của Goldman nhận định trong một báo cáo.
Đa phần giới chuyên gia và nhà đầu tư thậm chí cho rằng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất muộn hơn tháng 9. Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME cho thấy thị trường đang đặt cược khả năng chưa đến 50% Fed giảm lãi suất lần đầu vào tháng 9. Vào tuần trước, khả năng này còn ở mức khoảng 70%.
Mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn cũng là một nguyên nhân khiến dầu thô giảm giá mạnh trong tuần này. Phiên ngày thứ Sáu, có lúc giá dầu WTI giao sau tại New York giảm còn 76,15 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ hôm 26/2 và giá dầu Brent giao sau tại London giảm còn 80,65 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ hôm 8/2.
Sau đó, giá dầu hồi phục và chốt phiên trong trạng thái tăng. Giá dầu WTI tăng 0,85 USD/thùng, tương đương tăng 1,11%, chốt ở 77,72 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,76 USD/thùng, tương đương tăng 0,93%, chốt ở 82,12 USD/thùng.
Tính cả tuần, giá dầu WTI giảm 2,9% và giá dầu Brent giảm 2,2%, nhưng tính đầu năm, giá hai loại dầu vẫn đạt mức tăng tương ứng 8,4% và 6,5%.
Theo nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil, giá dầu tuần này còn đương đầu với áp lực giảm đến từ việc Nga khai thác dầu thô nhiều hơn mức sản lượng cam kết trong khuôn khổ OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối.
Cuộc họp sản lượng của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 2/6. Thị trường muốn biết liệu liên minh này có gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu hay không.
“Cuộc họp tuần tới của OPEC+ được kỳ vọng sẽ duy trì mức trần sản lượng hiện tại, nhất là bởi giá dầu đang trong một xu hướng giảm”, bà Varga nói. “Nhưng điều đó có thể không đủ để cải thiện tâm lý của thị trường, vì thị trường có vẻ đang thừa cung dầu”.