08:01 24/05/2024

Chứng khoán Mỹ "chìm" vào bán tháo, giá dầu giảm liền 4 phiên

Bình Minh

Với tình trạng cổ phiếu bị bán trên diện rộng trong phiên ngày thứ Năm, sức mạnh của cổ phiếu Nvidia không đủ sức để làm trụ cho toàn thị trường...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (23/5), với chỉ số Dow Jones ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ đầu năm, khi báo cáo tài chính rực rỡ của Nvidia không đủ sức nâng thị trường. Giá dầu thô có thêm một phiên đi xuống do mối lo về triển vọng nhu cầu ngay vào thời điểm chuẩn bị bước vào mùa lái xe cao điểm ở Mỹ.

Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 607,78 điểm, tương đương giảm 1,53%, còn 39.065,26 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,74% còn 5.267,84 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,39%, còn 16.736,03 điểm.

Boeing là cổ phiếu gây áp lực giảm mạnh nhất lên Dow Jones trong phiên này, với mức giảm 7,6%. Về phần mình, S&P 500 và Nasdaq có lúc lập kỷ lục nội phiên nhưng cuối cùng vẫn chốt phiên trong sắc đỏ.

Cổ phiếu hãng sản xuất con chip Nvidia, trung tâm của cơn sốt cổ phiếu trí tuệ nhân tạo (AI) ở Phố Wall, tăng 9,3% và lần đầu tiên vượt qua mốc giá 1.000 USD/cổ phiếu. Chất xúc tác cho phiên tăng này của Nvidia là doanh thu và lợi nhuận quý 1 đều vượt xa dự báo và kế hoạch chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 10/1.

Ngoài ra, dự báo doanh thu quý 2 đạt 28 tỷ USD mà Nvidia cũng cao hơn con số dự báo 26,61 tỷ USD của giới phân tích. Đây là một dấu hiệu cho thấy Nvidia tin tưởng rằng đà tăng trưởng của công ty sẽ duy trì.

Kết quả kinh doanh của Nvidia giữ một vai trò quan trọng đối với nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall, bởi họ vốn kỳ vọng rằng cơn sốt AI chưa nguội đi. Với giá trị vốn hoá thị trường đạt hơn 2,5 nghìn tỷ USD, Nvidia cũng có ảnh hưởng lớn tới diễn biến của S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ.

Tuy nhiên, với tình trạng cổ phiếu bị bán trên diện rộng trong phiên ngày thứ Năm, sức mạnh của cổ phiếu Nvidia không đủ sức để làm trụ cho toàn thị trường. Hơn 400 cổ phiếu thành viên của S&P 500 chốt phiên trong trạng thái giảm và duy nhất chỉ có nhóm công nghệ thông tin đóng cửa trong trạng thái xanh.

Các số liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự báo cũng được coi là tin xấu và gây áp lực giảm lên thị trường trong phiên này, vì khiến nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Dữ liệu ngành dịch vụ và sản xuất tháng 5 đều tốt hơn so với dự báo của giới phân tích - theo kết quả khảo sát nhà quản trị mua hàng (PMI) của công ty nghiên cứu S&P Global.

Ngoài ra, theo báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 18/5 là 215.000 người, ít hơn so với con số dự báo 220.000 người mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Sau khi các dữ liệu trên được công bố, các nhà giao dịch chỉ còn đặt cược khả năng 51% Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9, giảm từ mức 58% của ngày hôm trước và gần 68% trong tuần trước - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME. Khả năng này giảm dưới 60% đồng nghĩa thị trường không còn tin Fed sẽ hành động trong cuộc họp tháng 9.

Trước đó, mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn đã nổi lên trong phiên ngày thứ Tư, sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp vào đầu tháng cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ lo ngại rằng tiến trình giảm lạm phát có thể đã chững lại.

“Thị trường đã lập kỷ lục gần đây, với định giá cổ phiếu bị kéo căng quá mức… Chỉ số PMI nóng hơn dự báo củng cố lập trường cứng rắn của Fed. Bởi vậy, sự chú ý của thị trường đã dịch chuyển khỏi Nvidia sang mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn”, chiến lược gia Ross Mayfield của công ty Baird nhận định với hãng tin Reuters.

Giá dầu thô WTI giao tháng 7 tại New York giảm 0,7 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 76,87 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6 tại London giảm 0,54 USD/thùng, tương đương giảm 0,66%, còn 81,36 USD/thùng.

Tuần này, giá dầu WTI đã giảm 3%, trong khi giá dầu Brent giảm khoảng 4%. Thành quả tăng từ đầu năm của hai loại dầu còn tương ứng 7,2% và 5,6%.

Giá dầu đã kẹt trong một phạm vi 3 USD/thùng kể từ khi sau lập kỷ lục hồi tháng 4. Mối lo về cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông đã không còn lớn như trước, và sự chú ý của nhà đầu tư quay trở lại với vấn đề cung-cầu.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nói rằng giá dầu khó bứt phá vì thị trường lo ngại việc Fed trì hoãn giảm lãi suất sẽ gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, giới đầu tư cũng lo ngại về sự gia tăng của lượng dầu tồn trữ toàn cầu sau một mùa đông ấm hơn bình thường ở bán cầu Bắc.

Mối lo này gia tăng dù sắp bước vào những tháng mùa hè - giai đoạn cao điểm hàng năm về tiêu thụ xăng dầu ở Mỹ do hoạt động đi lại tăng cao.

Tuy nhiên, UBS vẫn dự báo thị trường dầu sẽ thiếu cung và giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 91 USD/thùng trong những tháng tới. Nhà băng Thuỵ Sỹ này cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn mức tăng trưởng dài hạn là 1,2 triệu thùng/ngày.