07:53 09/03/2023

Chứng khoán Mỹ hồi nhẹ cuối phiên, giá dầu giằng co

Bình Minh

Tâm trạng bất an vẫn phủ bóng lên thị trường khi ông Powell một lần nữa gửi đi thông điệp cứng rắn rằng lãi suất có thể tăng nhanh hơn so với dự báo...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư (8/3) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng và các số liệu kinh tế dường như ủng hộ sự cứng rắn của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell trong buổi điều trần thứ hai trước Quốc hội.

Giá dầu thô giằng co giữa giảm và tăng, khi nhà đầu tư nửa bi quan về lãi suất, nửa lạc quan về triển vọng nhu cầu từ Trung Quốc.

Tại buổi điều trần tại Uỷ ban Dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện, ông Powell tiếp tục khẳng định quan điểm Fed sẽ nâng lãi suất lên cao hơn cho tới khi lạm phát thực sự suy yếu. Lập trường này đã được ông Powell đưa ra trong buổi điều trần trước đó vào ngày thứ Ba tại Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ, gây ra một cuộc bán tháo trên thị trường tài chính Phố Wall trong phiên cùng ngày.

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giằng co giữa giảm nhẹ và tăng nhẹ trong suốt thời gian của phiên giao dịch ngày thứ Tư. Cuối cùng, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng tăng nhẹ, trong khi Dow Jones giảm nhẹ.

Tâm trạng bất an vẫn phủ bóng lên thị trường khi ông Powell một lần nữa gửi đi thông điệp cứng rắn rằng lãi suất có thể tăng nhanh hơn so với dự báo. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng mọi quyết định chính sách của Fed sẽ dựa trên các số liệu kinh tế cụ thể.

“Ngày hôm qua, Fed đã để ngỏ cánh cửa tăng lãi suất nhiều hơn, và ngày hôm nay, họ vẫn chưa đóng lại cánh cửa đó. Vẫn còn nhiều bấp bênh xung quanh việc bao giờ hành trình tăng lãi suất sẽ kết thúc. Ngay cả trong một cuộc chạy marathon, người ta cũng biết quãng đường là 26,2 dặm, nhưng trong cuộc chạy lãi suất này, chẳng ai biết vạch đích là ở đâu”, Giám đốc điều hành David Carter của JPMorgan Private Bank nhận định với hãng tin Reuters.

Các số liệu kinh tế công bố ngày thứ Tư một lần nữa cho thấy sự vững vàng của kinh tế Mỹ và không có tác dụng gì trong việc xoa dịu mối lo của nhà đầu tư về lãi suất. Số công việc cần tuyển dụng vẫn ở mức cao, báo cáo tư nhân về số công việc mới trong tháng 2 vừa dự báo, và nhu cầu vay mua nhà tăng bất chấp xu hướng tăng của lãi suất.

“Nếu những đợt tăng lãi suất trong tương lai dựa trên số liệu kinh tế, thì các số liệu kinh tế vẫn đang vẽ nên một bức tranh thiếu rõ ràng, nên đường đi của lãi suất trong tương lai cũng thiếu rõ ràng”, ông Carter nhận định.

Các số liệu kinh tế mạnh củng cố khả năng Fed nâng lãi suất lên cao hơn trong thời gian lâu hơn. Thị trường đang đặt cược khả năng 77,9% Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 21-22/3. Vào đầu tuần, tỷ lệ đặt cược vào bước nhảy lãi suất này chỉ là 30% - theo dữ liệu của CME Group.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 58,06 điểm, tương đương giảm 0,18%, còn 32.798,4 điểm. S&P 500 tăng 0,14%, đạt 3.992,01 điểm. Nasdaq tăng 0,4%, đạt 11.567 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ, với chỉ số Stoxx 600 nhích 0,08%. Chỉ số MSCI của chứng khoán thế giới giảm 0,13%; các thị trường mới nổi giảm 1%; chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 1,4%; chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,48%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng phiên thứ ba liên tiếp; lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ, còn dưới 4%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,76 USD/thùng, chốt ở 82,66 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,19%, chốt ở 76,66 USD/thùng.

“Giá dầu vẫn đang đương đầu với áp lực giảm do các phát biểu cứng rắn từ Fed”, Chủ tịch Andrew Lipow của công ty tư vấn Lipow Oil Associates phát biểu.

Phiên ngày thứ Ba, cuộc điều trần của ông Powell là nguyên nhân khiến giá. của của hai loại dầu sụt hơn 3%.

Ngân hàng Barclays vừa hạ dự báo giá dầu Brent bình quân trong năm 2023 xuống mức 92 USD/thùng, giảm 6 USD/thùng so với dự báo trước đó. Mức dự báo dành cho giá dầu WTI cũng giảm 7 USD/thùng, còn 87 USD/thùng. Lý do mà Barclays đưa ra cho động thái này là “nguồn cung dầu Nga duy trì tốt hơn kỳ vọng”.

“Chúng tôi dự báo sự phục hồi của nhu cầu đi máy bay ở Trung Quốc và các nước láng giềng, sự ổn định trở lại của hoạt động sản xuất công nghiệp, và tăng trưởng nguồn cung dầu chậm lại ở các nước ngoài nhóm OPEC+ sẽ khiến thị trường dầu rơi vào tình trạng thiếu cung vào cuối năm nay”, báo cáo của Barclays nhận định.