17:02 07/03/2023

“Đến hẹn lại lên”, khủng hoảng trần nợ đe doạ định hạng tín nhiệm của Mỹ

An Huy

Trong những năm gần đây, năm nào cuộc khủng hoảng trần nợ cũng xảy ra ở Washington DC, khi các nhà lập pháp của nước xung đột nảy lửa về việc nâng trần nợ hay chấp nhận để xảy ra một vụ vỡ nợ cấp quốc gia...

Toà nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill, Washington DC - Ảnh: Reuters.
Toà nhà Quốc hội Mỹ ở Capitol Hill, Washington DC - Ảnh: Reuters.

Cho tới hiện tại, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tránh được cảnh vỡ nợ chưa từng có tiền lệ, nhưng sự lặp đi lặp lại của cuộc đấu chính trị này có thể khiến định hạng tín nhiệm của Mỹ bị cắt giảm - tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings vừa đưa ra cảnh báo.

“Lần này, chúng tôi cảm thấy lo ngại hơn”, ông James McCormack, trưởng bộ phận đánh giá tín nhiệm quốc gia toàn cầu của Fitch, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNN.

Mỹ hiện có điểm tín nhiệm ở mức cao nhất của Fitch và Moody’s, nhưng không phải nhờ các yếu tố tài chính nền tảng của Chính phủ Mỹ. Kể từ năm 2011 - khi Washington bị một tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu khác là S&P Global Ratings cắt giảm điểm tín nhiệm - tình hình tài chính công của Mỹ diễn biến theo chiều hướng đi xuống. “Núi” nợ và tiền lãi của nước này ngày càng tăng thêm chứ không hề giảm.

THẾ MẠNH TÀI CHÍNH CỦA MỸ BỊ ĐE DOẠ

Thay vì các yếu tố nền tảng của nền tài chính công, định hạng tín nhiệm AAA mà Chính phủ Mỹ có được từ Fitch và Moody’s hiện nay dựa vào địa vị thống lĩnh của Mỹ trong thế giới tài chính. Đồng Đôla Mỹ là đồng tiền dự trữ của thế giới và trái phiếu kho bạc Mỹ được giới đầu tư xem như tài sản có độ rủi ro bằng 0 - hai yếu tố mang lại cho nước Mỹ sức mạnh tài chính vô địch.

Nhưng ông McCormack cảnh báo rằng sự lặp lại của khủng hoảng trần nợ đang khiến hai yếu tố mang tính thế mạnh này của Mỹ suy giảm. Hiện nay, hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đang tranh cãi về việc có nâng trần nợ quốc gia từ mức 31,4 nghìn tỷ USD hay không. Khi Chính phủ Mỹ ngày càng tiến tới gần ngày cạn tiền mà trần nợ chưa được nâng, sẽ càng có nhiều nhà đầu tư buộc phải nghĩ tới điều mà họ trước nay vẫn cho là không thể: một vụ vỡ nợ thảm hoạ của nước Mỹ.

“Khi nhà đầu tư buộc phải nghĩ tới điều đó, đó hẳn không còn là lúc nợ Mỹ không còn được xem là một tài sản có độ rủi ro bằng 0 nữa”, ông McCormack nhấn mạnh, nói thêm rằng nhiều người hiện đã muốn “đánh giá lại” về việc trái phiếu kho bạc Mỹ có thực sự phi rủi ro hay không.

Mỹ có thể bắt đầu rơi vào cảnh không thể thực hiện được các nghĩa vụ nợ quốc gia vào mùa hè hoặc đầu mùa thu năm nay nếu Quốc hội nước này đến lúc đó vẫn chưa giải quyết được vấn đề trần nợ -  theo một phân tích được công bố vào tháng trước bởi Trung tâm Chính sách Lưỡng đản (Bipartisan Policy Center).

Khi được hỏi liệu Fitch có cắt giảm điểm tín nhiệm của Mỹ nếu Washington tránh được vỡ nợ lần này, ông McCormack trả lời việc đó sẽ tuỳ thuộc vào phản ứng trên thị trường tài chính toàn cầu. “Nếu phản ứng của thị trường đặt ra câu hỏi về vai trò trong tương lai của đồng USD với tư cách đồng tiền dự trữ của thế giới và của trái phiếu kho bạc Mỹ với tư cách tài sản phi rủi ro của thế giới, thì Mỹ hoàn toàn có thể bị cắt giảm điểm tín nhiệm”, ông McCormack phát biểu.

Chuyên gia đánh giá tín nhiệm này cũng nói Fitch sẽ theo dõi chặt chẽ việc liệu các chính phủ nước ngoài có thoái vốn dự trữ ngoại hối khỏi đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hay không.

Những lợi ích lớn đang xoay quanh cuộc tranh luận về trần nợ tại Quốc hội Mỹ. Hồi cuối tháng 1, ngân hàng Goldman Sachs nhận định rằng một cuộc khủng hoảng trần nợ toàn diện có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Một vụ vỡ nợ thực sự có thể gây hỗn loạn trên thị trường tài chính Mỹ và có thể dẫn tới việc tạm ngừng chi trả các khoản an sinh xã hội, tiền lương công chức, binh sỹ và cựu binh…

2 TỶ USD TIỀN LÃI MỖI NGÀY

Có một tin tốt là Fitch và nhiều nhà quan sát khác tin rằng Washington sẽ một lần nữa ngăn chặn được thảm hoạ đó. “Quan điểm của chúng tôi là kết quả đàm phán lần này sẽ không khác với những lần trước, và vấn đề trần nợ sẽ được giải quyết trước ngày Chính phủ hết tiền”, ông McCormack nói. Đó là lý do Fitch vẫn chưa đặt Mỹ vào “tầm ngắm” hạ điểm tín nhiệm, ít nhất ở thời điểm hiện tại.

Dù vậy, ông McCormack nói rằng cuộc xung đột trần nợ lần này có thể nguy hiểm hơn những lần trước, xét tới tình hình ở Washington. “Chia rẽ chính trị đã trở nên căng thẳng hơn. Nước Mỹ đã phân cực nhiều hơn”, ông nói.

Một vấn đề khác nằm ở việc Mỹ tiếp tục vay nợ chồng chất ngay cả khi chi phí vay nợ tăng cao. Chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến cho việc vay nợ của Chính phủ nước này trở nên đắt đỏ hơn.

Tiền lãi ròng mà Chính phủ Mỹ phải trả đã tăng gấp đôi từ mức 1 tỷ USD mỗi ngày trước đại dịch Covid-19 lên 2 tỷ USD mỗi ngày hiện nay - theo dữ liệu từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO). Nói cách khác, Mỹ chi khoảng 500 tỷ USD trong vòng hơn 1 năm trở lại đây chỉ để trả lãi, so với số tiền 2 nghìn tỷ USD mà tất cả các chính phủ trên thế giới phải trả lãi trong cùng khoảng thế giới - theo Fitch, tức là cứ mỗi 4 USD tiền lãi nợ công trên thế giới lại có 1 USD do Chính phủ Mỹ trả.

Dù vậy, ông McCormack nói rằng trần nợ thực chất “chẳng có tác dụng gì” trong việc kiềm chế vay nợ, nếu nhìn từ góc độ tài khoá vì trần nợ không có sự ràng buộc trực tiếp với quy trình ngân sách. Trong cuộc tranh luận về trần nợ đang diễn ra, các nghị sỹ chỉ đơn thuần thảo luận về việc có hay không phê chuẩn việc vay nợ cho kế hoạch ngân sách đã được phê chuẩn từ trước.

“Hoá đơn thì đã có sẵn rồi, nên có vẻ như thật lạ lùng khi chúng ta phải tranh luận sau đó về việc thanh toán hoá đơn”, ông McCormack nhấn mạnh.

Khi được hỏi về việc ông có lời khuyên nào cho các nghị sỹ ở Washington khi họ tranh luận về trần nợ, ông McCormack nói theo quy định của cơ quan chức năng Mỹ, các công ty đánh giá tín nhiệm bị cấm đưa ra lời khuyên. “Nhưng họ đã nhận được lời khuyên đúng đắn từ Fed và Bộ Tài chính Mỹ: Các ông đang đùa với lửa. Đây là một tình thế nguy hiểm. Có nhiều thứ quan trọng đang bị đặt vào thế rủi ro”, ông McCormack phát biểu.