Chứng khoán Mỹ lại chịu áp lực giảm vì thuế thép, nhôm
Phiên đầu tuần, nỗi lo chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ và sự đáp trả của các quốc gia khác đã quay lại
Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ lại giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, khi hàng rào thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu mà Tổng thống Donald Trump lập ra vào tuần trước gây áp lực lên các cổ phiếu công nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq giữ được đà tăng điểm của tuần trước nhờ lực tăng mạnh của các cổ phiếu công nghệ.
Hãng tin Reuters cho biết, cổ phiếu các hãng công nghiệp lớn đã giảm mạnh phiên đêm qua ở Phố Wall, dẫn đầu bởi cổ phiếu Boeing sụt 2,9%, cổ phiếu Caterpillar hạ 2,4%. Giới đầu tư lo ngại rằng việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm có thể dẫn tới việc gia tăng chi phí và doanh số ở thị trường nước ngoài sụt giảm đối với các tập đoàn công nghiệp chế tạo của Mỹ.
Khi ký lệnh đánh thuế vào tuần trước, ông Trump tỏ ra mềm mỏng hơn so với dự kiến ban đầu bằng cách miễn trừ Canada và Mexico, đồng thời để ngỏ cánh cửa đàm phán cho phép các quốc gia khác cũng có thể được miễn. Tuy nhiên, không vì thế mà nỗi lo bị trả đũa của các công ty Mỹ không còn.
"Các công ty đa quốc gia, các hãng công nghiệp lớn đang đối mặt sức ép vì khả năng trở thành mục tiêu của các hành động trả đũa", ông Robert Phipps, Giám đốc công ty quản lý quỹ Per Stirling Capital Management, nhận định.
Hôm thứ Sáu, chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh sau khi Bộ Lao động nước này công bố báo cáo cho thấy tiền lương tháng 2 chỉ tăng nhẹ. Thông tin này khiến giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không đẩy lãi suất tăng quá nhanh.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, nỗi lo về chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ và sự đáp trả của các quốc gia khác đã quay lại, phủ bóng lên thị trường. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc tiền lương ở Mỹ tăng với tốc độ chậm, đều sẽ là một chỉ báo tích cực cho thị trường chứng khoán.
"Chúng ta đã chứng kiến tốc độ tăng lương ổn định và khiêm tốn. Điều này không hề gây hại cho thị trường chứng khoán", nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao Anwiti Bahuguna thuộc Columbia Threadneedle đánh giá.
Chốt phiêu, Dow Jones mất 0,62%, còn 25.178,61 điểm. S&P 500 giảm 0,13%, còn 2.783,02 điểm. Nasdaq tăng 0,36%, đạt 7.588,33 điểm.
Dù giảm điểm phiên này, S&P 500 chỉ còn thấp hơn 3,1% so với mức kỷ lục thiết lập hôm 26/1, trong khi Nasdaq đã phục hồi lại phần điểm mất mát trong đợt bán tháo hồi tháng 2.
Một nhân tố giúp Nasdaq tăng điểm phiên này là những bước tiến mới cho thấy thương vụ 117 tỷ USD trong đó Broadcom có trụ sở ở Singapore chào mua hãng sản xuất con chip Qualcomm của Mỹ có khả năng được cơ quan chức năng phê chuẩn. Thông tin này giúp cổ phiếu Broadcom tăng 3,6%, trong khi cổ phiếu Qualcomm đi ngang.
Giá cổ phiếu hãng công nghệ Apple đóng cửa ở mức cao kỷ lục 181,4 USD/cổ phiếu phiên này, tăng gần 1%, nâng giá trị vốn hóa của hãng lên mức 922 tỷ USD. Ở mức giá cổ phiếu hiện nay, vốn hóa của "quả táo" lớn hơn 100 tỷ USD so với vốn hóa của Alphabet và lớn hơn trên 150 tỷ USD so với vốn hóa của Amazon.
Các nhà đầu tư ở Phố Wall đã chuyển nhượng 6,52 tỷ cổ phiếu trong phiên đầu tuần, so với mức bình quân 7,2 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng mỗi phiên trong 20 ngày giao dịch gần nhất.