07:40 04/12/2019

Chứng khoán Mỹ lao dốc hơn 1% vì tắt hi vọng đạt thỏa thuận thương mại trước 15/12

Bình Minh

Hy vọng bị dập tắt khi ông Trump nói rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể phải lùi tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi những phát biểu của Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross "dội gáo nước lạnh" vào hy vọng về một thỏa thuận sớm được ký kết giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của chứng khoán Mỹ, trong đó chỉ số Dow Jones giảm mạnh nhất kể từ ngày 8/10. Cả ba chỉ số đều đang lùi sâu hơn dưới mức cao kỷ lục thiết lập vào tuần trước, thời điểm mà nhà đầu tư còn đang tin tưởng rằng sẽ sớm có thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Niềm hy vọng bị dập tắt khi ông Trump nói rằng thỏa thuận có thể phải lùi tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Ông Ross cũng lên tiếng xác nhận rằng thuế quan mới áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12 như kế hoạch trừ phi đàm phán thương mại Mỹ-Trung đạt tiến bộ quan trọng.

Nỗi lo của nhà đầu tư càng dâng cao hơn khi Pháp đe dọa trả đũa nếu Mỹ áp thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Pháp. Ý định áp thêm thuế lên hàng Pháp mà Washington đang cân nhắc là nhằm trả đũa việc Pháp tính áp "thuế kỹ thuật số" (digital tax) đối với các công ty công nghệ.

Cách phản ứng của Phố Wall với những thông tin trên cho thấy xung đột thương mại ngày càng có chiều hướng nóng lên giữa Mỹ với các đối tác thương mại lớn sẽ tiếp tục là nhân tố chi phối diễn biến của các chỉ số trong thời gian tới.

"Trở ngại trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung, cùng với sự đe dọa thuế quan từ Pháp, và việc Mỹ áp thuế quan lên thép Brazil và Argentina. Tất cả những vấn đề này đều khiến thị trường thất vọng", Phó giám đốc cấp cao Stephen Massocca của Wedbush Securities nhận định.

"Ảnh hưởng dài hạn của những cuộc đàm phán này rất có thể sẽ là tích cực, nhưng ảnh hưởng trong ngắn hạn sẽ là tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Điều này khiến thị trường không vui", ông Massocca nói thêm.

Cổ phiếu con chip, nhóm nhạy cảm với thuế quan, sụt giảm mạnh, với chỉ số Philadelphia SE Semiconductor sụt 1,5%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 23/10.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 1,01%, còn 27.502,81 điểm. S&P 500 sụt 0,66%, còn 3.093,2 điểm. Nasdaq giảm 0,55%, còn 8.520,64 điểm.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 9 nhóm chốt phiên trong trạng thái giảm. Apple và Intel là những cổ phiếu gây áp lực giảm mạnh nhất. Năng lượng, tài chính và thương mại là ba nhóm cổ phiếu có mức giảm phần trăm mạnh nhất.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,63 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,65 lần.

Có tổng cộng 7,41 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức 6,83 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.