Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới nhờ cơn sốt AI, dầu sụt giá vì nỗi lo lãi suất
Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng định giá cổ phiếu ở Phố Wall có thể đang bị kéo căng quá mức vì S&P 500 đã tăng hơn 7% từ đầu năm đến nay...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (23/2), khi cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) có thời điểm đưa giá trị vốn hoá của hãng chip Nvidia lần đầu tiên vượt qua mốc 2 nghìn tỷ USD. Giá dầu thô giảm gần 3% vì nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất cao hơn lâu hơn so với dự kiến.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,03%, chốt ở mức 5.088,8 điểm. Trong phiên, có thời điểm chỉ số lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mốc 5.100 điểm.
Chỉ số Dow Jones tăng 62,42 điểm, tương đương tăng 0,16%, thiết lập kỷ lục đóng cửa mới ở mức 39.131,53 điểm. Một kỷ lục nội phiên nữa của Dow Jones cũng được thiết lập trong phiên này.
Riêng chỉ số Nasdaq giảm 0,28%, còn 15.996,82 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số đạt mức cao nhất 52 tuần.
Cả ba chỉ số cùng hoàn tất một tuần tăng điểm, với mức tăng của S&P 500 là 1,66%, của Nasdaq là 1,4% và của Dow Jones là 1,3%.
Động lực tăng của tuần này là tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư với các cổ phiếu có liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt, cổ phiếu hãng sản xuất chip Nvidia đã tăng 16% trong phiên ngày thứ Năm sau khi hãng công bố kết quả kinh doanh quý gần nhất với doanh thu và lợi nhuận vượt xa kỳ vọng.
Sự tăng điểm không chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn Magnificent 7 - vốn được coi là trung tâm của xu hướng AI - mà còn lan toả đến nhiều nhóm cổ phiếu khác.
Phiên ngày thứ Sáu, cổ phiếu Nvidia có lúc tăng 4,9%, đưa giá trị vốn hoá thị trường của công ty này vượt qua mốc 2 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử. Chốt phiên, Nvidia tăng 0,4%.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng định giá cổ phiếu ở Phố Wall có thể đang bị kéo căng quá mức vì S&P 500 đã tăng hơn 7% từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, thị trường nhìn chung lạc quan về lợi nhuận mà các công ty có thể đạt được nhờ AI.
“Chúng tôi không nhận thấy thị trường còn nhiều dư địa tăng từ mức hiện tại. Nhưng phải thừa nhận rằng trong 1 năm qua, chúng ta đã liên tục có những pha ngạc nhiên vì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của những công ty có liên quan đến AI”, Giám đốc dầu tư Solita Marcelli của công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management nhận định với hãng tin Reuters.
Số liệu công bố ngày thứ Sáu cho thấy tăng trưởng của ngành dịch vụ Mỹ được đẩy nhanh trong tháng 1, khi lượng đơn hàng mới và số lượng việc làm mới trong lĩnh vực này cùng tăng. Tuy nhiên, tin tốt về kinh tế cũng đồng nghĩa với khả năng Fed không giảm lãi suất nhanh và nhiều trong năm nay - một yếu tố có thể gây bất lợi cho giá cổ phiếu.
Theo giám đốc Dec Mullarkey của công ty SLC Management, sự vững vàng của nền kinh tế, nhất là thị trường lao động, có thể giúp Fed cảm thấy thoải mái hơn trong việc giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. “Fed đã phát tín hiệu sẽ kiên nhẫn và muốn có thêm dữ liệu để khẳng định nền kinh tế đã trở nên cân bằng, để từ đó mới có thể điều chỉnh lãi suất”, ông Mullarkey nhận dịnh.
Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME cho thấy khả năng Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6 là gần 53%, từ mức 66% vào phiên trước. Mới vào đầu tháng này, thị trường còn cho rằng khả năng Fed tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 3 là 62%.
“Câu hỏi bây giờ là đà tăng của thị trường có duy trì được hay không? Thị trường đã tăng điểm quá nhanh quá nhiều. Nhà đầu tư có thể cảm thấy không còn nhiều lý do để tiếp tục mua thêm cổ phiếu”, chiến lược gia Charlie Ripley của công ty Allianz Investment Management nhận định với hãng tin CNBC.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,05 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, còn 81,62 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,12 USD/thùng, tương đương giảm 2,7%, còn 76,49 USD/thùng.
Cả tuần này, giá dầu Brent giảm 2% và giá dầu WTI giảm hơn 3%.
Khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn đã gây áp lực giảm lên giá dầu trong tuần này, nhưng giá “vàng đen” tiếp tục được hỗ trợ bởi bất ổn địa chính trị ở Trung Đông. Cả tuần, giá dầu Brent giảm 2% và giá dầu WTI giảm hơn 3%.
“Thị trường năng lượng đang phản ứng với kỳ vọng lãi suất, vì nếu lạm phát tăng trở lại, lãi suất sẽ khó giảm, và nhu cầu năng lượng sẽ chậm lại”, nhà kinh tế Tim Snyder của công ty Matador Economics nhận định. “Mối lo lãi suất là điều mà thị trường cảm thấy khó ‘tiêu hoá’ vào lúc này, nhất là khi các nhà đầu tư đang cố gắng xác định một hướng đi của giá dầu”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu nhìn chung vẫn vững vàng, bất chấp ảnh hưởng của lãi suất cao. Một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng bình quân 1,7 triệu thùng/ngày trong kỳ 1 tháng luân phiên kết thúc vào ngày 21/2 so với tháng trước đó, so với mức tăng 1,6 triệu thùng/ngày của kỳ 1 tháng kết thúc vào tuần liền trước.
“Nhu cầu dầu tăng mạnh hơn có thể do nhu cầu đi lại gia tăng ở Trung Quốc và châu Âu”, báo cáo viết.