07:09 28/02/2024

Chứng khoán Mỹ lình xình trong lúc đợi báo cáo lạm phát, giá dầu tăng, bitcoin vượt 57.000 USD

Bình Minh

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba (27/2) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, khi nhà đầu tư đợi báo cáo lạm phát quan trọng dự kiến công bố trong tuần này...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá dầu thô tăng trong lúc thị trường dõi theo tình hình ở Trung Đông, và giá bitcoin cũng duy trì đà tăng mạnh.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,17%, đạt 5.078,18 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,37%, đạt 16.035,3 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 96,82 điểm, tương đương giảm 0,25%, còn 38.972,41 điểm.

Nhận xét về phiên này, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Research nói rằng thị trường “không thực sự có phương hướng rõ ràng” và các nhóm cổ phiếu ngành khác nhau diễn biến theo kiểu “mỗi người một phách”. Vượt trội so với mặt bằng chung của thị trường trong phiên này là nhóm tiện ích với mức tăng khoảng 1,9%. Nhóm dịch vụ truyền thông cũng tăng 1% trong khi nhóm công nghệ tăng chưa đầy 0,1%.

Trước đó, thị trường đã giảm điểm trong phiên ngày thứ Hai, tụt khỏi mức điểm kỷ lục mà Dow Jones và S&P 500 đã thiết lập trong phiên ngày thứ Sáu nhờ kết quả kinh doanh rực rỡ của hãng sản xuất con chip Nvidia.

“Các nhóm công nghệ, tiêu dùng không thiết yếu, dịch vụ truyền thông và cổ phiếu tài chính tăng tốt hơn trong phiên này là vì đây là những nhóm cổ phiếu thường hưởng lợi trong một môi trường lãi suất đi ngang như bây giờ. Ngoài ra, đây cũng đang là những nhóm cổ phiếu dẫn dắt sự tăng trưởng của thị trường thời gian qua. Tôi cho rằng cho tới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất, nhà đầu tư sẽ không mua mạnh các cổ phiếu vốn hoá nhỏ và tầm trung. Họ còn muốn chờ xem tình hình thế nào”, ông Stovall nhận định.

Báo cáo từ tổ chức nghiên cứu Conference Board cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm trong tháng 2 này, phản ánh mối lo về thị trường việc làm có thể tăng trưởng chậm lại và tình trạng phân cực chính trị. Chỉ số niền tin tiêu dùng giảm còn 106,7 điểm, từ mức 110,9 điểm của tháng 1 và thấp hơn mức dự báo 115,1 điểm mà các chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy số đơn đặt mua hàng hoá lâu bền giảm nhiều hơn kỳ vọng trong tháng 1, mà nguyên nhân chủ yếu là sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu đi lại.

Các số liệu kinh tế yếu hơn dự báo có thể làm gia tăng các kỳ vọng liên quan tới việc Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, giới đầu tư đã từ bỏ kỳ vọng Fed hạ lãi suất trong tháng 3, thay vào đó tin rằng phải đến tháng 6 mới có đợt giảm lãi suất đầu tiên. Họ cũng cho rằng Fed sẽ chỉ giảm lãi suất 3-4 lần trong năm nay, thay vì giảm 6 lần như kỳ vọng hồi đầu năm.

Ngày thứ Năm, Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng. Điểm dữ liệu này được kỳ vọng sẽ làm sáng tỏ hơn bức tranh kinh tế Mỹ và giúp nhà đầu tư định hình các kỳ vọng chính sách tiền tệ.

Ông Stovall dự báo cả PCE toàn phần và PCE lõi tháng 1 cùng tăng so với tháng trước nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước. Một báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo có thể gây áp lực giảm lên thị trường bởi sẽ làm giảm các kỳ vọng liên quan đến việc Fed giảm lãi suất trong năm nay.

Giá dầu thô WTI giao tháng 4 tại New York tăng 1,29 USD/thùng, tương đương tăng 1,66%, chốt ở mức 78,87 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4 tại London tăng 1,12 USD/thùng, tương đương tăng 1,36%, chốt ở mức 83,65 USD/thùng.

Dầu tăng giá dù Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Hai tuyên bố ông hy vọng đến ngày 4/3 sẽ có một thoả thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas trong cuộc chiến tranh ở dải Gaza. “Cố vấn an ninh của tôi nói với tôi rằng chúng tôi đang đến gần, nhưng chưa chính thức đạt được, một thoả thuận ngừng bắn. Hy vọng của tôi là đến ngày thứ Hai tới chúng tôi sẽ có một thoả thuận ngừng bắn”, ông Biden nói.

Ngoài dõi theo tình hình Gaza, nhà đầu tư trên thị trường dầu lửa còn chờ xem liệu OPEC+ có gia hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng qua quý 1 năm nay hay không. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo OPEC+ sẽ kéo dài việc giảm sản lượng cho tới hết quý 2 năm nay và bắt đầu nâng sản lượng trở lại từ quý 3.

Ông Manish Raj, Giám đốc điều hành công ty Velandera Energy Partners, nói với hãng tin CNBC: “OPEC và thủ lĩnh của nhóm này Saudi Arabia sẽ không sớm chấm dứt việc cắt giảm sản lượng. Việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC sẽ tiếp tục sau quý 1”. Cũng theo ông Raj, căng thẳng còn tiếp diễn ở Trung Đông sẽ khiến các nhà giao dịch có rất ít lý do để bán dầu ở thời điểm này.

Trên thị trường tiền ảo, giá bitcoin lập một mức đỉnh mới của hơn 2 năm trên mức 57.000 USD. Trong phiên ngày thứ Ba, có lúc giá đồng tiền ảo lớn nhất thế giới đạt gần 57.500 USD - mức cao nhất kể từ tháng 12/2021. Trước đó, giá bitcoin vượt mốc 54.000 USD lần đầu tiên cuối năm 2021.

Giá bitcoin đang tiếp tục được hậu thuẫn bởi cơn sốt quỹ ETF bitcoin giao ngay và sự kiện halving (phân đôi) dự kiến diễn ra vào tháng 4. Kể từ khi các quỹ ETF bitcoin giao ngay đầu tiên ở Mỹ đi vào giao dịch hôm 11/1 đến nay, giá bitcoin đã tăng 24%. Ở mức giá hiện tại, bitcoin chỉ còn cách chưa đầy 20% kể từ mức giá kỷ lục mọi thời đại khoảng 69.000 USD thiết lập vào tháng 11/2021.