Chứng khoán Mỹ phục hồi nhẹ sau 4 phiên giảm liên tiếp, giá dầu giằng co
Các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall đã chật vật trong tháng 9 này, khi tín hiệu lãi suất cao hơn lâu hơn từ Fed đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (25/9), khởi động tuần giao dịch cuối cùng của tháng 9 với chút lạc quan sau quãng thời gian bán tháo suốt từ đầu tháng. Giá dầu thô giằng co giữa giảm và tăng sau khi Nga nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu và trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về lãi suất cao hơn lâu hơn.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,4%, đạt 4.337,44 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 43,04 điểm, tương đương tăng 0,13%, đạt 354.006,88 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,45%, đạt 13.271,32 điểm.
Đây là phiên tăng đầu tiên của cả ba chỉ số sau chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp.
Tiếp tục phản ánh khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn để chống lạm phát, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ duy trì xu hướng tăng. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng 10 điểm cơ bản trong phiên này, chốt ở mức 4,542 điểm, cao nhất kể từ năm 2007 - thời điểm đạt 4,57%.
Trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500, có 8 nhóm tăng phiên này, dẫn đầu là nhóm năng lượng với mức tăng 1,3%.
“Phiên tăng này là điều gây bất ngờ. Có hai lý do đưa thị trường hồi phục. Một là yếu tố kỹ thuật, với mốc 4.300 điểm là mốc hỗ trợ quan trọng của S&P 500. Và hai là nhiều nhà đầu tư đang chờ thời điểm hợp lý để quay trở lại với cơn sốt cổ phiếu trí tuệ nhân tạo (AI)”, CEO Jay Hatfield của Infrastructure Capital Advisors.
Các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall đã chật vật trong tháng 9 này, khi tín hiệu lãi suất cao hơn lâu hơn từ Fed đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao. Ngoài mối lo lãi suất, thị trường còn đương đầu với xu hướng tăng của giá dầu thô và tỷ giá đồng USD. Năng lượng là nhóm cổ phiếu trong S&P 500 từ đầu tháng tới nay, với mức tăng hiện đạt hơn 2%.
S&P 500 đã giảm gần 4% từ đầu tháng, trên đà hoàn tất tháng giảm thứ hai liên tiếp và tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. Nasdaq đã giảm 5,4% trong tháng này vì cổ phiếu tăng trưởng là những cổ phiếu bị bán tháo nhiều nhất. Nasdaq cũng đang tiến tới hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 12. Trong số ba chỉ số, Dow Jones giảm ít hơn, với mức giảm từ đầu tháng tới nay là 2%.
Thị trường cũng đang dõi theo cuộc đàm phán ngân sách ở Washington, khi Chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa nếu một thoả thuận gia hạn ngân sách không được thông qua trước thời hạn 30/9. Cuối tuần vừa rồi, các nghị sỹ hầu như chưa có tín hiệu nào về việc sớm đạt một thoả thuận như vậy. Ngày thứ Hai, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service cảnh báo một vụ chính phủ đóng cửa sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nước Mỹ.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,02 USD/thùng, chốt ở mức 93,29 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,35 USD/thùng, còn 89,68 USD/thùng.
Giá “vàng đen” đã có một phiên giao dịch giằng co không rõ xu thế, khi thị trường cùng lúc xuất hiện các yếu tố tác động trái chiều.
Tương tự như giá cổ phiếu, giá dầu đang đương đầu với áp lực giảm từ mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn. Tuần trước, giá dầu thô giảm sau khi Fed phát tín hiệu cứng rắn trong lập trường chính sách tiền tệ. Một môi trường lãi suất cao có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và cùng với đó là nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
“Thị trường vẫn đang lo lắng vì vấn đề lãi suất cao, nhân tố có thể ảnh hưởng tới nhu cầu dầu”, Chủ tịch Andrew Lipow của công ty Lipow Oil Associates nhận định.
Ngoài ra, giá dầu còn chịu sức ép giảm từ xu hướng tăng của đồng USD. Phiên đầu tuần, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Nhưng mặt khác, giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi nỗi lo nguồn cung dầu thắt chặt sau khi Nga và Saudi Arabia ra hạn thoả thuận cắt giảm sản lượng. Trước khi giảm trong tuần vừa rồi, giá dầu đã có 3 tuần tăng liên tiếp với tổng mức tăng hơn 10%.
Chính phủ Nga ngày 25/9 quyết định điều chỉnh lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu mới công bố vào tuần trước. Theo đó, Moscow dỡ hạn chế đối với xuất khẩu xăng dầu dùng làm nhiên liệu cho một số loại tàu bè và đối với dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao. Lệnh cấm xuất khẩu đối với tất cả các loại xăng và dầu diesel chất lượng cao tiếp tục duy trì.
Lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu không có thời hạn cụ thể mà Nga đưa ra hôm thứ Năm nhằm bình ổn thị trường trong nước đang làm dấy lên lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung ngay trước khi bán cầu Bắc bước vào những tháng mùa đông.
Triển vọng nguồn cung dầu ở Mỹ cũng khá eo hẹp, khi số liệu hàng tuần từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy số giàn khoan hoạt động ở nước này đã giảm 8 giảm còn 507 giàn trong tuần trước - con số thấp nhất kể từ tháng 2/2022 - cho dù giá dầu đang cao.