Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm, giá dầu tụt khỏi đỉnh, Bitcoin đi xuống
Giá hàng hoá cơ bản tăng mạnh đặt ra mối lo về nguy cơ xuất hiện “stagflation”, khiến chứng khoán Mỹ đi xuống...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (3/3), khi giá dầu và nhiều hàng hoá cơ bản khác tăng giá chóng mặt dẫn tới nỗi lo về tình trạng “stagflation” (tăng trưởng trì trệ kết hợp lạm phát cao). Giá dầu thô lập đỉnh của 13 năm, nhưng không giữ được thành quả tăng này cho tới hết phiên. Giá Bitcoin cũng giảm nhẹ.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,3%, còn 33.794,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,5%, còn 4.363,49 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,6%, còn 13.537,94 điểm.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London có lúc lên gần 120 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2008, trước khi quay đầu giảm do hy vọng Mỹ và Iran sẽ sớm đạt một thoả thuận hạt nhân. Trong trường hợp Washington và Tehran có thoả thuận, Iran sẽ được nối lại hoạt động xuất khẩu dầu giữa lúc thị trường đang thiếu cung nghiêm trọng.
Giá nhiều nguyên vật liệu thô như nhôm, đồng và nickel cũng lập đỉnh mới do các biện pháp trừng phạt mạnh tay của phương Tây đối với Nga liên quan đến xung đột vũ trang Nga-Ukraine đặt ra nguy cơ gián đoạn nguồn cung những mặt hàng này. Không chỉ là nước xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới, Nga còn đi đầu về xuất khẩu nhiều kim loại và ngũ cốc.
Giá hàng hoá cơ bản tăng mạnh đặt ra mối lo về nguy cơ xuất hiện “stagflation” – tình trạng khi lạm phát leo thang và sản lượng kinh tế trì trệ khiến các nền kinh “sa lầy” và thị trường việc làm giảm sút.
“Nhà đầu tư đang lo sợ về sự phản ứng của Fed với ‘stagflation’ hơn là bản thân tình trạng này”, chiến lược gia Kristina Hooper của Invesco phát biểu trên Reuters. “Tình trạng ‘stagflation’ sẽ xuất hiện chớp nhoáng. Nhưng thị trường sẽ cảm thấy thoải mái nếu họ nhận thấy rằng Fed thoải mái với tình trạng đó” – nghĩa là Fed không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức.
Theo chiến lược gia Jeff Mortimer thuộc BNY Mellon Wealth Management, thị trường đang cố gắng phán đoán xem Fed sẽ làm gì và quan điểm của Fed về lạm phát là như thế nào. “Đối với chúng tôi, câu hỏi quan trọng nhất lúc này là làm thế nào để biết được trong 6-9-12-15-18 tháng tới đây, lạm phát sẽ diễn biến thế nào.
Trong ngày điều trần thứ hai trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng xung đột Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế Mỹ vì giá cả leo thang sẽ cản trở tiêu dùng và đầu tư.
Giá dầu có một phiên biến động mạnh, khi nhà đầu tư vừa chuẩn bị cho sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga do các biện pháp trừng phạt, vừa hy vọng vào một thoả thuận Mỹ-Iran.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,93 USD/thùng, còn 107,67 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,47 USD/thùng, còn 110,46 USD/thùng.
Giá Bitcoin lúc hơn 7h sáng nay (4/3) theo giờ Việt Nam đứng ở 42.284 USD, giảm 3,7% so với cách đó 24 tiếng.
Phiên ngày thứ Sáu, tâm điểm chú ý của giới đầu tư sẽ là báo cáo việc làm tháng 2 do Bộ Lao động Mỹ công bố. Các chuyên gia kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới có 440.000 công việc mới trong tháng trước và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3,9%.
Đây là báo cáo việc làm cuối cùng trước khi Fed có cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng tới. Theo dự kiến, Fed sẽ bắt đầu nâng lãi suất trở lại trong lần họp này.
Thị trường cũng sẽ dõi theo các diễn biến cung xung đột Nga-Ukraine. Đến hiện tại, Ukraine vẫn giữ được quyền kiểm soát thủ đô Kiev, dù chiến sự đã diễn ra hơn 1 tuần. Theo dữ liệu từ Liên hiệp quốc, hơn 1 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn.