Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm sau thông điệp cứng rắn của Fed, giá dầu tiếp tục tăng
“Bóng ma” lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ leo thang tiếp tục là nỗi ám ảnh tâm trí giới đầu tư ở Phố Wall trong phiên này...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (19/10), khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ quan điểm còn lo ngại về lạm phát và duy trì lập trường cứng rắn về chính sách tiền tệ. Giá dầu thô giữ đà tăng gần đây do mối lo về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu trong bối cảnh cuộc chiến tranh Israel-Hamas.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 250,91 điểm, tương đương giảm 0,75%, còn 33,414,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,85%, còn 4.278 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,96%, còn 13.186,18 điểm.
“Bóng ma” lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ leo thang tiếp tục là nỗi ám ảnh tâm trí giới đầu tư ở Phố Wall trong phiên này. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng tới 4,996%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Trong vòng 16 năm trở lại đây, chưa khi nào lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng 5%.
Giá trái phiếu giảm, dẫn tới lợi suất trái phiếu tăng và khiến sức hấp dẫn của cổ phiếu giảm sút, vì trái phiếu kho bạc Mỹ vừa là một tài sản an toàn lại có lợi tức cuống phiếu cố định trong khi cổ phiếu là một tài sản có độ rủi ro cao hơn và không có lãi suất cố định. Nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng là kỳ vọng của nhà đầu tư rằng Fed sẽ phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để chống lạm phát.
Kỳ vọng này đã được củng cố trong phiên ngày thứ Năm sau bài phát biểu của ông Powell tại Câu lạc bộ Kinh tế New York. Trong bài phát biểu được chờ đợi này, ông Powell nói lạm phát ở Mỹ vẫn còn quá cao và phải cần tới tăng trưởng kinh tế chậm lại để kéo lạm phát xuống. Nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới cũng nói ông không cho rằng lãi suất đang quá cao.
“Dù con đường có gập ghềnh và mất thời gian, các đồng nghiệp của tôi và tôi cùng nhau giữ vững cam kết đưa lạm phát giảm về mức 2% một cách bền vững”, ông Powell nói.
Tuy ông Powell không đưa ra một hướng đi cụ thể cho lãi suất, nhưng ông nói sẽ cẩn trọng trong việc tăng lãi suất trong tương lai, và thị trường có vẻ cho rằng Fed sẽ không nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 11.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 92% Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào ngày 31/10-1/11. Khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 là 39%.
Căng thẳng Trung Đông và mối lo lãi suất khiến chứng khoán Mỹ có thể mất điểm trong tuần này, cho dù được hỗ trợ bởi báo cáo tài chính quý 3 tốt hơn dự báo của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Nếu tính từ đầu tuần, S&P 500 đã giảm 1,2%; Nasdaq mất 1,7%; và Dow Jones giảm gần 0,8%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,88 USD/thùng, tương đương tăng gần 1%, chốt ở 92,38 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,05 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở mức 89,37 USD/thùng.
“Tiếp lửa” cho giá dầu là mối lo rằng chiến dịch quân sự của Israel ở dải Gaza nhằm trả đũa lực lượng Hamas của Palestine vì cuộc tấn công cách đây gần 2 tuần sẽ leo thang thành một cuộc chiến ở khu vực Trung Đông.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 19/10 nói với binh sỹ nước này tại biên giới dải Gaza rằng họ sẽ sớm nhìn thấy vùng đất của kẻ thù “từ bên trong” - tín hiệu cho thấy một cuộc tấn công trên bộ với mục đích tiêu diệt Hamas có thể đang đến gần.
Mức tăng của giá dầu bị hạn chế sau khi Mỹ cấp một giấy phép 6 tháng cho phép các công ty Mỹ giao dịch với ngành năng lượng của Venezuela - một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang bị Mỹ áp các biện pháp trừng phạt. Giấy phép này được cấp sau khi Washington và Caracas đạt thoả thuận nhằm đảm bảo cuộc bầu cử năm 2024 ở Venezuela sẽ diễn ra công bằng, bình đẳng.
Thoả thuận này được giới chuyên gia dự báo sẽ không giúp Venezuela tăng sản lượng dầu một cách nhanh chóng, nhưng có thể đưa một số công ty nước ngoài quay trở lại các mỏ dầu của Venezuela và sẽ có thêm khác mua dầu Venezuela trả bằng tiền mặt.
Giới thạo tin nói với hãng tin Reuters rằng việc Mỹ nới trừng phạt đối với Venezuela trước mắt sẽ không đòi hỏi OPEC phải thay đổi chính sách sản lượng hiện tại, vì sự phục hồi sản lượng dầu của quốc gia Nam Mỹ này khó có thể diễn ra một cách nhanh chóng.