Chứng khoán Mỹ rớt khỏi đỉnh, giá dầu lao dốc, Bitcoin cao nhất 3 tháng
Dow Jones và S&P 500 trượt khỏi kỷ lục, giá dầu có lúc giảm 4%, giá Bitcoin vượt mức 46.000 USD...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (9/8), khi giá hàng hoá cơ bản tụt dốc và mối lo về sự lây lan của biến chủng Delta đè nặng lên tâm trí nhà đầu tư.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones rớt 0,3%, còn 35.101,85 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 0,09%, còn 4.432,35 điểm. Riêng chỉ có chỉ số Nasdaq tăng 0,16%, đạt 14.860,18 điểm. Trước đó, trong phiên ngày thứ Sáu, Dow Jones và S&P 500 cùng đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại.
“Với biến chủng Delta lây lan nhanh, các quỹ trước đây đặt cược nhiều vào sự mở cửa trở lại của nền kinh tế sẽ tiếp tục rút bớt vốn khỏi những giao dịch như vậy, vì lo ngại thua lỗ”, nhà giao dịch Dennis Dick thuộc Bright Trading nói với hãng tin Reuters.
Giá dầu thô có lúc giảm tới 4% trong phiên dầu tuần, nối dài xu hướng giảm mạnh của tuần trước và xuống đáy 3 tuần. Đồng USD tăng giá gây áp lực mất giá lên thị trường năng lượng. Cùng với đó, nguy cơ các nước châu Á, nhất là Trung Quốc, tái áp các biện pháp phong toả để chống sự lây lan của biến chủng Delta khiến các nhà đầu tư lo rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ chững lại.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường Mỹ giảm 1,8 USD/thùng, tương đương giảm 2,6%, còn 66,48 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 1,66 USD/thùng, tương đương giảm 2,4%, còn 69,04 USD/thùng.
“Sự bán tháo trên thị trường hàng hoá cơ bản cho thấy mối lo về tăng trưởng kinh tế đang là nhân tố chi phối. Một số nhà đầu tư đang chuyển sang thận trọng”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Oanda nhận định.
Trái lại, giá tiền ảo Bitcoin có lúc vượt 46.000 USD, cao nhất trong 3 tháng. Lúc hơn 7h sáng thứ Ba (10/8) theo giờ Việt Nam, giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 46.143 USD, tăng gần 6,5% so với cách đó 24 tiếng.
Báo cáo việc làm khả quan hơn dự kiến mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào hôm thứ Sáu khiến giới đầu tư tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 1,3254% trong phiên đầu tuần, từ mức 1,288% khi đóng cửa phiên ngày thứ Sáu.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến là một số nhà đầu tư chốt lời sớm vì lo ngại rằng chương trình mua tài sản của Fed có thể được cắt giảm ngay từ đầu tháng 9”, chiến lược gia Sebastien Galy thuộc Nordea Asset Management nhận xét. “Nhưng cũng có thể thấy rằng, việc này sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến thị trường, vì nền kinh tế khởi sắc sẽ có tác động lớn hơn so với tác động của lãi suất tăng”.
Dù vậy, theo ông Galy, vấn đề quan trọng hơn cả là Fed sẽ cắt giảm chương trình mua tài sản với tốc độ như thế nào, và khi nào thì Fed sẽ bắt đầu nâng lãi suất. Fed hiện đang chi 120 tỷ USD mỗi tháng để mua trái phiếu, nên cắt giảm 20 tỷ USD/tháng đồng nghĩa với việc mất 6 tháng để đóng cửa chương trình, còn giảm 10 tỷ USD/tháng sẽ mất 1 năm.
Sự lây lan của biến chủng Delta có thể sẽ là cơ sở để Fed kéo dài chương trình mua tài sản. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Mỹ đang ở mức cao nhất 6 tháng, bằng tốc độ lây lan trong làn sóng Covid hồi đầu năm nay ở nước này. Số ca phải điều trị trong viện là hơn 66.000 ca.
Tuần này, tâm điểm chú ý của giới đầu tư ở Mỹ là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7. Theo dự báo, chỉ số này sẽ cho thấy lạm phát ở Mỹ đã đạt đỉnh.
Cũng trong tuần này, sẽ có 4 quan chức Fed phát biểu, và những gì họ nói sẽ làm sáng tỏ hơn về quan điểm chính sách của Fed. Ngoài ra, Thượng viện Mỹ có thể bỏ phiếu thông qua gói đầu tư hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD vào ngày thứ Ba.
Hiện tại, chứng khoán Mỹ vẫn đang được nâng đỡ bởi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 rực rỡ. Đến hiện tại, đã có 443 công ty trong S&P 500 công bố báo cáo, với 87,4% trong số này đưa ra kết quả tốt hơn dự báo. Giới phân tích cho rằng lợi nhuận quý 2 của các doanh nghiệp thuộc chỉ số này tăng 93,1% so với cùng kỳ 2020 - theo dữ liệu của Refinitiv.