08:06 02/11/2023

Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh sau cuộc họp Fed, giá dầu xuống đáy 3 tuần

Bình Minh

Cả ba chỉ số đồng loạt xanh rực sau khi Fed giữ nguyên lãi suất và nhận định nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (1/11), sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất lần thứ hai liên tiếp - một quyết định khiến giới đầu tư tin rằng Fed sẽ “án binh bất động” cho tới hết năm nay. Trong khi đó, việc Fed để ngỏ khả năng còn tăng thêm lãi suất trong tương lai khiến giá dầu đi xuống, chạm mức thấp nhất trong 3 tuần.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 221,71 điểm, tương đương tăng 0,67%, đạt 33.274,58 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,05%, chốt ở đạt 4.237,86 điểm, trong phiên có lúc vượt qua ngưỡng bình quân của 200 ngày. Chỉ số Nasdaq tăng 1,64%, đạt 13.061,47 điểm.

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5%, một kết quả không nằm ngoài dự báo trước đó của thị trường tài chính. Đây là cuộc họp thứ hai liên tiếp Fed không thay đổi lãi suất.

Trong tuyên bố sau cuộc họp, Fed nhận định “các hoạt động kinh tế đã mở rộng với tốc độ mạnh mẽ trong quý 3”. Đánh giá này có thay đổi so với các tuyên bố trước kia của Fed, khi ngân hàng trung ương này nhận định nền kinh tế đang tăng trưởng với “tốc độ vững vàng”.

Một số nhà phân tích cho rằng, với lãi suất quỹ liên bang đã ở mức cao cộng thêm xu hướng tăng gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, Fed sẽ không có nhiều lý do để tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm diễn ra vào tháng 12. Dù vậy, thị trường cũng không loại trừ khả năng Fed lại tăng lãi suất sau đó và giữ lãi suất cao hơn lâu hơn cho tới khi lạm phát được kiểm soát hoàn toàn.

“Xét tới xu hướng tăng gần đây của lợi suất, khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 giảm xuống. Nhưng vẫn có khả năng Fed tăng lãi suất sau đó để khiến lạm phát tiếp tục giảm. Điều kiện tài chính thắt chặt từ cuộc họp tháng 9 của Fed đã làm giúp Fed một phần công việc trên con đường tiến tới đạt mục tieu lạm phát”, chiến lược gia Damanick Dantes của công ty Global X nhận định với hãng tin CNBC.

Trong họp báo sau cuộc họp của Fed, chủ tịch Fed Jerome Powell cũng không loại trừ khả năng tăng lãi suất trong tháng tới. Ông nói sẽ là sai lầm khi cho rằng khó tăng lãi suất sau 2 lần tạm dừng liên tiếp.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh sau khi kết quả cuộc họp của Fed được công bố, với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hnaj 10 năm giảm xuống dưới mốc 4,8%, sau khi vượt ngưỡng 5% vào cuối tháng 10 vừa qua - một diễn biến khiến giới đầu tư cổ phiếu hoảng sợ. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm cũng giảm dưới mốc 5% khi kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư.

Nỗi lo lãi suất dịu đi là động lực chính đưa cổ phiếu công nghệ thông tin trở thành nhóm tăng mạnh nhất trong S&P 500 phiên này, với mức tăng của cả nhóm đạt khoảng 2%. Trong đó, tăng mạnh hơn cả là loạt cổ phiếu con chip, như AMD tăng 9,7%; Micron tăng 3,8%; và Nvidia tăng hơn 3%.

Tháng 10 vừa qua, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao là nguyên nhân chính khiến chứng khoán Mỹ giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 10 vừa qua. Tính cả tháng, Dow Jones giảm 1,4%; S&P 500 giảm 2,2%; và Nasdaq mất 2,8% điểm số.

Trên thị trường năng lượng, nhà đầu tư có cách phản ứng khác so với giới đầu tư cổ phiếu trong phiên ngày thứ Tư với kết quả cuộc họp của Fed. Họ lo lắng nhiều hơn về khả năng Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất trong tương lai, và điều này khiến giá dầu kết thúc phiên trong trạng thái giảm nhẹ, dù trong phiên có thời điểm tăng hơn 2 USD/thùng do mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông.

Chốt phiên, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,39 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 84,63 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,58 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, còn 80,44 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ hôm 6/10 và của dầu WTI kể từ hôm 28/8. Giá của cả hai loại dầu đều giảm dưới ngưỡng bình quân 100 ngày - ngưỡng hỗ trợ chủ chốt đã được duy trì từ tháng 7 tới nay.

Trong bối cảnh nguồn cung dầu từ Trung Đông tạm thời chưa có sự gián đoạn nào do chiến tranh Israel-Hamas, nhà đầu tư đang lo lắng nhiều hơn về lãi suất cao và triển vọng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu. Dù kinh tế Mỹ đang vững, kinh tế châu Âu đang đứng trước khả năng rơi vào suy thoái vào cuối năm nay. Một cuộc khảo sát tư nhân ở Trung Quốc cho thấy hoạt động của các nhà máy bất ngờ giảm trong tháng 10.

“Sắp tới, thị trường dầu lửa sẽ tiếp tục quan tâm tới triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu là liệu cuộc chiến Israel-Hamas có dẫn tới sự gián đoạn nguồn cung nào hay không”, nhà phân tích Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nhận định.