Từng được định giá 47 tỷ USD, WeWork chuẩn bị nộp đơn xin phá sản
Một vụ phá sản của WeWork sẽ là cú đảo ngược gây sửng sốt về vận may của công ty từng được định giá 47 tỷ USD trong một vòng gọi vốn tư nhân vào năm 2019...
WeWork dự kiến nộp đơn xin bảo hộ phá sản ngay vào tuần tới - tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho hay - trong bối cảnh startup “kỳ lân” đình đám một thời chật vật xoay sở với khối nợ khổng lồ và thua lỗ chồng chất.
Tin đồn về việc WeWork phá sản đã xuất hiện một thời gian, sau khi công ty cung cấp không gian làm việc linh hoạt này báo cáo với nhà chức trách về “nỗi hoài nghi to lớn” đối với khả năng duy trì hoạt động trong vòng 1 năm tới.
Sau khi thông tin về việc WeWork có thể sắp chính thức đệ đơn phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản Mỹ lên toà án ở New Jersey được Wall Street Journal đăng tải ngày 31/10, giá cổ phiếu công ty này có thời điểm giảm 32% trong phiên giao dịch ngoài giờ. Nếu tính từ đầu năm, giá cổ phiếu WeWork đã “bốc hơi” 96%.
Trước đó cùng ngày, WeWork cho biết đã đạt thoả thuận với các chủ nợ về giãn một số khoản nợ với tổng trị trị giá 6,4 triệu USD, đúng vào lúc sắp hết thời gian ân hạn của các khoản phải trả này.
Ở thời điểm cuối tháng 6, WeWork có 2,9 tỷ USD nợ ròng dài hạn và nợ hơn 13 tỷ USD tiền thuê mặt bằng dài hạn, trong bối cảnh lãi suất tăng cao gây áp lực lớn lên lĩnh vực bất động sản thương mại.
Một vụ phá sản của WeWork sẽ là cú đảo ngược gây sửng sốt về vận may của công ty từng được định giá 47 tỷ USD trong một vòng gọi vốn tư nhân vào năm 2019. WeWork cũng chính là một “hố đen” đã nhấn chìm nhiều tỷ USD của SoftBank - công ty đầu tư công nghệ của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son.
Rắc rối đã bủa vây WeWork sau khi kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2019 thất bại. Vụ phát hành đổ bể do nhà đầu tư hoài nghi về mô hình kinh doanh đi thuê văn phòng dài hạn để cho thuê ngắn hạn của WeWork, cũng như những khoản thua lỗ khổng lồ của công ty dưới sự điều hành của nhà sáng lập kiêm CEO khi đó là Adam Neumann.
Tháng 8/2019, WeWork tiết lộ thua lỗ 900 triệu USD trong 6 tháng. Một tháng sau đó, Neumann bị cách chức sau hàng loạt cáo buộc về môi trường làm việc độc hại tại công ty.
SoftBank - cổ đông chính của WeWork - đã rót khoảng 10 tỷ USD để vực dậy startup này, nhưng WeWork vẫn tiếp tục trong tình trạng lỗ chồng lỗ. Năm 2020, SoftBank mạnh tay hạ định giá WeWork còn 2,9 tỷ USD.
Sau nhiều nỗ lực, WeWork cuối cùng cũng trở thành một công ty đại chúng vào năm 2021, với mức định giá khoảng 9 tỷ USD. Cuộc chào sàn của WeWork được tiến hành thông qua sáp nhập với một công ty séc trắng (SPAC) thay vì theo con đường IPO truyền thống.
Tháng 8 vừa qua, WeWork thông báo về “nỗi hoài nghi to lớn” đối với khả năng tiếp tục hoạt động. Một loạt nhà điều hành cấp cao của công ty, gồm CEO Sandeep Mathrani, đã rời đi trong năm nay.
Ngoài sự thất bại của mô hình kinh doanh và văn hoá điều hành doanh nghiệp thời CEO Neumann, WeWork còn là một “nạn nhân” của đại dịch Covid-19, khi giãn cách xã hội dẫn tới xu hướng làm việc từ xa. Tuy nhiên, kể từ khi các biện pháp hạn chế chống Covid được gỡ bỏ tại các quốc gia đến nay, WeWork vẫn chưa khi nào báo lãi.
WeWork bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2010 ở New York, cung cấp không gian làm việc chung cho khách hàng chủ yếu là những người làm việc tự do, các startup, và doanh nghiệp nhỏ. Sau đó, công ty nhanh chóng mở rộng đối tượng khách hàng ra các công ty lớn hơn.