07:45 30/10/2022

Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh, VN-Index có theo đà bật tăng trở lại?

Thu Minh

Thị trường chứng khoán Việt Nam và Mỹ có mối tương quan không chặt chẽ trong xu hướng đi ngang song có mối tương quan chặt chẽ trong những giai đoạn tăng hoặc giảm mạnh...

Diễn biến VN-Index những năm gần đây.
Diễn biến VN-Index những năm gần đây.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (28/10). Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 828,52 điểm, tương đương tăng khoảng 2,6%, chốt ở 32.861,8 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng gần 2,5%, chốt ở 3.901,06 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng khoảng 2,9%, đạt 11.102,45 điểm.

Chất xúc tác cho phiên này là dữ liệu cho thấy lạm phát giảm nhiệt và tiêu dùng vẫn vững vàng.

Tính cả tuần, cả ba chỉ số đều đạt thành quả tăng ấn tượng. Đây là tuần tăng thứ tư liên tiếp đầu tiên của Dow Jones kể từ chuỗi 5 tuần tăng kết thúc vào tháng 11/2021. Cả tuần, chỉ số gồm 30 cổ phiếu thành viên này tăng 5,7%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 5 và tiến tới hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1976. S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 3,9% và 2,2% cả tuần.

Diễn biến Dow Jones một năm gần đây. 
Diễn biến Dow Jones một năm gần đây. 

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm 245 điểm suốt từ cuối tháng 8 đến nay và tính từ đỉnh đạt được từ cuối năm 2021, Vn-Index đã giảm gần 500 điểm. Mặc dù có một số phiên hồi phục gần đây song mức hồi phục khá yểu khi chỉ được vài phiên là lại sụt giảm, mô hình hai đáy vẫn cần một vài phiên nữa để xác nhận.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư thường so sánh biến động của chứng khoán Mỹ để làm điểm tựa dự báo về chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, đã không có sự đồng nhất giữa hai chỉ VN-Index và Dow Jones trong thời gian gần đây.

Quan sát cho thấy, trong những phiên chứng khoán Mỹ tăng mạnh thì Vn-Index vẫn rớt, ngay cả mùa công bố kết quả kinh doanh cao điểm với nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng tốt, đặc biệt là nhóm ngân hàng.

Thống kê của Chứng khoán Kỹ Thương - TCBS cũng cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam và Mỹ có mối tương quan không chặt chẽ trong xu hướng đi ngang song có mối tương quan chặt chẽ trong những giai đoạn tăng hoặc giảm mạnh. Tuy nhiên, diễn biến tương quan lớn nhất trong bối cảnh thị trường tăng, còn trong nhịp thị trường giảm mối tương quan có thể cùng chiều hoặc ngược chiều.

Cụ thể, TCBS lựa chọn ra các giai đoạn tăng của Vn-Index gồm: Giai đoạn tăng 9/1/2012 - 7/5/2012; 3/12/2012 - 4/1/2012; 2/10/2017 - 2/4/2018; 30/3/2020 - 8/6/2020.

Các giai đoạn giảm của Vn-Index gồm: từ 12/9/2011 - 3/1/2012; 8/9/2014-15/12/2014; 9/4/2018 - 9/7/2018; 21/1/2020 - 23/3/2020; 4/4/2022- 5/7/2022.

Kết quả cho thấy, trong một số giai đoạn, chứng khoán Việt Nam lao đầu giảm mạnh khi chứng khoán Mỹ tăng. Ví dụ, giai đoạn 12/9/2011 - 3/1/2012,  Vn-Index quay đầu giảm mạnh khi chứng khoán Mỹ tăng mạnh.

Điều này có nghĩa là, trong bối cảnh hiện tại rất khó để kỳ vọng chứng khoán Việt Nam quay đầu bật tăng trở lại theo xu hướng của chứng khoán Mỹ.

Còn hầu hết trong các nhịp Vn-Index tăng mạnh thì hệ số tương quan trên 50%, tức là thị trường Mỹ và Việt Nam cùng đều tăng mạnh trong các giai đoạn này. 

Chứng khoán được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế. Tại từng nước, biến động chỉ số chứng khoán phụ thuộc vào tình hình kinh tế chính quốc gia đó dù các sự kiện mang tính toàn cầu như dịch bệnh, chiến tranh ảnh hưởng đến chứng khoán toàn cầu.

"Việc theo dõi diễn biến thị trường Mỹ chỉ nên mang yếu tố tham khảo. Đừng nên vì biến động lớn tại Mỹ mà đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu của Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong lúc thị trường giảm hoặc đi ngang", ông Nguyễn Mạnh Việt, Chuyên gia Phân tích của TCBS khuyến nghị nhà đầu tư.