08:01 15/02/2025

Chứng khoán Mỹ tăng điểm tuần này bất chấp thuế quan, giá dầu giảm vì tin Nga - Ukraine

Bình Minh

Tâm lý nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall trong tuần này nhìn chung không đến mức quá tệ, dù ông Trump công bố kế hoạch áp thuế quan mới...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu (14/2) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, nhưng hoàn tất một tuần tăng điểm trong bối cảnh nhà đầu tư nghiền ngẫm các thông tin về thương mại toàn cầu và lạm phát ở Mỹ. Giá dầu thô giảm vì khả năng sắp có một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, nhưng vẫn tăng trong tuần này do thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa được triển khai ngay.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 165,35 điểm, tương đương giảm 0,37%, còn 44. 546,08 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,01%, còn 6.114,63 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,41%, đạt 20.026,77 điểm.

Tâm lý nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall trong tuần này nhìn chung không đến mức quá tệ, dù ông Trump công bố kế hoạch áp thuế quan 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu, tiếp đến là kế hoạch áp thuế quan đối ứng lên tất cả các quốc gia có đánh thuế quan hàng Mỹ. Việc các thuế quan này mới được công bố chứ chưa được thực thi ngay - như thuế quan thép và nhôm có hiệu lực từ ngày 12/3 và kế hoạch thuế quan có đi có lại đến ngày 1/4 mới có kết quả điều tra - giúp nhà đầu tư cảm thấy lạc quan.

Các báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) công bố tuần này đều mang tới những con số nóng hơn dự báo, giảm suy giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong năm 2025. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nếu dựa trên các số liệu này để tính toán, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng hơn -  tháng 1 sẽ không tăng mạnh như lo ngại trước đó.

Trong cuộc điều trần định kỳ về chính sách tiền tệ trước Quốc hội Mỹ trong tuần này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khẳng định lại quan điểm không vội hạ lãi suất. Sự cứng rắn này của ông Powell đã khiến nhà đầu tư lo lắng, nhưng mối lo đó đã nhanh chóng tan đi.

Số liệu thống kê ngày thứ Sáu cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 1 của Mỹ giảm 0,9%, mạnh hơn mức dự báo giảm mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Dù vậy, số liệu này cũng không có ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng của nhà đầu tư.

Cả tuần, S&P 500 tăng khoảng 1,5%, Dow Jones tăng 0,6% và Nasdaq tăng 2,6%.

Phần lớn sự tăng điểm của tuần diễn ra trong phiên ngày thứ Năm, sau khi ông Trump ký một biên bản ghi nhớ vạch ra kế hoạch đánh thuế quan có đi có lại, thay vì thực hiện việc áp thuế ngay lập tức.

“Có vẻ như nền kinh tế và lạm phát đều không tăng tốc quá mức, và điều này gây áp lực giảm lên lãi suất”, nhà quản lý danh mục Matt Stucky của công ty Northwestern Mutual Wealth Management Company nhận định. Ông Stucky cho rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm trong tuần này là một nguyên nhân đưa giá cổ phiếu tăng.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm gần 5 điểm cơ bản, về mức 4,478% vào cuối phiên. Cuối tuần trước, lợi suất của kỳ hạn này đạt hơn 4,5%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,28 USD/thùng, tương đương giảm 0,37%, còn 74,74 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,55 USD/thùng, tương đương giảm 0,77%, còn 70,74 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu Brent và dầu WTI đều tăng khoảng 1%.

Dầu giảm giá trong phiên ngày thứ Sáu sau khi ông Trump yêu cầu giới chức Mỹ bắt đầu đàm phán về chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine. Động thái này diễn ra sau khi ông Trump có các cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelenskiy trong tuần này, trong đó hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đều bày tỏ mong muốn hòa bình.

Triển vọng chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine giúp làm giảm bớt rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu. Nếu Nga được phương Tây dỡ các biện pháp trừng phạt trong trường hợp các bên đạt mọt thỏa thuận hòa bình, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng mạnh.

Tuy nhiên, áp lực giảm đối với giá dầu trong tuần này đã được cân bằng bởi việc ông Trump chưa áp ngay thuế quan mới.

“Thông tin tích cực về thương mại, với việc Mỹ hoãn áp thuế quan, đã mở đường cho giá dầu hồi phục, vì tâm lý ham thích rủi ro tăng lên do kỳ vọng sẽ có những thỏa thuận thương mại”, chiến lược gia Yeap Jun Rong của công ty IG nhận xét.

Ngoài ra, giá dầu còn được nâng đỡ bởi thông tin Mỹ muốn gây sức ép kinh tế tối đa với Iran. Quan điểm này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào ngày thứ Sáu.

Một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đã tăng mạnh lên mức 103,4 triệu thùng/này trong tuần vừa rồi, cao hơn 1,4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. “Nhu cầu đi lại và sưởi ấm đã khởi sắc trong tuần thứ hai của tháng 2, sau một thời gian ảm đạm. Điều này cho thấy khoảng cách giữa nhu cầu thực tế và nhu cầu dự báo sẽ sớm thu hẹp”, báo cáo của JPMorgan Chase viết.