Chứng khoán Mỹ tăng mạnh dù ông Trump đưa ra thuế quan mới, giá dầu hồi phục
Theo giới phân tích, nhà đầu tư lạc quan vì thuế quan mới chưa áp ngay. Tâm lý phấn khích tập trung vào nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn...
![Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2024/12/14/anh-man-hinh-2024-12-14-luc-07-25-31.png)
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiê giao dịch ngày thứ Năm (13/2), khi số liệu lạm phát mới và kế hoạch thuế quan có đi có lại của Tổng thống Donald Trump dường như không khiến nhà đầu tư lo ngại nhiều về áp lực giá cả và căng thẳng thương mại toàn cầu.
Giá dầu thô thu hẹp mức giảm nội phiên và kết thúc phiên trong trạng thái giảm nhẹ, trong bối cảnh thị trường đang hy vọng về một giải pháp hòa bình cho xung đột Nga-Ukraine.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 342,78 điểm, tương đương tăng 0,77%, đạt 44.711,43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,04%, đạt 6.115,07 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,5%, đạt 19.945,64 điểm.
Đáng chú ý, Dow Jones lập đỉnh của phiên sau khi ông Trump ký một biên bản ghi nhớ về áp thuế quan có đi có lại lên tất cả các quốc gia. Biên bản này thực chất chưa đưa ra một mức thuế hay thời gian thực thi cụ thể nào, mà yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu về hàng rào thuế quan và phi thuế quan của mỗi quốc gia đối với hàng hóa Mỹ, từ đó để đưa ra mức thuế quan tương xứng của Mỹ trong mỗi trường hợp.
Ngoài ra, ông Trump cũng phát tín hiệu rằng sắp tới ông sẽ đưa ra thêm thuế quan mới, bao gồm thuế quan đối với ô tô nhập khẩu.
Theo giới phân tích, nhà đầu tư lạc quan vì thuế quan mới chưa áp ngay. Tâm lý phấn khích tập trung vào nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, dẫn đầu là Nvidia với mức tăng 3,2% và Tesla tăng 5,8%.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Năm cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (PPI) - thước đo giá cả hàng hóa và dịch vụ trả cho nhà sản xuất - tăng 0,4% trong tháng 1, cao hơn mức dự báo tăng 0,3% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. PPI lõi, thước đo không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng 0,3%, phù hợp với dự báo.
Trước đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Tư cũng mang tới những con số nóng hơn dự báo. Dù vậy, mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 1 dựa trên số liệu CPI và PPI lại thấp hơn so với dự báo của thị trường.
PCE là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng và PCE tháng 1 sẽ được công bố trong tháng 2 này. Dự báo về PCE dựa trên CPI và PPI giúp xoa dịu phần nào mối lo lạm phát của nhà đầu tư.
Sau khi báo cáo PPI được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm gần như đi ngang. Về cuối phiên, chỉ số này giảm khoảng 10 điểm cơ bản, còn 4,531%.
“Những yếu tố thành phần để tính PCE là nguồn gốc của niềm vui trong ngày hôm nay. Nhờ đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm xuống một chút”, chiến lược gia trưởng Adam Turnquist của công ty LPL Financial nhận định. “Chúng tôi đang theo dõi mốc 4,5% của lợi suất kỳ hạn 10 năm. Nếu lợi suất giảm dưới mốc này, đó sẽ là một tín hiệu đáng hoan nghênh cho thị trường cổ phiếu”.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,16 USD/thùng, tương đương giảm 0,21%, còn 75,02 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,08 USD/thùng, tương đương giảm 0,11%, còn 71,29 USD/thùng.
Trong phiên, có lúc giá dầu giảm hơn 1% do kỳ vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine gây áp lực giảm lên giá dầu. Việc ông Trump chưa áp ngay thuế quan có đi có lại là yếu tố giảm bớt sức ép đối với giá dầu.
“Chúng ta chứng kiến giá dầu hồi phục vì thuế quan mới phải đến tháng 4 mới có mức thuế cụ thể. Đó là khoảng thời gian để đàm phán”, nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhận định.
Giá dầu Brent và WTI cùng giảm hơn 2% trong phiên ngày thứ Tư sau khi ông Trump cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bày tỏ mong muốn hòa bình trong các cuộc điện đàm riêng với ông, và ông đã yêu cầu giới chức Mỹ khởi động đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho rằng việc giá dầu giảm trong 24 giờ qua dường như được thúc đẩy sự dịch chuyển từ mối lo về thiếu cung dầu sang nhận định cho rằng thị trường sẽ có đủ nguồn cung dầu. Ông Staunovo cũng nói rằng một số nhà đầu tư trên thị trường dầu kỳ vọng xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ tăng.
Trong một báo cáo mới, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định hoạt động xuất khẩu dầu của Nga có thể được duy trì nếu nước này tìm được cách “lách” các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ. Tháng trước, sản lượng dầu thô của Nga tăng nhẹ thay vì giảm, dù gói trừng phạt mới của Mỹ được đưa ra.