08:55 13/02/2025

Hai hướng đi tiềm tàng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

An Huy

Cơ hội cho một thỏa thuận song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không phải là không còn...

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp vào nhiệm kỳ trước của ông Trump - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp vào nhiệm kỳ trước của ông Trump - Ảnh: Bloomberg.

Sau khi ông Trump áp thuế quan bổ sung 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế quan 10-15% lên 14 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Cuộc chiến thương mại 2.0 giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chính thức bắt đầu.

Trước đó, giới phân tích và các nhà đầu tư đã kỳ vọng những lời đe dọa thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ yếu nhằm mục đích đưa Trung Quốc tới bàn đàm phán. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra và cho tới hiện tại, hai bên vẫn chưa phát tín hiệu nào về việc sẽ sớm có những cuộc thảo luận để giải quyết cuộc đối đầu thương mại.

Nhưng cơ hội cho một thỏa thuận song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không phải là không còn. Trao đổi với hãng tin CNN, CEO Andy Rothman của công ty tư vấn Sinology cho rằng sự đáp trả hạn chế của Trung Quốc đối với Mỹ có thể nhằm để ngỏ cánh cửa cho việc đàm phán.

“Bắc Kinh đã kiềm chế trong phản ứng với thuế quan mới của ông Trump, bởi có hai lý do. Thứ nhất, tác động của thuế quan mới đối với Trung Quốc là không lớn, và thứ hai, Trung Quốc muốn tạo dư địa để đàm phán với ông Trump”, ông Rothman nói.

Theo giới chuyên gia, sau khởi đầu bằng thuế quan áp lên hàng hóa của nhau, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lần thứ hai có thể đi theo một trong hai chiều hướng: một là đạt thỏa thuận giảm căng thẳng, và hai là căng thẳng leo thang cao hơn và Trung Quốc có thể cân nhắc các biện pháp trừng phạt hoặc nhượng bộ tiếp theo đối với Mỹ.

ĐÀM PHÁN VÀ ĐẠT THỎA THUẬN

Thuế quan mà Mỹ áp lên Trung Quốc lần này được đánh giá là “nhẹ nhàng” so với mức thuế 60% mà ông Trump đã đe dọa đối với Bắc Kinh trong chiến dịch tranh cử tổng thống lần thứ hai của ông.

“Ông Trump có vẻ đang ở trong trạng thái muốn thương lượng, dùng thuế quan như một công cụ đàm phán… Tuy nhiên, chưa rõ là ông ấy muốn gì ở Trung Quốc và sẵn sàng lấy gì để đổi chác”, ông Rothman nói.

Một số nhà quan sát nhận định ở thời điểm hiện tại, có vẻ như các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cảm thấy thoải mái vì mức độ hành động hạn chế của chính quyền mới ở Mỹ. “Họ đã chuẩn bị tinh thần cho mức thuế quan 60% và sự phân ly hoàn toàn giữa Trung Quốc và Mỹ… Nhưng những điều đó ít nhất chưa xảy ra” ông Suisheng Zhao, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung - Mỹ thuộc Đại học Denver, nhận xét.

Nhưng thời hạn 1/4 đang phủ bóng lên cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Đó là thời hạn mà ông Trump yêu cầu giới chức Mỹ báo cáo kết quả cuộc điều tra về quan hệ kinh tế giữa hai nước, và kết quả điều tra đó có thể dẫn tới những hành động mới.

Các quan chức ở Bắc Kinh giờ đây sẽ tập trung vào việc quản lý cẩn trọng các thông điệp họ gửi tới chính quyền Trump trong các biện pháp ngoại giao và thương mại, nhằm tìm cách ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại căng thẳng hơn. Họ cũng có thể muốn tận dụng mọi cơ hội để sử dụng mối quan hệ cá nhân giữa ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình để thuyết phục Tổng thống Mỹ không gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Điều đó có thể có nghĩa là Bắc Kinh rất muốn chào đón ông Trump tới các cuộc gặp mặt trực tiếp ở Bắc Kinh. Tháng trước, một nguồn tin nói với CNN rằng Trump muốn có những cuộc gặp như vậy.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc “không muốn căng thẳng leo thang… Đòn bẩy của Trung Quốc không mạnh bằng Mỹ, vì vậy họ phải tận dụng mọi cơ hội có thể để cố gắng xoa dịu ông Trump và để ông Trump hướng mục tiêu sang các quốc gia khác”, ông Zhao nói.

TRỪNG PHẠT HOẶC NHƯỢNG BỘ

Dù Trung Quốc có thể đang tìm cách ngăn chiến tranh thương mại nóng thêm, có một điều chắc chắn là nước này cũng đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống leo thang căng thẳng. Có lẽ, Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt để áp lên Mỹ hoặc các nhượng bộ mà họ có thể đưa ra nếu ông Trump đẩy cuộc chiến thương mại song phương lên một ngưỡng mới.

“Hành động thương mại của ông Trump sẽ buộc Bắc Kinh phải đáp trả, nhưng lần này họ sẽ đáp trả một cách có trọng điểm hơn, thay vì ăn miếng trả miếng ồ ạt như hồi năm 2018-2019”, nhà kinh tế trưởng Nick Marro của công ty nghiên cứu Economist Intelligence Unit.

Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã cải tổ các quy định kiểm soát xuất khẩu, tăng cường khả năng trong việc hạn chế xuất khẩu các hàng hóa lưỡng dụng, nguyên vật liệu thô và khoáng sản quan trọng - trong đó có những mặt hàng có tầm quan trọng lớn đối với Mỹ về mặt kinh tế hoặc an ninh quốc gia. Giới phân tích ước tính rằng Trung Quốc kiểm soát 60% hoạt động sản xuất và 85% hoạt động chế biến các khoáng sản quan trọng trên toàn cầu.

Bắc Kinh sẽ đánh giá mặt lợi mặt hại của việc tăng cường kiểm soát xuất khẩu những hàng hóa như vậy, cũng như của việc áp thêm thuế quan, bên cạnh các biện pháp để bảo vệ nền kinh tế trong nước vốn đang đương đầu với tăng trưởng giảm tốc, giảm phát dai dẳng và nhu cầu tiêu dùng yếu.

Giới phân tích cũng đánh giá rằng Trung Quốc hiện nay đã có sự chuẩn bị tốt hơn cho xung đột thương mại so với trong nhiệm kỳ trước của ông Trump. Doanh nghiệp Trung Quốc đã đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu, trong khi Bắc Kinh đã đẩy mạnh nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ với các đối tác thương mại khác nhằm tạo cơ hội mở rộng thương mại với các đối tác này trong trường hợp xung đột với Mỹ và các đồng minh của Mỹ gia tăng.

Một câu hỏi lớn đặt ra là Trung Quốc có thể nhượng bộ Mỹ điều gì nếu có một cuộc đàm phán thực chất với Mỹ để đi đến một thỏa thuận thương mại. Giới phân tích nói rằng Bắc Kinh chưa bao giờ thực thi đầy đủ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai bên đạt được vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, trong khi những mối lo ngại của Mỹ đã mở rộng sang cả chính sách công nghiệp và mô hình kinh tế của Trung Quốc thay vì chỉ tập trung vào vấn đề thương mại.

“Xét tới thất bại của những cuộc đàm phán trước đây, mong muốn của Mỹ về một thỏa thuận lớn với Trung Quốc, bao gồm cả những vấn đề như tương lai của TikTok, có vẻ còn không mạnh lắm ở thời điểm hiện tại”, ông Marro nhận định.