08:05 19/10/2022

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh phiên thứ hai liên tiếp, giá dầu tụt dốc

Bình Minh

Khởi đầu khả quan của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 có thể là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang trụ vững hơn so với dự báo của nhiều người...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (18/10), khi loạt báo cáo tài chính khả quan trở thành liều thuốc tinh thần quý giá cho nhà đầu tư. Trong khi đó, giá dầu thô đi xuống vì mối lo suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 337,98 điểm, tương đương tăng 1,12%, chốt ở 30.523,8 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,14%, đạt 3.719,98 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,9%, đạt 10.772,4 điểm.

Phiên tăng này nối tiếp phiên tăng mạnh vào hôm thứ Hai, khi Nasdaq tăng hơn 3%, đánh dấu phiên “xanh” nhất kể từ tháng 7.

Cổ phiếu Goldman Sachs tăng 2,3%, giữ vai trò cú huých đối với Dow Jones sau khi ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh quý 3 với doanh thu và lợi nhuận cùng vượt kỳ vọng. Đây là báo cáo tài chính tiếp theo trong chuỗi kết quả khả quan của các ngân hàng lớn, bao gồm của Bank of America và Bank of New York Mellon công bố hôm thứ Hai. Toàn bộ nhóm cổ phiếu tài chính vượt trội trong phiên ngày thứ Ba.

Nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu vì khả năng các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ quá tay đã đẩy chứng khoán Mỹ tụt điểm xuống mức đáy của năm trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, khởi đầu khả quan của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 có thể là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang trụ vững hơn so với dự báo của nhiều người.

“Kết quả kinh doanh quý 3 và quý 4 có thể xác nhận rằng các yếu tố nền tảng của nền kinh tế vẫn vững chắc, với nền tảng là thị trường lao động vững vàng và sự mở cửa trở lại sau Covid. Định giá cổ phiếu có thể sẽ tiếp tục tuỳ thuộc vào quan điểm của các ngân hàng trung ương và diễn biến lãi suất, mà điều này có thể dần trở nên bớt tiêu cực hơn. Như vậy, thị trường chứng khoán sẽ nghiêng về tăng điểm trong thời gian từ nay đến cuối năm nhờ kết quả kinh doanh tích cực của nửa sau năm 2022, mức độ nắm giữ cổ phiếu đang thấp, tâm lý hiện đang rất bi quan, và mức giá cổ phiếu đã hợp lý”, ông Dubravko Lakos-Bujas, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu, nhận định với hãng tin CNBC.

“Tuy nhiên, trong năm tới, chúng tôi nhận thấy tình hình lợi nhuận có vẻ sẽ khó khăn hơn so với kỳ vọng hiện nay”, ông nói thêm.

Phiên ngày thứ Ba chứng kiến sự giằng co mạnh của các chỉ số, cho thấy nhiều nhà đầu tư còn thiếu tin tưởng vào sự hồi phục. Có lúc Dow Jones tăng hơn 600 điểm, nhưng không giữ được thành quả này khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên. Nasdaq đã có hai lần “đỏ” trong phiên giao dịch.

Chứng khoán toàn cầu tăng điểm trong phiên ngày thứ Ba, với chỉ số MSCI All Country World Index tăng 1,13%. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 0,34% và chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 1,55%. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản tăng 1,42%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,59 USD/thùng, tương đương giảm 1,7%, còn 90,03 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York sụt 2,64 USD/thùng, tương đương giảm 3,1%, còn 82,82 USD/thùng.

Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới – đã hoãn vô thời hạn việc công bố báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 lẽ ra công bố ngày thứ Ba. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ năng lượng suy yếu ở nước này.

“Không phải là một tín hiệu tốt khi Trung Quốc quyết định hoãn công bố số liệu kinh tế”, chuyên gia John Kilduff của Again Capital LLC nhận định.

Giá dầu cũng chịu áp lực giảm sau khi có tin do giới thạo tin tiết lộ với hãng Reuters rằng Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục xả dự trữ dầu lửa chiến lược nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

Dù vậy, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi việc OPEC+ mới đây quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày. Một báo cáo của ANZ Research nói rằng các nhà đầu tư đã tăng trạng thái đầu cơ dầu giá lên kể từ sau động thái của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.