09:22 17/10/2022

Vết rạn trong quan hệ Mỹ - Arập Xêút 

An Huy

Chỉ vài ngày trước khi OPEC+ ra quyết định cắt giảm sản lượng, giới chức Mỹ đã kêu gọi những người đồng cấp ở Riyadh và các nước sản xuất dầu lớn khác ở vùng Vịnh hãy trì hoãn việc ra một quyết định như vậy. Nhưng câu trả lời thẳng thừng của Riyadh là “Không”...

Ảnh minh hoạ: Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.
Ảnh minh hoạ: Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối, tức liên minh OPEC+, mới đây đã nhất trí cắt giảm sản lượng mạnh tay nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Động thái này giúp nâng đỡ giá của dầu thô, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các quốc gia thành viên OPEC+, nhưng lại bị xem là đi ngược lại lợi ích của người tiêu dùng toàn cầu, trong đó có Mỹ - quốc gia đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Theo Wall Street Journal, chỉ vài ngày trước khi OPEC+ ra quyết định cắt giảm sản lượng, giới chức Mỹ đã kêu gọi những người đồng cấp ở Riyadh và các nước sản xuất dầu lớn khác ở vùng Vịnh hãy trì hoãn việc ra một quyết định như vậy. Nhưng câu trả lời thẳng thừng của Riyadh là “Không”.

ĐẤU KHẨU MỸ - ARẬP XÊÚT SAU QUYẾT ĐỊNH CỦA OPEC+

Phía Mỹ đã cảnh báo Arập Xêút rằng một động thái cắt giảm sản lượng sẽ bị xem như một lựa chọn rõ ràng của Riyadh là đứng về phía Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraine và sẽ làm yếu đi sự hậu thuẫn vốn đang suy giảm của Washington đối với vương quốc vùng Vịnh. Nhưng các quan chức Arập Xêút vẫn nhất mực từ chối đề nghị của Mỹ, với quan điểm cho rằng đây là một “lá bài chính trị” của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm tránh những tin tức xấu trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11. Trong cuộc bầu cử sắp tới, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ giành quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội, nơi Đảng Dân chủ của ông Biden đang chiếm ưu thế mong manh. Giá xăng cao và lạm phát ở vùng cao nhất trong 4 thập kỷ trở lại đây đang là những vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của hai đảng. Ông Biden đang đối mặt với tỷ lệ ủng hộ ở mức thấp ngay trước thềm cuộc bầu cử, mà nguyên do một phần là lạm phát cao. Nhiều tháng nay, ông đã kêu gọi Arập Xêút - một đồng minh lâu năm của Mỹ - “ra tay” giúp giảm giá dầu.

Nhưng theo tiết lộ của nguồn tin, thay vì ngả theo đề nghị của Mỹ, Arập Xêút vận động các nước đồng minh trong OPEC phê chuẩn quyết định cắt giảm 2 triệu thùng/ngày trong hạn ngạch sản lượng khai thác dầu.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson bác bỏ đánh giá của phía Arập Xêút rằng những nỗ lực vận động OPEC không giảm sản lượng dầu là vì toan tính chính trị. Giới chức Mỹ tỏ ra nghi ngờ về một phân tích của Arập Xêút cho rằng giá dầu sắp giảm sâu, kêu gọi Riyadh chờ đợi và xem phản ứng của thị trường thế nào. Phía Mỹ nói nếu giá dầu thực sự giảm, OPEC+ có thể làm bất kỳ điều gì mà họ muốn. Nhưng Riyadh vẫn không chấp nhận.

Phát biểu hôm 11/10, một người phát ngôn khác của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ là John Kirby nói ông Biden tin rằng Mỹ nên “rà soát lại” mối quan hệ với Arập Xêút trên cơ sở quyết định của OPEC+, “và xem xem mối quan hệ đó có đang ở đúng chỗ hay không và có phục vụ cho lợi ích an ninh quốc gia Mỹ hay không”. Ông Kirby cũng nói ông Biden sẵn sàng thảo luận với các nghị sỹ Quốc hội Mỹ về mối quan hệ song phương Mỹ-Arập Xêút.

Cùng ngày, hoàng tử Faisal bin Farhan, Ngoại trưởng Arập Xêút, nói rằng quyết định của OPEC+ là thuần kinh tế và không có yếu tố chính trị nào trong đó. Phát biểu trên truyền hình Arập Xêút, ông Faisal nói liên minh chỉ muốn bình ổn thị trường năng lượng và thúc đẩy lợi ích của các nhà sản xuất dầu và người tiêu dùng. Ông cũng nói mối quan hệ với Mỹ là lâu dài và chiến lược, rằng hợp tác quân sự giữa hai quốc gia đóng góp quan trọng vào hoà bình và ổn định trong khu vực.

Trong khi đó, giới chức Mỹ nói rằng quyết định của OPEC+ không mang lại lợi ích cho thế giới giữa lúc lạm phát cao do giá năng lượng leo thang đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu. Mỹ cũng tố Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí để chống lại phương Tây trong cuộc đối đầu xung quanh chiến tranh ở Ukraine. Động thái của OPEC+ đe dọa khiến giá xăng ở Mỹ tăng cao trở lại trước thềm cuộc bầu cử vào ngày 8/11.

Sau quyết định của OPEC+, Nhà Trắng tuyên bố sẽ chống lại sự kiểm soát của OPEC đối với thị trường năng lượng. Các nghị sỹ thuộc cả hai đảng kêu gọi Nhà Trắng giảm việc bán vũ khí cho Arập Xêút, thậm chí các quan chức Mỹ bắt đầu tìm cách trừng phạt Riyadh.

Một trong những biện pháp đáp trả đầu tiên, theo lời quan chức Mỹ, sẽ là việc chính quyền ông Biden cân nhắc rút khỏi Sáng kiến đầu tư tương lai (Future Investment Initiative), một diễn đàn đầu tư quan trọng của Arập Xêút trong tháng 10 này. Theo nguồn thạo tin, Mỹ đã quyết định rút khỏi một cuộc họp nhóm công tác về vấn đề phòng thủ khu vực dự kiến tổ chức vào tuần này tại Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, tổ chức có trụ sở ở Arập Xêút.

QUYẾT TÂM ĐỘC LẬP KHỎI ẢNH HƯỞNG CỦA MỸ

Chuyến thăm của ông Biden tới Arập Xêút hồi tháng 7 nhằm mục đích cải thiện mối quan hệ song phương giữa Washington và Riyadh trong bối cảnh hai đồng minh lâu năm trở nên lạnh nhạt. Quan hệ giữa hai bên đi xuống kể từ khi ông trở thành người đứng đầu Nhà Trắng với cam kết sẽ cứng rắn với Arập Xêút về vấn đề nhân quyền, đặc biệt là vụ sát hại nhà báo người Arập Xêút Jamal Khashoggi hồi năm 2018. Nguồn tin là quan chức Chính phủ Arập Xêút nói rằng chuyến thăm này không hề khiến Thái tử Mohammed bin Salman - nhà lãnh đạo không chính thức của Arập Xêút - lay chuyển quyết tâm theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập khỏi ảnh hưởng của Mỹ, một sự chuyển hướng khỏi mối quan hệ đối tác đã gần 8 thập kỷ với Washington.

Là người điều hành các công việc hàng ngày của vương quốc thay cho cha là nhà vua Salman, thái tử Mohammed đã có nhiều nỗ lực nhằm tối đa hoá sức mạnh kinh tế của Arập Xêút. Với giá năng lượng tăng cao, tăng trưởng kinh tế của vương quốc này năm nay được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo đạt hơn 10%, nằm trong nhóm những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Nguồn tin từ Chính phủ Arập Xêút cũng tiết lộ rằng thái tử Mohammed nói với các cố vấn rằng ông không sẵn sàng hy sinh nhiều cho Mỹ, vì Mỹ có quan điểm chỉ trích cuộc chiến tranh của Arập Xêút ở Yemen và Mỹ muốn đạt thoả thuận hạt nhân với Iran mặc cho Riyadh phản đối.

Hồi tháng 8, Arập Xêút dự định thuyết phục OPEC+ tăng sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày nhằm làm Mỹ hài lòng, nhưng cuối cùng, thái tử Mohammed ra lệnh chỉ tăng sản lượng 100.000 thùng/ngày. Quyết định đó được đưa ra chỉ một ngày sau chuyến thăm của ông Biden, theo nguồn tin.

Câu chuyện đi xa hơn khi đặc phái viên về an ninh năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Amos Hochstein gửi cho hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Arập Xêút, một bức email trong đó ý nói rằng Riyadh không giữ lời hứa tăng sản lượng mạnh hơn. Lá thư này khiến hoàng tử Abdulaziz nổi giận và càng quyết tâm thúc đẩy một chính sách dầu lửa độc lập khỏi Mỹ, nguồn tin cho hay.

Tháng 9, hoàng tử Abdulaziz vận động OPEC+ có đợt cắt giảm sản lượng đầu tiên kể từ sau đợt cắt giảm lịch sử hồi đầu đại dịch, theo đó giảm 100.000 thùng dầu mỗi ngày trong hạn ngạch sản lượng của liên minh từ mức hạn ngạch của tháng 8. Tiếp đó, trước khi diễn ra cuộc họp OPEC+ vào ngày 5/10, vị hoàng tử gọi điện các bộ trưởng bộ dầu lửa trong vùng Vịnh, đề nghị họ ủng hộ cắt giảm sản lượng mạnh tay hơn. Nguồn tin nói rằng hoàng tử Abdulaziz xem kế hoạch của phương Tây về áp trần giá lên dầu Nga là một cuộc tấn công trực tiếp vào các nhà sản xuất dầu lửa.

Theo nguồn tin, giới chức Mỹ đã mở một chiến dịch vận động quyết liệt nhằm thuyết phục Arập Xêút hoãn kế hoạch cắt giảm sản lượng. Các quan chức Nhà Trắng đã có nhiều cuộc gọi với thái tử Mohammed và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã trao đổi với người đồng cấp Arập Xêút. Tất cả đều không mang lại kết quả.

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), một thành viên lớn khác của OPEC, không đồng tình với việc cắt giảm sản lượng và ủng hộ việc hoãn kế hoạch này 1 tháng, đúng theo đề nghị của Mỹ - theo nguồn tin của Wall Street Journal. Dù vậy, những nỗ lực của UAE vẫn không cản được quyết định của Riyadh. Dù không công khai, Kuwait, Iraq và Bahrain cũng phải đối kế hoạch giảm sản lượng, cho rằng việc này sẽ gây ra một cuộc suy thoái kinh tế gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu, nhưng rồi cả ba nước cuối cùng vẫn nhất trí Arập Xêút nhằm bảo toàn sự đoàn kết trong nội bộ OPEC+.

Giới chức Mỹ nói họ bất ngờ vì mức độ cắt giảm sản lượng mà OPEC+ đưa ra, vì họ cho rằng liên minh này sẽ chỉ giảm 1 triệu thùng dầu/ngày. Các đại biểu dự cuộc họp OPEC+ cho biết Nga đã vận động Arập Xêút đưa ra quyết định giảm 2 triệu thùng/ngày. Người phát ngôn Dmitry Peskov của điện Kremlin gọi quyết định này là “một công việc cân bằng, cẩn trọng và có kế hoạch của các nước” trong liên minh.

SẢN LƯỢNG DẦU THỰC CHẤT GIẢM BAO NHIÊU?

Nhà Trắng nói rằng quyết định của OPEC+ cho thấy OPEC giờ đây rõ ràng đã ngả về Nga. Giới chức Mỹ cảnh báo rằng Arập Xêút có thể phá hỏng kế hoạch mua vũ khí từ Mỹ của Riyadh. Các nghị sỹ Mỹ cũng đã công bố kế hoạch tái khởi động một dự luật nhằm dừng ngay việc bán vũ khí cho Arập Xêút. Giới chức Mỹ nói rằng bất kỳ tia hy vọng nào của Riyadh về mua được thêm tên lửa dẫn đường chính xác từ Mỹ đều đã bị dập tắt.

Một số nghị sỹ Mỹ còn muốn rút lính Mỹ khỏi Arập Xêút. Lãnh đạo của cả hai đảng trong Thượng viện đều ủng hộ một dự luật cho phép Bộ Tư pháp Mỹ kiện Arập Xêút và các nước OPEC khác về hành vi thiết lập giá cả bất hợp pháp.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN hôm 11/10, ông Biden nói Mỹ sẽ “nghĩ lại” về mối quan hệ với Arập Xêút. Khi được hỏi về chuyến thăm Riyadh hồi tháng 7, ông Biden nói ông không đến đó để nói về dầu, mà để nói về Trung Đông.

Arập Xêút nói việc OPEC+ cắt giảm sản lượng là cần thiết để bảo vệ nền kinh tế các nước thành viên trong khối. Đến đầu tháng 10 này, giá dầu thế giới đã giảm hơn 30% so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 6 và có nguy cơ giảm dưới 80 USD/thùng. Arập Xêút cần giá dầu ở mức 76-78 USD/thùng để cân bằng ngân sách năm tới. Sau khi quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC được công bố, giá dầu đã hồi về vùng hơn 90 USD/thùng, tăng khoảng 13% so với mức đáy hồi cuối tháng 9.

Theo tiết lộ của nguồn tin, các quan chức Arập Xêút nói với phía Mỹ họ tin rằng thị trường dầu lửa có thể suy sụp nếu họ không hành động và giá dầu sẽ giảm về 50 USD/thùng - một mức giá có thể đe doạ kế hoạch kinh tế mang tên Tầm nhìn 2030 của vương quốc. Mỹ nói với Arập Xêút rằng họ sẽ mua dầu để làm đầy dự trữ chiến lược nếu giá dầu Brent giảm về mức 75 USD/thùng, một đợt mua như vậy có thể tạo ra một mức sàn đối với giá dầu. Tuy nhiên, phía Arập Xêút đã từ chối đề nghị này.

Mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày được đưa ra trên cơ sở là hạn ngạch hiện có của OPEC+. Điều này có nghĩa là sản lượng thực tế của OPEC+ sẽ không giảm nhiều, vì trong tháng 8, khối này đã khai thác ở mức ít hơn khoảng 3,6 triệu thùng dầu/ngày so với hạn ngạch đề ra.

Mấy tháng qua, sản lượng dầu thực tế của liên minh này thường xuyên ít hơn hạn ngạch. Việc sản lượng thực tế của OPEC+ không đạt mục tiêu có nguyên nhân là các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp lên những nước như Nga, Venezuela và Iran, cộng thêm những trở ngại trong hoạt động khai thác dầu ở những nước như Nigeria và Angola.

Ông Abdulaziz nói rằng mức cắt giảm thực tế sẽ là 1-1,1 triệu thùng/ngày. Các nhà phân tích của Jefferies ước tính rằng con số cắt giảm thực tế là 0,9 triệu thùng/ngày, trong khi Goldman Sachs nói con số chỉ là 0,4-0,6 triệu thùng/ngày và chủ yếu đến từ các thành viên OPEC ở vùng Vịnh như Arập Xêút, Iraq, UAE và Kuwait.