Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ nhờ cổ phiếu công nghệ, giá dầu giảm
Trong những ngày gần đây, tin xấu đã trở lại vị thế tin xấu, vì nhà đầu tư đang lo rằng Fed đã “quá tay” trong cuộc chiến chống lạm phát...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (6/4) nhờ lực tăng của cổ phiếu công nghệ, nhưng hoàn tất một tuần giảm điểm do những dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế. Giá dầu thô giảm nhẹ nhưng có tuần tăng thứ ba liên tiếp.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,36%, đạt 4.105,02 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,76%, đạt 12.087,96 điểm, chủ yếu nhờ mức tăng 3,78% của cổ phiếu Alphabet và 2,55% của Microsoft. Chỉ số Dow Jones tăng 2,57 điểm, chốt ở 33.485,29 điểm.
Cả tuần, S&P 500 giảm 0,1% và Nasdaq giảm 1,1%; riêng Dow Jones tăng 0,6%. Đây là tuần giảm đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp của S&P 500.
Phiên này, thị trường đón nhận báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua lớn hơn dự báo. Thống kê này bổ sung vào những dấu hiệu gần đây cho thấy tăng trưởng việc làm đang chậm lại.
Một báo cáo trước đó trong tuần của công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho thấy số lượng việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân ở Mỹ trong tháng 3 không đạt kỳ vọng. Một báo cáo nữa của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số việc làm cần tuyển dụng ở nước này trong tháng 2 giảm dưới 10 triệu lần đầu tiên trong khoảng 2 năm. Ngoài ra, số lượng việc làm bị cắt giảm từ đầu năm đến nay tăng gấp khoảng 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Mấy tháng qua, giới đầu tư xem các dữ liệu kinh tế xấu là tin tốt, vì đó là cơ sở để họ nuôi dưỡng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm thay đổi lập trường chính sách tiền tệ từ cứng rắn sang mềm mỏng. Nhưng trong những ngày gần đây, tin xấu đã trở lại vị thế tin xấu, vì nhà đầu tư đang lo rằng Fed đã “quá tay” trong cuộc chiến chống lạm phát, nghĩa là thắt chặt quá mức đến nỗi đẩy nền kinh tế tới chỗ suy thoái.
“Fed đã dựng nên một bức tường lãi suất, và nền kinh tế đang bị đẩy tới chân tường đó”, nhà quản lý quỹ Jamie Cox của Harris Financial Group nhận định.
Phiên ngày thứ Năm là phiên giao dịch cuối của tuần này của chứng khoán Mỹ, vì thị trường sẽ đóng cửa nghỉ lễ Good Friday vào ngày thứ Sáu. Trong ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tổng thể của tháng 3.
Cho tới tháng 2, số lượng việc làm mới trong khu vực phi nông nghiệp của Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh bất chấp làn sóng sa thải trong các ngành tài chính và công nghệ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng xu hướng này sẽ sớm đảo ngược.
Dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu “củng cố kỳ vọng rằng các đợt tăng lãi suất của Fed đang bắt đầu làm suy yếu thị trường lao động và cả nền kinh tế. Khả năng cao là việc tăng lãi suất sẽ gây ra suy thoái, thậm chí là suy thoái sâu. Đó là điều mà hầu hết mọi người đều muốn tin vào lúc này”, Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelly của Independent Advisor Alliance nhận định.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,13 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, chốt ở 84,86 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,14 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, còn 80,47 USD/thùng.
Tuần này, giá cả hai loại dầu đều tăng hơn 6%, nhờ việc OPEC+ bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày vào hôm Chủ nhật. Số liệu hàng tuần của Mỹ cho thấy lượng xăng dầu tồn kho của nước này giảm mạnh hơn dự báo tuần thứ hai liên tiếp cũng hỗ trợ cho giá dầu.
Theo Phó chủ tịch cấp cao Dennis Kissler của BOK Financial, các quỹ phòng hộ đã mua dầu trong suốt tuần này, chuyển từ tâm lý “đứng bên lề” sang ham thế ham thích rủi ro.
Tuy nhiên, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ gia tăng đã hạn chế bớt lực tăng của giá dầu và có thể khiến giá dầu giảm trở lại.
Giám đốc phụ trách giao dịch năng lượng của Mizuho Securities, ông Robert Yawger, nói rằng “sự phá huỷ nhu cầu do nguy cơ suy thoái sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đến giá dầu nếu so với việc OPEC+ giảm sản lượng”. Ông Yawger cho biết thêm các hợp đồng quyền chọn bán (put option) - loại để phòng ngừa rủi ro giá giảm - đang được giao dịch nhiều hơn so với hợp đồng quyền chọn mua (call option), đồng nghĩa các nhà giao dịch dịch lo ngại nhiều hơn về nguy cơ giảm giá của dầu.
“Xung lực tăng của thị trường dầu có thể đã giảm, nhưng triển vọng tăng giá của dầu vẫn còn lớn, xét đến việc nguồn cung bị thắt lại”, chuyên gia Stephen Brennock của PVM Oil nhận định.