Chứng khoán Mỹ trượt điểm sau báo cáo việc làm gây thất vọng, giá dầu giằng co
“Những bấp bênh liên quan đến biến chủng Omicron là rất cao. Cộng thêm sự thất vọng về báo cáo việc làm. Tất cả khiến nhà đầu tư bán cổ phiếu trước khi nghỉ cuối tuần”...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (3/12) sau báo cáo việc làm tháng 11 gây thất vọng, hoàn tất một tuần biến động mạnh với mức giảm lớn do nỗi lo về biến chủng Delta. Giá dầu chốt tuần giảm thứ Sáu liên tục, dù đã có một số dấu hiệu phục hồi trong phiên này.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 59,71 điểm, tương đương giảm 0,17%, còn 34.580,08 điểm. Gây áp lực giảm mạnh nhất lên chỉ số phiên này là cổ phiếu Boeing với mức giảm 1,9%. Trong phiên, có lúc Dow Jones giảm hơn 300 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, chốt ở mức 4.538,43 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,9%, còn 15.085,47 điểm.
Mức giảm mạnh nhất trong phiên này thuộc về các cổ phiếu công nghệ, như Tesla giảm 6,4% và Zoom Video giảm gần 4,1%. Cổ phiếu DocuSign bốc hơi 42,2% sau khi công ty đưa ra con số dự báo doanh thu quý 4 thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Các cổ phiếu có mức độ phụ thuộc cao vào chu kỳ kinh tế đã có một tuần biến động chóng mặt, và xu hướng này tiếp diễn trong phiên ngày thứ Sáu. Các cổ phiếu du lịch, khách sạn, sòng bạc và hàng không cùng giảm mạnh, như Las Vegas Sands sụt 3,7%; Delta Air Lines mất 1,8%; Norwegian Cruise Line trượt 4,5%; và Carnival giảm 3,9%.
“Những bấp bênh liên quan đến biến chủng Omicron là rất cao. Cộng thêm sự thất vọng về báo cáo việc làm. Tất cả khiến nhà đầu tư bán cổ phiếu trước khi nghỉ cuối tuần”, chiến lược gia trưởng Ryan Detrick của LPL Financial nhận xét.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy tốc độ tạo việc làm trong khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra chậm hơn dự báo. Có 210.000 công việc mới, thấp hơn nhiều so với con số 573.000 công việc mà các chuyên gia kinh tế được Dow Jones khảo sát nhận định trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh còn 4,2%, so với mức dự báo 4,5%, vì nhiều người không có việc làm nhưng từ bỏ ý định kiếm việc nên không được coi là người thất nghiệp.
“Thật đáng lo khi chứng kiến thị trường lao động không thể giữ được đà tăng mạnh của tháng 10. Sự bấp bênh sẽ càng tăng lên trong mùa đông”, chuyên gia kinh tế trưởng Steve Rick của CUNA Mutual Group nhận định. “Điều đó có nghĩa là không có gì đáng ngạc nhiên nếu thị trường việc làm tháng 12 lại gây thất vọng một lần nữa, khi chúng ta phải ứng phó với biến chủng Omicron và tiếp tục đương đầu với lạm phát và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng tiếp diễn.
Trong một diễn biến khác, ứng dụng gọi xe Trung Quốc ngày 3/12 tuyên bố rút niêm yết khỏi Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và chuyển về niêm yết tại Hồng Kông. Cổ phiếu Didi đóng cửa với mức giảm 22,2%.
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã khiến chứng khoán Mỹ có một tuần biến động mạnh, khi nhà đầu tư cố gắng tìm hiểu xem biến chủng này có thể ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và thị trường tài chính. Đến nay, các ca mắc Omicron đã được phát hiện tại 5 bang của Mỹ và hàng chục quốc gia khác. Các ca nhiễm tại Mỹ đều được báo cáo là có triệu chứng nhẹ.
Tính cả tuần, Dow Jones giảm 0,9%; S&P 500 sụt 1,2%; và Nasdaq giảm 2,6%.
Một báo cáo của ngân hàng Barclays khuyến nghị nhà đầu tư giữ vững tâm lý và mua vào khi thị trường đi xuống. “Chúng tôi giữ quan điểm cho rằng các điều kiện vĩ mô và thanh khoản vẫn đang hỗ trợ giá cổ phiếu, theo đó khuyến nghị tăng nắm giữ mỗi khi thị trường giảm điểm, trên cơ sở dự báo thị trường giá lên (bull market) sẽ tiếp tục”, chuyên gia Emmanuel Cau của Barclays nhận định.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,21 USD/thùng, tương đương tăng 0,3%, chốt ở 69,88 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,24 USD/thùng, tương đương giảm 0,4%, còn 66,26 USD/thùng.
Trong phiên, có lúc giá dầu tăng hơn 2 USD/thùng sau khi nhóm OPEC+ tuyên bố có thể rà soát lại việc tăng sản lượng ngay lập tức nếu việc phong toả ở nhiều quốc gia gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Sau đó, mối lo về biến chủng Omicron khiến giá dầu giảm trở lại.
Tính cả tuần, giá dầu giảm khoảng 3%, đánh dấu chuỗi 6 tuần giảm liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 11/2018. Về mặt kỹ thuật, tính đến phiên này, giá dầu đã có 6 ngày liên tiếp ở trong vùng bán quá nhiều (oversold) – lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020.
Dầu thô không nằm ngoài xu hướng bán tháo trên thị trường tài chính toàn cầu trong tuần này khi biến chủng Omicron khiến nhà đầu tư lo lắng. Trong bối cảnh như vậy, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức nhóm OPEC+, gây ngạc nhiên khi tuyên bố giữ nguyên mức tăng sản lượng 400.000 thùng dầu/ngày mỗi tháng trong tháng 1. Tuy nhiên, OPEC+ nói có thể điều chỉnh lại sản lượng bất kỳ khi nào nếu nhu cầu chuyển xấu.
Mối lo về nhu cầu đã kéo giá dầu thế giới giảm khoảng 20% so với mức đỉnh của năm 2021 thiết lập hồi tháng 10. Riêng trong tháng 11 vừa qua, giá dầu giảm khoảng 15%.