17:16 03/12/2021

WHO: Châu Á-Thái Bình Dương cần chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với biến chủng Omicron

Điệp Vũ

Dù chỉ mới được công bố cách đây 1 tuần, biến chủng Omicron đã lây nhanh ở châu Á trong tuần này, với các ca nhiễm được báo cáo ở Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc...

Một cơ sở xét nghiệm Covid ở Seoul, Hàn Quốc ngày 1/12 - Ảnh: Reuters.
Một cơ sở xét nghiệm Covid ở Seoul, Hàn Quốc ngày 1/12 - Ảnh: Reuters.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3/12 cảnh báo các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng cường năng lực y tế và tiêm phòng đầy đủ cho người dân để chuẩn bị đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới khi biến chủng Omicron lây lan trên toàn cầu bất chấp các biện pháp hạn chế đi lại.

Dù đã đóng cửa đối với các chuyến bay từ các nước nguy cơ cao ở châu Phi, Australia đã trở thành quốc gia mới nhất báo cáo ca nhiễm cộng đồng do biến chủng Omicron. Ca nhiễm ở Australia được xác định chỉ một ngày sau khi Mỹ phát hiện biến chủng mới tại 5 tiểu bang.

Dù chỉ mới được công bố cách đây 1 tuần, biến chủng Omicron đã lây nhanh ở châu Á trong tuần này, với các ca nhiễm được báo cáo ở Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc.

Nhiều quốc gia đã siết hạn chế đi lại nhằm tránh sự xâm nhập của Omicron, nhưng WHO cảnh báo châu Á-Thái Bình Dương, khu vực với khoảng 650 triệu dân, rằng việc kiểm soát biên giới chẳng qua chỉ là một cách “câu giờ”. “Mọi người không nên chỉ dựa vào kiểm soát biên giới”, Giám đốc văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến.

“Quan trọng nhất là chuẩn bị để ứng phó với biến chủng mới với khả năng lây nhiễm có thể cao hơn. Cho tới thời điểm hiện tại, các thông tin sẵn có cho thấy chúng ta không cần phải thay đổi chiến lược”, ông Kasai nói.

Tỷ lệ tiêm chủng tại các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương có sự chênh lệch rất lớn. Indonesia, nước đông dân thứ tư thế giới và từng là một tâm dịch Covid-19 ở châu Á, đến nay mới tiêm đủ vaccine cho khoảng 35% dân số 270 triệu người.

Giới chức Australia nói rằng biến chủng Omicron có thể trở thành biến chủng chính trên toàn cầu sau vài tháng nữa. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy biến chủng này nguy hiểm hơn Delta – loại đã càn quét thế giới trong năm nay.

“Tôi cho rằng trong vài tháng tới đây, Omicron sẽ là virus mới trên toàn thế giới”, ông Paul Kelly, cố vấn cấp cao nhất của Chính phủ Australia về vấn đề y tế, nói với báo giới.

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố một loạt biện pháp nhằm chống lại sự lây lan của biến chủng Delta. Từ hôm thứ Hai tuần này, hành khách quốc tế đi máy bay nhập cảnh vào Mỹ phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 24 tiếng trước khi khởi hành.

“Chúng ta sẽ chống lại biến chủng này bằng khoa học và tốc độ, chứ không phải bằng sự hỗn loạn và hoang mang”, ông Biden nói ngày 2/11 khi kêu gọi người dân Mỹ chuẩn bị cho khả năng lây nhiễm dâng cao trong mùa đông.

Hiện chưa đầy 60% dân số Mỹ, tương đương khoảng 196 triệu người, đã tiêm đủ vacine, một trong những tỷ lệ thấp nhất trong số các nước phát triển.

Các biện pháp hạn chế đi lại quốc tế đang được triển khai nhanh, với Hồng Kông, Hà Lan, Na Uy, Nga, và nhiều nước khác công bố biện pháp mới vào ngày 3/12. Malaysia cùng ngày cho biết sẽ siết chặt hơn nữa các hạn chế, sau khi phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên ở nước này, là một sinh viên ngoại quốc đang được cách ly sau khi nhập cảnh từ Nam Phi cách đây 2 tuần.

Không chỉ khiến các biện pháp hạn chế đi lại được thiết lập, sự xuất hiện của biến chủng Omicron còn gây chao đảo thị trường tài chính toàn cầu và phủ bóng lên triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới. Giới chức Mỹ lo ngại biến chủng Omicron sẽ khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trở nên nghiêm trọng hơn, đặt ra sức ép lạm phát lớn hơn trong thời gian tới.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cho biết sẽ cấm người chưa tiêm vaccine vào các cơ sở kinh doanh hàng hoá dịch vụ ngoại trừ thiết yếu. Đầu năm tới, nước này dự kiến sẽ soạn thảo một dự luật về bắt buộc tiêm phòng Covid.

Nhiều nước gồm Anh và Mỹ đã đẩy mạnh kế hoạch tiêm nhắc lại, nhưng đây cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Giới chức Australia ngày 3/12 nói rằng “chưa có bằng chứng nào cho thấy” việc tiêm mũi tăng cường mang lại hiệu quả tích cực.