Chứng khoán Mỹ tụt điểm sau chuỗi tăng lịch sử của Dow Jones, giá dầu lên cao nhất 3 tháng
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (27/7), khi nhà đầu tư chốt lời sau chuỗi 13 phiên tăng không nghỉ của chỉ số Dow Jones...
Giá dầu tăng khá mạnh, đạt mức cao nhất kể từ tháng 4, nhờ triển vọng thắt chặt của nguồn cung dầu do OPEC+ cắt giảm sản lượng và niềm lạc quan mới về tăng trưởng kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 237,4 điểm, tương đương giảm 0,67%, còn 35.282,72 điểm. Phiên này, chỉ số blue-chip gặp bất lợi bởi cú giảm mạnh của cổ phiếu Honeywell cộng thêm việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm bật tăng trở lại ngưỡng 4%. Nếu tăng phiên này, Dow Jones sẽ tái lập kỷ lục chuỗi 14 phiên tăng không nghỉ thiết lập vào năm 1897.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,64%, đóng cửa ở mức 4.537,41 điểm. Trong phiên, có thời điểm thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall vượt ngưỡng 4.600 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 3/2022.
Chỉ số Nasdaq giảm 0,55%, còn 14.050,11 điểm do nhà đầu tư chốt lời đối với một số cổ phiếu công nghệ chủ chốt như Microsoft và Apple.
Chuỗi phiên tăng vừa rồi của Dow Jones lấy động lực từ những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái, lạm phát ở Mỹ đang giảm nhanh hơn dự báo và các công ty niêm yết đạt lợi nhuận vững vàng trong quý 2. Ngày thứ Năm, thị trường nhận được thêm bằng chứng về tất cả những chuyển biến tích cực này.
Cổ phiếu Meta Platforms tăng 4,4% sau khi công ty mẹ của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook công bố kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng và đưa ra dự báo lạc quan về quý 3. Kết quả nay có được nhờ doanh thu quảng cáo phục hồi mạnh.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt mức tăng trưởng 2,4%, cao hơn so với mức dự báo tăng 2% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Báo cáo GDP cũng cho thấy sức ép giá cả tiếp tục dịu đi. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ưa chuộng, tăng 2,6% trong quý 2. Con số này thấp hơn mức dự báo tăng 3,2% mà các nhà kinh tế học đưa ra, và giảm mạnh so với mức tăng 4,1% ghi nhận trong quý 1.
Tuần này, Dow Jones duy trì xu hướng tăng ngay cả khi Fed tăng lãi suất lên mức cao nhất 22 năm vào hôm thứ Tư vừa rồi. Nhà đầu tư dường như không lo lắng nhiều về đợt tăng lãi suất này, bởi động thái của Fed không nằm ngoài dự báo, cộng thêm việc Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố sau cuộc họp rằng việc Fed có tăng lãi suất thêm hay tạm dừng sẽ tuỳ thuộc vào các số liệu kinh tế trong thời gian tới. Cuộc họp tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào tháng 9 và các nhà giao dịch đang đặt cược nhiều hơn vào khả năng các số liệu kinh tế sắp tới sẽ thuyết phục được Fed dừng thắt chặt.
“Những mức lãi suất rất cao khiến tôi và thị trường lo sợ hồi đầu năm dường như đã không ra nhiều hiệu ứng tiêu cực như tôi lo ngại lúc đầu”, chuyên gia Jeremy Siegel của Wharton School nhận định với hãng tin CNBC. “Điều này, cộng với việc ông Powell nói là sẽ ‘nhìn vào cả hai vế của phương trình’ là rất tích cực cho thị trường”.
Dow Jones “hụt hơi” trong phiên ngày thứ Năm, khi cổ phiếu Honeywell - một thành viên của chỉ số - giảm hơn 5% do doanh thu quý 2 không đạt kỳ vọng của thị trường.
Chuỗi 13 phiên tăng vừa qua của Dow Jones là dài nhất kể từ năm 1987. Nếu tăng được 14 phiên không nghỉ, Dow Jones đã tái lập kỷ lục cách đây 126 năm, ở thời điểm chỉ số mới ra đời được 1 năm và bao gồm 12 cổ phiếu. Số thành viên của Dow Jones tăng lên con số 30 cổ phiếu vào năm 1928.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,32 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, chốt ở 84,35 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,31 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, chốt ở 80,09 USD/thùng.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4 giá dầu Brent đóng cửa tren mứ 84 USD/thùng. Tính đến tuần trước, giá “vàng đen” đã tăng 4 tuần liên tục nhờ dự báo nguồn cung khan hiếm do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga, tức nhóm OPEC+, nỗ lực cắt giảm sản lượng.
“Chúng tôi nhận thấy thị trường dầu bị thiếu cung. Chúng tôi giữ triển vọng lạc quan về giá dầu và cho rằng giá dầu Brent sẽ tăng lên vùng 85-90 USD/thùng trong mấy tháng tới”, một báo cáo của ngân hàng UBS nhận định.
Giới đầu tư trên thị trường dầu còn đang lạc quan về khả năng Fed có thể sắp dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Số liệu GDP quý 2 tốt hơn dự báo của Mỹ cũng hỗ trợ cho giá dầu trong phiên này. Giá dầu tăng phiên ngày thứ Năm bất chấp việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có đợt tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp.
“Với lãi suất đã đạt đỉnh hoặc gần đạt đỉnh, mà nền kinh tế có thể tránh được suy thoái, những tài sản rủi ro như dầu thô đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn”, Chủ tịch Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associates nhận định với hãng tin Reuters.
Chưa kể, thị trường tiếp tục trông vào cam kết mà Bộ Chính trị Trung Quốc đưa ra vào đầu tuần này rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường các biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.