Giới ngân hàng lo Nhật Bản có động thái chính sách tiền tệ bất ngờ, đồng Yên có thể biến động mạnh
Một loạt ngân hàng đầu tư lớn đang đưa ra cảnh báo rằng nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho một cú sốc có thể đến từ quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào ngày thứ Sáu (28/7)...
Nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu đang nghiêng về khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục đi ngược xu hướng toàn cầu bằng cách giữ nguyên chính sách tiền tệ lỏng lẻo khi kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Sáu (28/7). Tuy nhiên, một loạt ngân hàng đầu tư lớn đang đưa ra cảnh báo rằng nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho một cú sốc có thể đến từ quyết định của BOJ - theo tờ Financial Times.
Hầu hết các ngân hàng trung ương lớn đang tiến dần đến giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ lịch sử - nỗ lực chống lại sự leo thang chóng mặt của lạm phát sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, BOJ - trong suốt khoảng thời gian căng thẳng của cuộc đua tăng lãi suất trên toàn cầu và cho tới hiện tại - vẫn “một mình một ngựa” với chính sách tiền tệ lỏng lẻo. Không giống như hầu hết các nền kinh tế lớn khác phải vật lộn với lạm phát cao, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Nhật Bản vui mừng khi lạm phát ở nước này tăng lên sau suốt nhiều thập kỷ đóng băng.
Trong một cuộc khảo sát với sự tham gia của 50 nhà kinh tế học do hãng tin Bloomberg thực hiện trong tháng 7 này cho thấy 42 nhà kinh tế dự báo BOJ sẽ không có động thái gì trong cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 27-28/7. Điều đó có nghĩa là BOJ sẽ duy trì chính sách đã kéo dài 7 năm mua vào trái phiếu để ghìm lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản ở mức thấp, hay còn gọi là chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) như một nỗ lực để kích thích lạm phát ở một đất nước vốn đã “mệt mỏi” vì giảm phát.
Tuy nhiên, những lần điều chỉnh nho nhỏ trước đây của BOJ đối với chính sách YCC đã gây ra biến động lớn trên thị trường tài chính Nhật Bản và thế giới. Và một số ngân hàng đang cho rằng nhà đầu tư nên cảnh giác với lần họp này của BOJ.
CƠ SỞ ĐỂ NHẬT BẢN ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ
Nhà kinh tế Masamichi Adachi của ngân hàng UBS cho rằng BOJ có thể sẽ điều chỉnh chính sách YCC trong lần họp này. Ông cho rằng “số đông có thể đã diễn giải sai” những phát biểu gần đây của Thống đốc BOJ Kazuo Ueda, người phát tín hiệu kiên nhẫn để đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.
Nếu có bất kỳ một thay đổi nào trong chính sách của BOJ, thị trường nên tính đến việc lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản có thể tăng mạnh, cùng với đó là tỷ giá đồng Yên tăng mạnh, và thị trường chứng khoán Nhật Bản quay đầu sụt giảm sau khi tăng vượt trội so với phần còn lại của thế giới từ đầu năm đến nay - theo UBS.
Các ngân hàng Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Nomura, BNP Paribas và Morgan Stanley MUFG đều nhận định rằng BOJ sẽ nới lỏng kiểm soát đối với thị trường trái phiếu. SMBC Nikko thậm chí có khả năng 50% BOJ sẽ bỏ hoàn toàn chính sách YCC trong cuộc họp tuần này.
Chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm đặc biệt vì lạm phát ở nước này vẫn tiếp tục tăng lên ngay cả khi tốc độ tăng giá tiêu dùng đã chậm lại ở Mỹ và châu Âu. Lạm phát toàn phần ở Nhật Bản trong tháng 6 là 3,3%, vượt lạm phát tương ứng ở Mỹ lần đầu tiên trong 8 năm.
Như đã đề cập ở trên, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Nhật Bản giữ chính sách siêu lỏng để kích thích lạm phát. Nhưng khi lạm phát đã tăng vượt mục tiêu 2% và giữ ở mức cao hơn so với mục tiêu, áp lực đòi hỏi BOJ phải thắt chặt chính sách để thích nghi với tình hình mới cũng tăng lên.
Ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang đã kết thúc chương trình nới lỏng định lượng (QE) và chuyển sang thắt chặt định lượng (QT), đồng thời có 11 lần tăng lãi suất trong 12 cuộc họp kể từ tháng 3 năm ngoái với tổng mức tăng 5,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất lên mức 5,25-5,5%, cao nhất trong 22 năm. Khi kết thúc cuộc họp ngày 25-26/7, Fed không đưa ra một triển vọng cụ thể nào cho động thái tiếp theo, thay vào đó nói rằng sẽ hành động theo dữ liệu kinh tế ở thời điểm mỗi cuộc họp. Dù vậy, thị trường đang nghiêng về khả năng Fed tạm dừng tăng lãi suất sau đợt tăng vừa rồi.
Về phần mình, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 27/7 và sẽ dừng tăng ở một thời điểm nào đó trong năm nay. Lãi suất chính sách của ECB hiện ở mức 3,5%, từ mức âm 0,5% vào thời điểm tháng 7/2022.
Trong khi đó, lãi suất cơ bản của BOJ đang ở mức âm 0,1% và lợi suất mục tiêu của trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm đang ở mức 0%. Chính sách YCC cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm dao động chỉ 0,5 điểm phần trăm xung quanh mức mục tiêu này.
Giới chức BOJ đã dẫn dắt phần lớn nhà đầu tư tin rằng chính sách này sẽ được giữ nguyên. Ngoài Thống đốc Ueda, ông Seiji Adachi - một thành viên hội đồng chính sách tiền tệ BOJ - tháng trước nói rằng việc thị trường tiền tệ vận hành trơn tru hơn kể từ lần điều chỉnh chính sách YCC hồi tháng 12 năm ngoái đồng nghĩa rằng giữ nguyên chính sách này như hiện tại là phù hợp.
Nhưng chuyên gia Adachi của UBS nhận định BOJ có thể lập luận rằng lạm phát đã mạnh lên, cho phép một động thái điều chỉnh chính sách để cải thiện sự vận hành của thị trường trái phiếu. Cùng với đó, BOJ có thể duy trì các biện pháp nới lỏng khác gồm lãi suất âm, cho tới khi tin tưởng hơn vào việc có thể đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.
“Nếu BOJ không có động thái nào, chúng tôi nghĩ rằng như vậy là thiếu khôn ngoan nhưng như vậy cũng là một tín hiệu ám chỉ rằng triển vọng lạm phát vẫn còn rất bấp bênh”, ông Adachi nói. Giới chuyên gia kinh tế hiện kỳ vọng BOJ nâng dự báo lạm phát lõi của năm tài khoá 2023 từ 1,8% lên 2,5%.
TỶ GIÁ YÊN TRƯỚC KHẢ NĂNG BIẾN ĐỘNG LỚN
Lần gần đây nhất BOJ điều chỉnh chính sách YCC diễn ra vào tháng 12 năm ngoái. Khi đó, biên độ dao động cho phép của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm quanh ngưỡng mục tiêu 0% được nới rộng từ 0,25 điểm phần trăm lên 0,5 điểm phần trăm. Động thái đó đã khiến các nhà kinh tế bị sốc và đẩy giá trái phiếu chính phủ Nhật Bản giảm mạnh, dẫn tới lợi suất tăng mạnh.
Giờ đây, một số ngân hàng dự báo rằng BOJ sẽ nới biên độ dao động của lợi suất lên mức +/-1 điểm phần trăm.
Giám đốc đầu tư Mark Dowding của BlueBay Asset Management, là một trong số ít nhà đầu tư đã dự báo trước được động thái của BOJ hồi tháng 12 năm ngoái. Ông tin rằng BOJ sẽ tăng biên độ dao động của lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản thêm từ 0,75 đến 1 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần này. Cùng với đó, ông cho rằng BOJ sẽ nâng dự báo lạm phát.
Dựa trên góc nhìn đó, ông Dowding đã đặt cược vào sự mất giá của trái phiếu chính phủ Nhật Bản và sự tăng giá của đồng Yên kể từ tháng 3. “Ông Ueda đã bác bỏ những đồn đoán về sự thay đổi chính sách của BOJ vì ông ấy không muốn các nhà đầu cơ hưởng lợi nhuận”, ông Dowding phát biểu, cho rằng nếu BOJ có sự thay đổi, đồng Yên sẽ tăng giá lên mức ít nhất 135 Yên đổi 1 USD.
Ngày 27/7, một ngày sau Fed nâng lãi suất, đồng Yên tăng giá gần 0,5% so với USD, đạt hơn 140,2 Yên đổi 1 USD - theo dữ liệu từ hãng tin Reuters. Mức tỷ giá này cách không xa mức thấp nhất 2 thập kỷ của Yên, phản ánh sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa hai nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản. Dù đã phục hồi gần đây, Yên vẫn đang khá yếu so với USD.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật gần đây dao động quanh ngưỡng 0,46%, cách không xa cận trên 0,5% của biên độ trong chính sách YCC.
Theo nhà kinh tế trưởng về Nhật Bản của Morgan Stanley MUFG, ông Takeshi Yamaguchi, nếu BOJ trì hoãn việc thay đổi chính sách YCC, sẽ xuất hiện rủi ro lớn hơn về một cuộc rút lui gây xáo trộn lớn khỏi chính sách này, vì thị trường đã bắt đầu phản ánh vào giá các tài sản sự khởi đầu của một chu kỳ tăng lãi suất. “Nếu BOJ đợi cho tới khi đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững, thì có lẽ họ đã bị muộn rồi”, ông Yamaguchi nói.