Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng lao dốc vì nỗi lo suy thoái kinh tế
"Mọi người đều lo ngại rằng nền kinh tế có thể sẽ không hạ cánh mềm và Fed có lẽ đã trì hoãn quá lâu việc cắt giảm lãi suất"...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (1/8) do nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào một cuộc suy thoái. Giá dầu thô cũng sụt giảm do mối lo về nhu cầu, trong khi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông về cơ bản không ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 494,82 điểm, tương đương giảm 1,21%, còn 40.347,97 điểm. Ở thời điểm chạm đáy của phiên, chỉ số với 30 cổ phiếu blue-chip thành viên này giảm khoảng 1,8%.
Chỉ số S&P 500 mất 1,37%, còn 5.446,68 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 2,3%, còn 17.194,15 điểm. Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hóa nhỏ sụt 3%.
Một số dữ liệu mới công bố đã làm dấy lên khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, đồng thời dẫn tới một nỗi lo khác là Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể quá chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2023. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (ISM) ngành sản xuất - một thước đo về hoạt động của các nhà máy - chỉ đạt 46,8 điểm, một mức điểm thấp hơn dự báo và được xem là một tín hiệu của suy thoái kinh tế.
Sau khi những báo cáo trên được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mức 4% lần đầu tiên kể từ tháng 2.
Những số liệu trên được công bố chỉ một ngày sau khi Fed đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất 23 năm và Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
“Những báo cáo kinh tế có được từ sau cuộc họp của Fed là một sự bất ngờ khiến mọi người đều lo ngại rằng nền kinh tế có thể sẽ không hạ cánh mềm và Fed có lẽ đã trì hoãn quá lâu việc cắt giảm lãi suất. Thị trường chứng khoán đang nói lên một điều rằng Fed đang chậm chân trong việc nới lỏng. Fed có lẽ sẽ phạm phải một sai lầm khác chỉ vì lo sợ lặp lại sai lầm cũ”, Giám đốc Tom Fitzpatrick của công ty R.J. O’Brien and Associates nhận định với hãng tin CNBC.
Nhà kinh tế trưởng Chris Rupkey của công ty FWDBONDS đồng tình rằng số liệu kinh tế ngày thứ Năm là dấu hiệu của một cuộc suy thoái kinh tế, lại được đưa ra đúng vào lúc thị trường có nhiều biến động.
“Thị trường chứng khoán không biết nên cười hay khóc vì dù Fed có thể giảm lãi suất 3 lần trong năm nay và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang giảm dưới 4%, nhưng luồng gió suy thoái đang thổi mạnh”, ông Rupkey phát biểu.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,32 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, chốt ở mức 79,52 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,6 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, chốt ở 76,31 USD/thùng.
Trước phiên này, giá dầu đã tăng khoảng 4% trong phiên ngày thứ Tư do mối lo về căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
“Tôi cho rằng thị trường đang nhận thấy sẽ không có bất kỳ một sự gián đoạn nguồn cung thực sự nào. Thị trường đang giảm bớt sự tập trung vào vấn đề địa chính trị và quan tâm nhiều hơn tới vấn đề nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu”, Phó chủ tịch Dennis Kissler của công BOK Financial nhận định với hãng tin Reuters.
Nếu một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ xảy ra, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có thể tăng chậm lại, thậm chí suy giảm. Nhưng hiện tại, các báo cáo thống kê cho thấy nhu cầu xuất khẩu dầu của Mỹ vẫn mạnh, thể hiện qua lượng dầu thô tồn trữ của nước này giảm mạnh. Báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ ngày thứ Năm cho thấy lượng dầu tồn giảm 3,4 triệu thùng.
Trong trung hạn, thị trường lo ngại quyết định nâng sản lượng trở lại của OPEC+ sẽ gây áp lực giảm lên giá dầu. Hồi tháng 6, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga đã nhất trí thu hẹp dần chương trình cắt giảm sản lượng dầu 2,2 triệu thùng/ngày từ tháng 10/2024 để tiến tới chấm dứt chương trình này vào tháng 9/2025. Tuy nhiên, OPEC+ nhất trí sẽ gia hạn các chương trình giảm sản lượng với tổng mức cắt giảm 3,66 triệu thùng cho tới cuối năm 2025.
Trong dài hạn, nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc - theo nhà phân tích Priyanka Sachdeva của công ty Phillip Nova. Bà Nova cho rằng mối lo này sẽ hạn chế khả năng tăng của giá dầu.
Một cuộc khảo sát của tư nhân công bố ngày 1/8 cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm lần đầu tiên trong 9 tháng do lượng đơn hàng mới giảm sút. Ngày thứ Tư, số liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng.