08:50 18/01/2025

Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng tăng mạnh tuần này

Bình Minh

Động lực cho thị trường đi lên trong tuần này là hai báo cáo lạm phát cho thấy áp lực tăng giá cả trong nền kinh tế đã dịu đi phần nào...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (18/1) nhờ cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn hút tiền mạnh, hoàn tất một tuần tăng khi mối lo lãi suất phần nào được xoa dịu. Giá dầu thô giảm trong phiên này, nhưng có tuần tăng thứ tư liên tục, do việc Mỹ siết trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga làm dấy lên mối lo về sự gián đoạn nguồn cung.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 334,7 điểm, tương đương tăng 0,78%, chốt ở mức 43.478,83 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1%, đạt 5.996,66 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,51%, đạt 19.630,2 điểm.

Mức tăng điểm lớn được ghi nhận ở hầu hết các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, như Tesla tăng 3%, Nvidia tăng 3,1%, và Aphabet tăng hơn 1%.

Tính cả tuần, Dow Jones và S&P 500 tăng tương ứng 3,7% và 2,9%. Đây là tuần tăng mạnh nhất của hai chỉ số này kể từ tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Nasdaq tăng 2,5% cả tuần, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 12.

Động lực cho thị trường đi lên trong tuần này là hai báo cáo lạm phát cho thấy áp lực tăng giá cả trong nền kinh tế đã dịu đi phần nào. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (CPI) lõi tăng ít hơn dự báo so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) toàn phần tháng 12 cũng có mức tăng ít hơn kỳ vọng.

Sau khi các báo cáo lạm phát nói trên được công bố, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ quay đầu giảm mạnh từ mức cao nhất của hơn 1 năm thiết lập vào đầu tuần, vì nhà đầu tư lại khấp khởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay. Chốt tuần, lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ lên mức 4,62%, nhưng đã giảm nhiều từ mức đỉnh 4,79% vào hôm thứ Hai.

Lợi suất giảm là động lực quan trọng để nhà đầu tư rót tiền vào các cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn.

Theo chiến lược gia Emmanuel Cau của ngân hàng Barclays, các số liệu kinh tế Mỹ tốt hơn dự báo trong tuần này, bao gồm dữ liệu lạm phát, “làm sống lại một kịch bản khả quan cho giá cổ phiếu, thúc đẩy tâm lý ham thích rủi ro gia tăng trở lại”.

Diễn biến chỉ số S&P 500 trong 1 tháng qua - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến chỉ số S&P 500 trong 1 tháng qua - Nguồn: Trading Economics.

Lợi nhuận khả quan từ các ngân hàng lớn cũng là một yếu tố kích thích thị trường đi lên trong tuần này, trong bối cảnh nhà đầu tư cố gắng thoát khỏi sự bám đuổi của áp lực giảm đã duy trì trong suốt tháng 12 và kéo dài sang năm 2025. Nhờ báo cáo tài chính quý 4/2024 mang tới kết quả tốt hơn kỳ vọng, cổ phiếu Goldman Sachs và Citigroup tăng khoảng 12% trong tuần, trong khi cổ phiếu JPMorgan Chase tăng 8%.

Từ những số liệu kinh tế Mỹ được công bố trong tuần này, “có thể hy vọng nền kinh tế không đến mức yếu và lạm phát cũng không phải là một vấn đề lớn như những gì mà nhà đầu tư đã lo ngại”, chiến lược gia Phil Orlando của công ty Federated Hermes nhận định với hãng tin Reuters. “Do thị trường đã bán nhiều trước đó, nên sự khởi sắc của tuần này là điều dễ hiểu”.

Chỉ số MSCI All Country World Index tăng 0,78% trong phiên ngày thứ Sáu, đạt 855,23 điểm. Cả tuần, chỉ số tăng 2,5%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần sau bầu cử Mỹ.

Tuần tới, nhà đầu tư ở Phố Wall và trên toàn cầu sẽ hướng sự quan tâm tới lễ nhậm chức tổng thống lần thứ Hai của ông Donald Trump. Hồi tháng 11, sau khi ông Trump tái đắc cử, nhà đầu tư đã đặt cược mạnh mẽ vào một số chủ trương của ông như nới lỏng quy chế giám sát và giảm thuế trong nước.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,5 USD/thùng, đóng cửa phiên ngày thứ Sáu ở mức 80,79 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,8 USD/thùng, chốt ở 77,88 USD/thùng. Cả tuần, giá mỗi loại dầu đều tăng hơn 1%, đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp.

Hôm thứ Sáu tuần trước, chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty sản xuất dầu lửa và tàu chở dầu của Nga. Động thái này là chất xúc tác chính đưa giá dầu đi lên trong tuần.

“Mối lo nguồn cung liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty sản xuất dầu thô và tàu chở dầu của Nga, cùng với hy vọng về việc lãi suất sẽ tiếp tục giảm ở Mỹ, đang hỗ trợ giá dầu”, nhà phân tích Toshikata Tazawa của công ty Fujitomi Securities nói với Reuters.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại London trong 1 tháng qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại London trong 1 tháng qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading Economics.

Nhà đầu tư trên thị trường dầu đang chờ xem liệu chính quyền mới của ông Trump có áp thêm sự trừng phạt lên ngành công nghiệp dầu lửa của Nga. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đang đánh giá các số liệu kinh tế mới từ Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Số liệu công bố tuần này cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5% trong năm 2024, đạt mục tiêu mà Chính phủ nước này đề ra.

Gây áp lực giảm lên giá dầu trong tuần này là việc Israel và Hamas đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn cho dải Gaza. Diễn biến này làm dấy lên hy vọng rằng các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen - lực lượng thân Hamas - nhằm vào tàu bè đi qua Biển Đỏ, gồm tàu chở dầu, sẽ sớm chấm dứt.