Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt sụt giảm vì mối lo lạm phát của Fed
Cổ phiếu và dầu thô cùng bị bán mạnh khi biên bản cuộc họp diễn ra vào đầu tháng này của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nêu bật mối lo về sự dai dẳng của lạm phát...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (22/5), khi biên bản cuộc họp diễn ra vào đầu tháng này của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nêu bật mối lo về sự dai dẳng của lạm phát - một dấu hiệu cho thấy Fed có thể không sớm giảm lãi suất. Khả năng lãi suất giữ cao hơn lâu hơn cũng là một nguyên nhân khiến giá dầu có phiên giảm thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ cuộc họp sản lượng sắp diễn ra của OPEC+.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 201,95 điểm, tương đương giảm 0,51%, còn 39.671,04 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng. Chỉ số S&P 500 giảm 0,27%, còn 5.037,01 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,18%, còn 16.801,54 điểm.
Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 30/4-1/5 của Fec cho thấy các nhà hoạch định chính sách trong Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết sách của Fed - cho rằng những tháng gần đây, tiến trình giảm lạm phát đã suy yếu. Biên bản cũng cho thấy “một số thành viên dự họp” bàn bạc về việc sẵn sàng tăng lãi suất thêm nếu lạm phát không tiếp tục giảm về mục tiêu 2%.
“Tiến trình giảm lạm phát có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến ban đầu”, biên bản có đoạn viết.
“Mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn là nguồn sức ép lên thị trường trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Fed đã xác nhận mối lo rằng cơ quan này chưa nhận thấy có thêm tiến triển về lạm phát”, CEO Greg Bassuk của công ty AXS Investments nhận định với hãng tin Reuters.
Trong ngày thứ Tư, mối quan tâm của giới đầu tư ở Phố Wall còn hướng tới sự kiện hãng sản xuất chip Nvidia công bố báo cáo tài chính quý 1. Theo dự báo của giới phân tích, lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu và doanh thu của Nvidia tăng tương ứng 400% và 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả kinh doanh của Nvidia đã được công bố sau khi thị trường kết thúc phiên giao dịch chính thức, với cả lợi nhuận và doanh thu đều vượt dự báo. Cổ phiếu Nvidia tăng hơn 4% trong phiên ngoài giờ, sau khi giảm 0,5% trong phiên chính thức.
Mỗi lần Nvidia công bố báo cáo tài chính “đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sự kiện vĩ mô” của thị trường chứng khoán Mỹ - theo chiến lược gia Henry Allen của ngân hàng Deutsche Bank. Ông Allen lưu ý rằng trong phiên giao dịch sau khi Nvidia công bố kết quả kinh doanh hồi tháng 2, S&P 500 đã tăng hơn 2%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm.
Báo cáo của Nvidia cũng được xem là bằng chứng về việc xu hướng tăng của cổ phiếu công nghệ có thể duy trì hay không. Năm nay, Nasdaq - chỉ số với cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng đa số - đã tăng gần 12%, đạt mức cao kỷ lục.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao tháng 7 tại London giảm 0,98 USD/thùng, tương đương giảm 1,18%, còn 81,9 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 7 tại New York giảm 1,09 USD/thùng, tương đương giảm 1,39%, còn 77,57 USD/thùng.
Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của giá dầu, khiến cả hai loại dầu đều giảm hơn 2% trong tuần này. Tuy nhiên, từ đầu năm, giá dầu Brent vẫn tăng 6,3% và giá dầu WTI tăng 8,2%.
Cũng giống như giá cổ phiếu, giá dầu phiên này đương đầu với áp lực giảm từ mối lo Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
Ngoài ra, dầu còn tụt giá do số liệu thống kê của Mỹ cho thấy lượng dầu tồn trữ tăng. Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô tồn trữ thương mại bất ngờ tăng 1,8 triệu thùng trong tuần trước, thay vì giảm 2,5 triệu thùng như dự báo mà các nhà phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của Reuters.
Giá dầu gần đây trở nên không rõ xu hướng do thiếu vắng những yếu tố tác động mạnh đến thị trường, khi tâm điểm chú ý của nhà đầu tư không còn đặt vào căng thẳng địa chính trị. Tình hình Trung Đông gần đây đã bớt nóng sau đợt leo thang căng thẳng hồi tháng 4.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh dẫn đầu là Nga, hay còn gọi là liên minh OPEC+, sẽ có cuộc họp chính sách sản lượng định kỳ vào cuối tuần sau. Nhóm này đang thực thi kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày - một nhân tố giữ vai trò quan trọng hỗ trợ giá dầu trong năm nay.
Giới phân tích cho rằng OPEC+ sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng này ít nhất cho tới hết năm vì giá dầu đang có biểu hiện suy yếu.