Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt tăng mạnh sau thoả thuận nâng trần nợ
Các chỉ số chứng khoán Mỹ và giá dầu thô cùng "xanh rực" sau khi Quốc hội Mỹ đạt một thoả thuận nâng trần nợ quốc gia đến đầu tháng 12 nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ của Chính phủ nước này...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (7/10), sau khi Quốc hội Mỹ đạt một thoả thuận nâng trần nợ quốc gia đến đầu tháng 12 nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ của Chính phủ nước này. Giá dầu thô cũng đi lên mạnh mẽ.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,98%, đạt 34.754,94 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,83%, còn 4.399,76 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,05%, đạt 14.654,02 điểm.
Phiên tăng thứ ba liên tiếp này của các chỉ số diễn ra sau khi phe Cộng hoà trong Thượng viện Mỹ đồng ý nâng trần nợ đến ngày 3/12. Trước đó, phe Cộng hoà cản trở việc nâng trần nợ trước thời hạn 18/10, đặt ra nguy cơ nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử rơi vào tình trạng vỡ nợ. Với thoả thuận nâng trần nợ vừa đạt được, rủi ro vỡ nợ tạm thời được ngăn chặn.
Khi cuộc khủng hoảng trần nợ lắng xuống, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư ở Phố Wall hướng tới bản báo cáo việc làm tháng 9 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu (8/10). Báo cáo này được nhận định sẽ là căn cứ để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành điều chỉnh chính sách tiền tệ, trước mắt là cắt giảm chương trình mua tài sản.
Giới phân tích hiện dự báo khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ có thêm 500.000 công việc mới trong tháng 9. Trong tháng 8, chỉ có 235.000 công việc mới được tạo ra, thấp hơn nhiều so với dự báo 720.000 công việc.
“Khi nước Mỹ tiếp tục kiểm soát được sự lây lan của biến chủng Delta, thị trường lao động sẽ khởi sắc thêm”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận xét.
Ngoài vấn đề trần nợ, chứng khoán Mỹ gần đây còn gặp những trở ngại về lạm phát và lãi suất tăng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hiện đang ở mức khoảng 1,57%, và được ngân hàng UBS dự báo sẽ tăng lên mức 1,8% vào cuối năm nay.
“Thị trường lao động duy trì cải thiện và tăng trưởng kinh tế vững vàng sẽ ‘bật đèn xanh’ để Fed bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản”, UBS viết trong một báo cáo.
Ngoài ra, vào tuần tới, Phố Wall sẽ bắt đầu bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa phiên ngày thứ Năm với mức tăng 0,87 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, đạt 81,95 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,87 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, đạt 78,3 USD/thùng.
Động lực để giá dầu tăng gần đây là nguồn cung không tăng kịp nhu cầu. Bộ Năng lượng Mỹ ngày 7/10 tuyên bố đang để ngỏ mọi công cụ để giải quyết tình trạng thắt chặt nguồn cung. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nhiều người đặt câu hỏi liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có xem xét xả dự trữ dầu lửa chiến lược hoặc cấm xuất khẩu dầu để “hạ nhiệt” giá dầu.
Nước Mỹ đã có một số lần xả dự trữ dầu lửa chiến lược, chẳng hạn sau những đợt bão hoặc gián đoạn nguồn cung khác. Tuy nhiên, kể từ khi chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu dầu lửa kéo dài 40 năm vào năm 2015, Mỹ đã trở thành một nước xuất khẩu dầu lớn và chưa hề cắt giảm xuất khẩu mặt hàng này.
“Thị trường dầu lửa sẽ thắt chặt hơn trong ngắn hạn, đồng nghĩa với việc giá dầu sẽ tiếp tục được hỗ trợ cho tới cuối năm nay”, nhà phân tích Warren Patterson của ING nhận định.
Các nước sản xuất dầu lớn và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tin rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 150.000-500.000 thùng ngày trong những tháng sắp tới, một phần do những nước sử dụng nhiều khí đốt tự nhiên phải chuyển sang dùng dầu vì giá khí đốt đang cao kỷ lục.