Chứng khoán Mỹ, châu Âu bán tháo dữ dội sau báo cáo lạm phát “nóng” hơn dự kiến
Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cùng “đỏ rực” trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (13/9), sau khi đón nhận báo cáo từ Mỹ cho thấy lạm phát tháng 8 “nóng” hơn so với dự báo trước đó của giới phân tích...
Bản báo cáo dập tắt hy vọng trước đó của nhà đầu tư rằng giá cả tiếp tục hạ nhiệt và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones “bay” 1.276,37 điểm, tương đương giảm 3,94%, còn 31.104,97 điểm. Đây là phiên giảm tồi tệ nhất của Dow Jones kể từ tháng 6/2020.
Chỉ số S&P 500 sụt 4,325, còn 3.932,69 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 5,16%, còn 11.633,57 điểm.
Trong số 500 thành viên của S&P 500, chỉ có 5 cổ phiếu chốt phiên trong trạng thái tăng. Công nghệ là nhóm bị bán đặc biệt mạnh, với Meta - công ty mẹ của mạng xã hội Facebook - sụt 9,4% và hãng chip Nvidia mất 9,5% giá trị.
Cú giảm này cuốn phăng gần như toàn bộ thành quả trong đợt phục hồi gần đây của thị trường, kéo S&P 500 về gần mức điểm đóng cửa 3.908 điểm của phiên ngày 6/9, đồng thời khiến một số nhà giao dịch lo ngại về khả năng xuất hiện trở lại của mức đáy hồi giữa tháng 6 - thời điểm khi chỉ số tham chiếu của thị trường chứng khoán Mỹ tụt dưới 3.700 điểm.
“Tôi cho rằng thị trường thậm chí có thể giảm thêm và thử phá vỡ vùng đáy của tháng 6”, giám đốc phụ trách hoạt động trên sàn giao dịch của ngân hàng Thuỵ Sỹ UBS, ông Art Cashin, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC.
“Chắc chắn, mốc 3.900 điểm rất dễ mất. S&P 500 sẽ giảm dưới mức bình quân 50 ngày. Các yếu tố kỹ thuật đang chi phối mạnh. Các con số lạm phát không nói lên rằng nền kinh tế đang hỗn loạn, nhưng con số này đồng nghĩa với việc những người đặt cược vào một con số khả quan hơn đang cảm thấy hụt hẫng”, ông Cashin phát biểu.
Tâm lý bi quan lan sang cả thị trường châu Âu, nơi lạm phát vốn dĩ cũng đang cao kỷ lục và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gần đây cũng phát tín hiệu cứng rắn về chính sách tiền tệ. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu chốt phiên với mức sụt 1,55%; CAC của Pháp giảm 1,39%; và DAX của Đức “bốc hơi” 1,59%.
Các con số trong bản báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 mà Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/9 đều cho thấy lạm phát ở nền kinh tế thế giới cao hơn dự báo. Trong đó, lạm phát toàn phần của tháng 8 tăng 0,1% so với tháng trước, bất chấp giá xăng dầu giảm. Lạm phát lõi tăng 0,6% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát toàn phần là 8,3%.
“Báo cáo CPI hoàn toàn bất lợi đối với thị trường chứng khoán. Bản báo cáo xấu hơn dự báo đồng nghĩa thị trường sẽ tiếp tục phải chịu sức ép từ Fed thông qua lãi suất tăng".
Giám đốc nghiên cứu Matt Peron của công ty tư vấn Janus Henderson Investors
Trước đó, các chuyên gia kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo lạm phát toàn phần giảm 0,1% so với tháng trước, lạm phát lõi tăng 0,3% so với tháng trước, và lạm phát toàn phần tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là dữ liệu kinh tế quan trọng cuối cùng trước khi Fed tiến hành cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 20-21/9. Theo dự báo, Fed sẽ có đợt nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong cuộc họp này. Số liệu lạm phát tháng 8 cao hơn dự báo có thể dẫn tới việc Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất với những bước nhảy lớn trong thời gian tới, thay vì giãn tiến độ tăng lãi suất.
Phiên sụt giảm này diễn ra sau 4 phiên tăng liên tiếp của chứng khoán Mỹ - sự phục hồi xuất phát một phần từ niềm tin của nhiều nhà đầu tư rằng lạm phát đã qua đỉnh.
“Báo cáo CPI hoàn toàn bất lợi đối với thị trường chứng khoán. Bản báo cáo xấu hơn dự báo đồng nghĩa thị trường sẽ tiếp tục phải chịu sức ép từ Fed thông qua lãi suất tăng. Những số liệu này cũng đẩy lui bất kỳ khả năng Fed dịch chuyển sang mềm mỏng hơn trong ngắn hạn như thị trường đã hy vọng”, Giám đốc nghiên cứu Matt Peron của công ty tư vấn Janus Henderson Investors nhận định.
Giá dầu thô giằng co trong suốt phiên giao dịch ngày thứ Ba trước khi chốt phiên trong trạng thái giảm. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,88%, còn 93,17 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,5%, còn 87,31 USD/thùng.
Phiên này, giá dầu chịu áp lực giảm từ báo cáo lạm phát của Mỹ và sự tăng giá của đồng USD. Ngoài ra, việc Trung Quốc triển khai phong toả ở nhiều địa phương để chống Covid-19 cũng phủ bóng lên triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, kéo giá dầu đi xuống.
“Fed có thể sẽ phải tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến vì lạm phát còn cao. Điều này dẫn tới tâm lý e dè với rủi ro trên thị trường dầu thô và khiến đồng USD tăng giá lên cao hơn, tạo thêm áp lực giảm giá đối với dầu”, Phó chủ tịch Dennis Kissler của BOK Financial nhận định với hãng tin Reuters.
Dù vậy, giá “vàng đen” vẫn đang được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung thắt chặt. Vào đầu tháng 12, Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức thực thi lệnh cấm vận dầu Nga. Trong khi đó, cuộc đàm phán khôi phục thoả thuận hạt nhân giữ Iran với các cường quốc vẫn chưa có bước tiến mới. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng hai bên khó có khả năng sớm đạt thoả thuận.
Trong một báo cáo ra ngày 13/9, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) giữ nguyên dự báo cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 và 2023. Cơ sở mà OPEC đưa ra cho dự báo này là những dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn đang chống chọi tốt hơn dự báo với những trở ngại lớn như lạm phát tăng vọt.