Chứng khoán ngày 15/3: HPG suýt giảm sàn
Tâm điểm của phiên tái cơ cấu ETF hôm nay dồn vào nhóm cổ phiêu VIC, VHM là chính, nhưng giao dịch sôi động nhất lại là HPG
Tâm điểm của phiên tái cơ cấu ETF hôm nay dồn vào nhóm cổ phiêu VIC, VHM là chính, nhưng giao dịch sôi động nhất lại là HPG.
Đúng ngay phiên ETF tái cơ cấu, thị trường lại đón nhận thông tin HPG dự kiến giảm 22% lợi nhuận sau thuế 2019. HPG cũng là mã sẽ bị các quỹ ETF bán ra tương đối, dù không quá lớn. Cú sốc thông tin đột ngột khiến giá HPG biến động cực mạnh phiên này. Bất ngờ nữa là nhà đầu tư nước ngoài bán ra khối lượng rất lớn, vượt các ước tính của ETF giao dịch.
HPG mở cửa đã giảm 3,5% so với tham chiếu và cả phiên chỉ một đường liên tục giảm. Nhà đầu tư nước ngoài bán ra tổng cộng 4,49 triệu HPG, nhưng tổng lượng giao dịch của HPG lên tới trên 17 triệu. Điều đó có nghĩa là HPG bị các nhà đầu tư trong nước bán tháo cực lớn.
Khối ngoại bán hơn 26% thanh khoản của HPG hôm nay nhưng không chỉ bao gồm ETF. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng liên tục ở HPG suốt nhiều tuần. Thông tin hôm nay có lẽ chỉ là một yếu tố góp phần xác nhận tại sao khối ngoại lại thoái vốn nhiều như vậy.
Riêng đợt ATC, HPG bị xả hơn 2 triệu đơn vị và giá đóng cửa dự kiến ở mức sàn khá lâu. Chỉ đến gần hết giờ cầu bắt đáy mới xuất hiện và nâng dần giá lên. Chốt phiên HPG được nâng 2 bước giá lên khỏi đáy và giảm 6,73% so với tham chiếu. Dư mua hai giá thấp nhất còn 1,51 triệu đơn vị nữa. Dù thoát được giá sàn, HPG vẫn có một ngày rớt giá mạnh nhất 1 năm.
Hai cổ phiếu dự kiến có thể xáo trộn lớn trong ngày ETF giao dịch là VIC và VHM lại có một phiên khá bình yên. VIC đóng cửa chỉ giảm 0,08% gần như không đáng kể dù vẫn khớp lệnh 1,39 triệu cổ phiếu. Lượng khớp lúc ATC này chiếm tới trên 81% giao dịch của cả ngày. Nhà đầu tư nước ngoài xả 1,47 triệu cổ.
VHM yếu hơn, đóng cửa giảm 0,74% so với tham chiếu. Tuy nhiên mức giảm này cũng có thể xem là thành công, nếu nhìn từ đáy giảm 1,6% trong phiên. Đợt đóng cửa VHM giao dịch 1,55 triệu cổ, chiếm 62% tổng giao dịch.
Giao dịch hơi đuối là VCB, lúc đóng cửa bị ép mạnh xuống 66.000 đồng, là giá thấp nhất trong ngày. VCB chốt giảm 1,49% với lượng khớp 1,05 triệu cổ phiếu, chiếm 40% thanh khoản cả phiên. Như vậy nếu so với VIC hay VHM, lực đỡ của VCB không mạnh bằng.
Ngoài VIC và VHM trụ giá rất khá, những blue-chips khác bị bán lớn lúc đóng cửa như MSN, VRE cũng đều mạnh lên. Ngược lại NVL – cổ phiếu được quỹ ETF mua lớn lại bị nhà đầu tư trong nước xả và giá đóng cửa giảm 3,23%.
Nhìn chung các mã trụ lớn nhất đối với VN-Index trong đợt đóng cửa đều khá hơn thời điểm cuối đợt giao dịch liên tục. Do đó chỉ số không bị tác động nhiều mà có cải thiện. Cụ thể, VN-Index đã tăng ở đợt đóng cửa hơn 1 điểm, chỉ còn giảm 0,43% so với tham chiếu. Chỉ số thấp nhất trong phiên giảm khoảng 0,73%. Như vậy nếu nhìn từ góc độ phục hồi, thị trường đã mạnh lên về cuối phiên.
Tuy vậy tổng thể phiên hôm nay vẫn là một ngày giao dịch khá yếu. Mặc dù các quỹ ETF chỉ tái cơ cấu với một số mã blue-chips, nhưng độ rộng thị trường lúc đóng cửa khá xấu: HSX chỉ có 131 mã tăng/178 mã giảm, trong đó hơn 100 mã giảm trên 1%.
Như vậy thị trường vẫn chịu tác động từ yếu tố chốt lời nói chung chứ không hẳn chỉ do giao dịch của các quỹ ETF. Các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng bị ảnh hưởng. Chỉ số VN30 giảm 0,79% lúc đóng cửa với 20 mã giảm/9 mã tăng.
Phiên giao dịch có dấu vết của các quỹ ETF đẩy tổng giao dịch của phiên hôm nay lên 7.69,9 tỷ đồng, trong đó 1.715 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận. Giá trị khớp lệnh đạt 5.3534,8 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 230 tỷ đồng trên hai sàn phiên này, tập trung chủ đạo vào sàn HSX. Cụ thể, khối này bán ra 1.547 tỷ đồng và mua vào 1.328,4 tỷ đồng. HNX chỉ được mua 8 tỷ đồng, bán ra 19,8 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng lớn nhất là HPG, NBB, VHM, VIC, FLC, VNM, VCB, HSG, POW, VRE. Phía mua ròng là CTG, MSN, NVL, PLX, SSI, BID, HDB.