12:08 30/11/2017

Chứng khoán sáng 30/11: Thanh khoản tăng mạnh, VN-Index suýt vượt 960

Lan Ngọc

Dường như thị trường tỏ ra lo lắng về mức giá đấu "quá cao" của SAB sẽ khiến đợt đấu giá khó thành công

VN-Index đã kịp có được các trụ khác thay thế SAB.
VN-Index đã kịp có được các trụ khác thay thế SAB.

SAB đã bị bán ra khá mạnh sáng nay tạo nhiều rung lắc trên thị trường, nhưng thanh khoản gia tăng quá mạnh đã chặn được nguy cơ giảm. VN-Index tiếp tục có thêm phiên tăng mạnh.

Đã có nhiều cổ phiếu lớn khác thay thế SAB sáng nay, trong đó VNM và HPG rất mạnh. Mặt khác độ rộng của rổ blue-chip vẫn tích cực, nên SAB không còn là cổ phiếu chi phối thị trường nữa.

Dường như thị trường tỏ ra lo lắng về mức giá đấu "quá cao" của SAB sẽ khiến đợt đấu giá khó thành công. SAB sáng nay bị xả từ 347.000 đồng xuống tận tham chiếu 339.000 đồng. Việc SAB tăng giá trước đó có ảnh hưởng nhiều đến VN-Index, nên khi cổ phiếu này suy sụp, chỉ số đã có một nhịp giảm khá nhanh trước 11h.

SAB đến cuối phiên sáng chỉ còn được chặn rất mong manh 250 cổ phiếu ở giá tham chiếu và chỉ có thể tăng nhờ các lệnh kỹ thuật mua 10 cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài lại mua khoảng 16.000 SAB trong tổng giao dịch 33.250 cổ phiếu. Nhà đầu tư trong nước đang chốt lời SAB là chính, khi mức tăng giá tới trên 12% chỉ trong vòng T3.

Trong khi SAB tụt dốc thì VNM và HPG nổi lên trở thành các trụ cột chính. 

VNM thực ra cũng có một nhịp giảm khá nhanh từ 189.500 đồng xuống tận 186.500 đồng. Tuy nhiên cổ phiếu này có được lực cầu chặn đỡ rất ổn định ở 187.000 đồng kéo dài suốt từ 11h30 tới hết phiên sáng. VNM tăng 1,08% đã góp phần giữ cho VN-Index ổn định ở nửa sau của phiên sáng.

HPG không lớn bằng VNM nhưng lại nổi bật khi giá tăng 4,07% và giá vượt lên trên đỉnh cao hồi đầu tháng 10, tạo đỉnh cao mới trong lịch sử. HPG cũng vươn lên trở thành cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường với gần 7,2 triệu cổ phiếu, tương đương 290,8 tỷ đồng giá trị chuyển nhượng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đang tạo bệ đỡ khá chắc chắn. Tuy nhiên bản thân nhóm này cũng phân hóa khá nhiều. 

VCB lớn nhất nhưng biến động rất mạnh. Giá chốt phiên sáng tăng 0,82%. BID thậm chí có lúc giảm giá nhưng cuối phiên cũng nhích tăng 0,39%. STB bất ngờ bị xả mạnh, giá giảm 1,52%. MBB và CTG là hai trụ chính của nhóm, tăng tương ứng 2,2% và 1,24%.

Phía giảm giá, cặp đôi VIC và VRE đang là vấn đề khi những nỗ lực tăng không ổn định. VIC có lúc giảm 1,31% so với tham chiếu, sau đó được kéo tăng 0,66% nhưng cuối cùng lại bị xả ép xuống. 

Chốt phiên sáng VIC đang giảm 0,13%. VRE cũng trồi sụt mạnh nhưng chốt lại giá vẫn giảm 1,92%. MSN cũng đang là cổ phiếu có nguy cơ cao khi giá tụt dốc dần trong phiên sáng và chốt giảm 1%. Cũng phải nhắc lại là: MSN đang ở đỉnh cao nhất kể từ đầu 2014.

Diễn biến của HSX sáng nay chủ yếu do hiện tượng rung lắc tại các trụ lớn, còn độ rộng duy trì khá ổn định và tích cực. Ngay trong rổ VN30 cũng có 17 mã tăng/11 mã giảm và chỉ số tăng 0,61%. Mức tăng cao nhất của chỉ số này là 0,91%, khi VNM và SAB còn hợp sức tăng. VN-Index tăng 0,63% với 141 mã tăng/116 mã giảm.

Sàn HNX có độ rộng cân bằng nhưng lợi thế nghiêng và ACB đang tăng 2,03%. Cổ phiếu này kéo HNX-Index tăng 0,64% dù chỉ có 85 mã tăng/74 mã giảm. HNX30 tăng 0,35%  với 11 mã tăng/11 mã giảm.

Các cổ phiếu nhỏ trên hai sàn giao dịch không còn nóng như trước. Hai sàn có 14 cổ phiếu kịch trần với phần lớn bên HNX và thanh khoản không lớn. Nổi bật chỉ có DCS, CIA, DPS, VIG. Chỉ số Midcap chỉ tăng 0,31%, Smallcap tăng 0,4%.

Thanh khoản sáng nay ghi nhận mức gia tăng tới 20% so với sáng hôm qua, đạt 3.571,3 tỷ đồng giá trị khớp lệnh. ROS đã giảm giao dịch tới 47% so với sáng hôm qua nhưng các mã khác lại tăng rất cao.

Nhóm 5 cổ phiếu giao dịch lớn nhất sàn HSX đều là các cổ phiếu tăng giá, bao gồm HPG, MBB, VPB, VJC, CTG. Đây cũng là các cổ phiếu duy nhất giao dịch trên 100 tỷ đồng. Các mã ngân hàng đang hút tiền rất mạnh.

Khối ngoại vẫn đang mua ròng tốt với giá trị giải ngân trên HSX tính cả thỏa thuận đạt 365,6 tỷ đồng, bán ra 273,7 tỷ đồng. Sàn HNX được mua 33,5 tỷ và bán 35,4 tỷ đồng.

Khối ngoại ngoài chứng chỉ quỹ E1, mua dồn vào các blue-chip như VCI, SSI, VJC, HNG, HPG, STB, PVD, CTG. Phía bán cũng có nhiều cổ phiếu lớn như VRE, CII, GAS, NVL, HBC, MSN.