Chứng khoán sáng 7/10: VCB lãi khủng, giá liên tiếp lập đỉnh lịch sử
Những thông tin ban đầu về kết quả kinh doanh quý 3 đang hé lộ và VCB "phát pháo" cuối tuần với mức lãi khủng. Nhà đầu tư đua giá sáng nay đẩy VCB lập đỉnh lịch sử mới
Những thông tin ban đầu về kết quả kinh doanh quý 3 đang hé lộ và VCB "phát pháo" cuối tuần với mức lãi khủng. Nhà đầu tư đua giá sáng nay đẩy VCB lập đỉnh lịch sử mới.
Giao dịch của VCB khá tốt, nhưng không thay thế được tất cả blue-chips. Thị trường sáng đầu tuần giao dịch đuối do dòng tiền yếu. Ngay cả VCB tăng mạnh cũng không vực dậy được nhóm ngân hàng.
Cuối tuần qua VCB xuất hiện tin lợi nhuận kỷ lục hơn 17.500 tỷ đồng trong 9 tháng. Về cơ bản đây là tin tốt, nhưng có "bất ngờ" hay không thì khó nói, vì dạng tin này lộ từ đủ nguồn khác nhau. Mặc dù vậy nhà đầu tư cũng khá hào hứng với kết quả kinh doanh này và đổ xô vào mua. VCB tăng giá 1,45% so với tham chiếu và chính thức có đỉnh cao lịch sử mới ở mốc 84.200 đồng.
Thanh khoản của VCB cũng lọt top 5 của thị trường với xấp xỉ 52 tỷ đồng giá trị. Cùng thanh khoản lớn với VCB có VPB và MBB cũng thuộc nhóm ngân hàng. Tuy vậy các mã ngân hàng khác diễn biến yếu hơn nhiều so với VCB.
MBB tăng 0,22%, STB tăng 1,44% là hai mã ngân hàng duy nhất còn lại đang trên tham chiếu. VPB giảm 1,57%, TCB giảm 0,64%, EIB giảm 1,18%, BID giảm 0,12%, TPB giảm 0,45% còn lại tham chiếu.
Có thể nói một mình VCB hiện đang gồng gánh VN-Index, đem lại gần 1,4 điểm cho chỉ số này, trong khi VN-Index đang giảm 0,01 điểm. VN30-Index đang giảm 0,14% với 11 mã tăng/16 mã giảm. Blue-chips cũng khá nhiều mã tăng, nhưng sức mạnh thì kém. Ngoài VCB, chỉ có VNM tăng 0,47%, GAS tăng 0,3%, HPG tăng 0,47%, MSN tăng 0,13%, SAB tăng 0,58%. Mức tăng này là quá yếu để thay đổi chỉ số.
Các blue-chips giảm đang tập trung vào nhóm Vin: VHM giảm 1,01%, VIC giảm 0,42%. Số lượng blue-chips giảm cũng nhiều, nhưng mức giảm cũng không mạnh. Tính về điểm số thì VHM và VIC vô hiệu hóa VCB. Như vậy có thể thấy mặt bằng giá blue-chips chủ đạo là lình xình nhẹ cả hai chiều tăng và giảm.
Độ rộng của HSX ghi nhận 118 mã tăng/161 mã giảm. Ngay cả nhóm đầu cơ cũng giao dịch rất chậm và tăng yếu. Lác đác vài cổ phiếu có biên độ lớn và thanh khoản tương đối như FTM, TGG, JVC, ASM tăng được trên 4%. Phần lớn các mã đầu cơ còn lại tăng dưới 2%.
Sàn HNX đang bị ảnh hưởng nặng nề từ các trụ. VCS cũng báo lãi khá tốt nhưng nhà đầu tư tranh nhau xả, đẩy giá giảm 8,58%. Đây là mức giảm kỷ lục của cổ phiếu này trong năm 2019. Kết quả kinh doanh đã không thể cứu vãn mức tăng giá chóng mặt 34% trong chưa đầy 20 phiên và mức tăng gần 82% chỉ từ đầu tháng 7/2019. Thanh khoản của VSC cũng cực cao, lên tới 76,2 tỷ đồng, chiếm 39,3% tổng giá trị khớp sàn HNX.
Ngoài VCS, HNX-Index còn bị vít xuống bởi ACB giảm 0,85%, VCG giảm 1,13%, SHB giảm 1,54%. Chỉ số này đang giảm 0,87% với 40 mã tăng/54 mã giảm. HNX30 giảm 1,51% với 8 mã tăng/15 mã giảm. Không có cổ phiếu này tăng giá đối ứng nhóm trụ ở sàn này.
Thị trường đầu phiên sáng nay giao dịch không có lực và VN-Index chỉ chạm tới 990 điểm trong vài phút đầu tiên rồi quay lại xu hướng giảm. Thanh khoản tiếp tục là vấn đề lớn vì dường như thị trường đã không thu hút được nhiều giao dịch, bất kể là tăng hay giảm. Tổng giá trị khớp phiên sáng hai sàn mới đạt 1.527,5 tỷ đồng, giảm 9% so với phiên trước. Đó là tính cả ROS giao dịch rất lớn, loại mã này ra thì thanh khoản giảm hơn 13%.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang tạo áp lực mạnh. Khối này mua rất ít, mới giải ngân 89,5 tỷ đồng ở sàn HSX trong khi đã bán 131,7 tỷ đồng. VN30 bị bán 74 tỷ, mua 65,5 tỷ đồng. HNX bán 5,2 tỷ, mua 6,6 tỷ đồng. Duy nhất VCB được mua nhỉnh hơn mặt bằng chung. Phía bán ròng có DIG, HPG, POW, DXG, VRE.