Chứng khoán sắp đón thêm dòng tiền tiết kiệm đáo hạn
Trong giai đoạn nửa cuối năm, các khoản tiền gửi kỳ hạn 9-12 tháng sẽ đáo hạn và khả năng cao sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư có lợi suất hấp dẫn hơn, trong đó có thị trường chứng khoán, theo chứng khoán Rồng Việt...
Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán tháng 7, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng môi trường lãi suất thấp vẫn sẽ là trợ lực chính cho thị trường không chỉ trong tháng 7 mà còn trong nửa cuối năm nay, khi mà các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng tới 1 năm từ thời điểm lãi suất tiền gửi đạt đỉnh hồi cuối năm 2022 sẽ dần đáo hạn và tìm kiếm các kênh đầu tư mới có lợi suất cao hơn như thị trường chứng khoán.
Tâm điểm về thông tin trong tháng sẽ là mùa báo cáo kết quả kinh doanh Qúy 2. Cho kỳ này, VDSC cho rằng bức tranh tăng trưởng lợi nhuận của toàn thị trường vẫn còn tương đối ảm đạm, với mức lợi nhuận của quý này dự báo sẽ giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng của sàn HoSE có thể đã tạo đáy từ Q4/2022 và sẽ bắt đầu tăng trở lại kể từ Q2/2023. Lợi nhuận của toàn thị trường trong quý này dự báo sẽ được dẫn dắt bởi các ngành Ngân hàng, Tài chính, CNTT, Dược phẩm, và Dầu khí, trong khi các ngành Nguyên vật liệu, Hàng tiêu dùng, Tiện ích, Công nghiệp là sẽ tiếp tục ghi nhân mức giảm hai chữ số.
Với kỳ vọng về thanh khoản của thị trường chứng khoán và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm, VDSC tin rằng xu hướng chính của thị trường sẽ nâng lên mức tăng nhẹ so với xu hướng đi ngang trong nửa đầu năm nay. Cho tháng 7, vùng dao động kỳ vọng của VN-Index là 1.090 – 1.170.
Thanh khoản của thị trường tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023. Diễn biến hạ lãi suất điều hành của SBV trong tháng 6 đã kích thích tâm lý giao dịch của thị trường.
Giá trị khớp lệnh trên HOSE tăng 56% MoM, tương đương với mức tháng 8-2022 – thời điểm các biến cố lớn và cuộc đua lãi suất huy động chưa xảy ra. Tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân cũng liên tục tăng lên so với hồi Q1. Khả năng cao là các khoản tiền gửi hồi cuối năm 2022 có kỳ hạn đến 6 tháng đã đã tái đầu tư vào thị trường chứng khoán trong 2-3 tháng gần đây.
Đợt cắt giảm lãi suất lần gần nhất cũng đã đưa mức trần lãi suất huy đồng kỳ hạn dưới 6 tháng về mức 4,75%/năm, giảm từ mức 6%/năm vào tháng 10-2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cũng được các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm từ 20 – 50 điểm cơ bản so với tháng trước.
So với tháng 12/2022, mặt bằng chung của mức giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng là hơn 1 điểm phần trăm, cá biệt ở một số ngân hàng tư nhân lớn như TCB, VPB ghi nhận mức giảm hơn 2 điểm phần trăm. Trong giai đoạn nửa cuối năm, các khoản tiền gửi kỳ hạn 9-12 tháng sẽ đáo hạn và khả năng cao sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư có lợi suất hấp dẫn hơn, trong đó có thị trường chứng khoán.
Dòng tiền trong tháng 6 cũng đã bắt đầu hướng đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi một vài cái tên thuộc nhóm này được dự báo sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến hoặc cải thiện rõ rệt so với quý trước trong mùa báo cáo sắp tới như VCB, STB, MBB, SSI, HPG. Qua đó, thị trường đã bứt phá khỏi kênh dao động đi ngang kể từ đầu năm nay. Trong khi đó, phần lớn các cổ phiếu thuộc chỉ số VN30 vẫn duy trì xu hướng đi ngang. Thực tế này cùng với kỳ vọng về sự tăng lên của thanh khoản hạn chế sự sụt giảm mạnh của thị trường trong tháng 7.
Rủi ro giảm của thị trường trong tháng nhiều khả năng sẽ bị chi phối bởi (1) diễn biến bất lợi của tỷ giá, trong bối cảnh chênh lệch lãi suất qua đêm của đồng VNĐ và USD đang rất lớn và khả năng cao Fed sẽ tiếp tục nâng mức lãi suất quỹ liên bang thêm 25 bps trong kỳ họp ngày 24/7 này khi chỉ số lạm phát lõi (Core PCE) của Mỹ trong tháng Năm vẫn chưa giảm như kỳ vọng (4.6% so với tháng trước là 4.7%), và (2) lợi nhuận của một số cổ phiếu vốn hóa lớn không đạt kỳ vọng.