17:40 08/11/2010

Chứng khoán tháng 11: Liệu có “cửa” sáng?

N.H

Các yếu tố vĩ mô như thắt chặt tiền tệ, tỉ giá, lạm phát được nhìn nhận là rủi ro cản trở khả năng tăng trưởng của thị trường

VN-Index theo đơn vị tuần vẫn nằm trong xu hướng giảm
VN-Index theo đơn vị tuần vẫn nằm trong xu hướng giảm
Trong mắt nhiều công ty chứng khoán, cơ hội cho thị trường tháng 11 vẫn khá mờ mịt, khi dòng vốn tiếp tục vận động yếu và những nỗi lo vĩ mô vẫn còn.

Rẻ vẫn có thể rẻ hơn

Với mức sụt giảm giá khá mạnh của đa số cổ phiếu trong khi VN-Index vẫn được kìm giữ trong vùng đi ngang 440 điểm – 470 điểm, mức P/E bình quân của thị trường được rất nhiều tổ chức đánh giá là rẻ hơn so với các thị trường khác trong khu vực.

Cách thức tính P/E bình quân của thị trường khá lộn xộn do không đồng nhất về phương pháp. Tuy nhiên đa số các số liệu của công ty chứng khoán đều ở mức dưới 10 lần. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Đại Dương (OSC), mức P/E và P/B 4 quý gần nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở ngưỡng thấp nhất so với nhiều thị trường ở Châu Á và Mỹ. Hiện nay P/E của 50% số mã chứng khoán trên thị trường đang nhỏ hơn 8, thấp hơn cả mức thị trường ở 400 điểm trong năm 2009, mức này cũng là mức “rẻ” hơn nhiều so với bất kỳ thị trường nào khác trong khu vực. Nếu so với Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Đài Loan, Hồng Kông…, thì VN-Index đang đi sau khoảng 30 - 40%.

Chỉ với những con số thống kê sơ bộ như trên, thì thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự là một thị trường đang rất rẻ cho các cá nhân và tổ chức bắt đầu nghĩ đến việc giải ngân cho chiến lược dài hạn.

Phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về kết quả kinh doanh quý 3 cũng khá sáng sủa: Tính đến ngày 29/10 đã có 344 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh. Theo đó, lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp này bằng 28,11% so với kế hoạch, cao hơn so với con số của quí II (27,48%) và quí I (24,31%). Tính lũy kế 3 quí đầu năm 2010, các doanh nghiệp đã đạt được 79,91% so với kế hoạch đặt ra và bằng 132,8% so với lợi nhuận 3 quí đầu năm 2009. Trong số 344 doanh nghiệp có đến 67 doanh nghiệp vượt kế hoạch đặt ra.

Tuy nhiên diễn biến thị trường lại không cho thấy những chuyển biến phù hợp về giá cổ phiếu. Tính từ tháng 8 đến nay thì VN-Index sụt giảm 7,01%, nhưng chỉ có 18 cổ phiếu tăng giá và chỉ có 8 mã tăng trên 10%. Ngược lại, số giảm giá lên tới hàng trăm cổ phiếu, kể cả những mã có kết quả kinh doanh vượt kế hoạch năm.

Quan ngại nào?

Theo nhận định của các tổ chức, những động thái chính sách mới gần đây vẫn chưa đủ để xóa đi quan ngại về vĩ mô, đặc biệt là các diễn biến căng thẳng về lãi suất, tỉ giá. 

Áp lực từ các rủi ro vĩ mô được đánh giá khá thống nhất. Theo VDSC, với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục tăng trên 1% trong tháng thứ 2 liên tiếp, dự báo CPI tháng 11 sẽ còn diễn biến phức tạp và tình hình tỷ giá tiếp tục nóng khiến chính sách tiền tệ không được nới lỏng, thậm chí khả năng một chính sách thắt chặt tiền tệ mới là có khả năng xảy ra. 

Công ty Chứng khoán Trí Việt (TVS) cũng cho rằng các bất ổn vĩ mô đã làm mất đi độ hấp dẫn của thị trường trong ngắn hạn, trong khi làm gia tăng tâm lý thận trọng, hoài nghi và đẩy nhà đầu cơ ra khỏi thị trường. 

Sức hút của kênh đầu tư vàng và USD trong những tháng qua là có thực. Mặc dù không thể thống kê chính xác dòng vốn chảy ra từ chứng khoán nhưng thanh khoản sụt giảm cũng là một tín hiệu đáng chú ý. Theo OSC, tính hấp dẫn của hai kênh đầu tư này đó có thể tiếp tục được duy trì trong thời gian tới do nhiều yếu tố vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và tình hình lạm phát vẫn đang đứng ở mức báo động. Khả năng tiếp tục tăng điểm của vàng và USD sẽ cản trở dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường chứng khoán . 

Đặc biệt các yếu tố vĩ mô trong tháng 11 này như  như lạm phát, tỷ giá, lãi suất được nhìn nhận là chưa thể có những cải thiện đáng kể. TVSC dự báo mức tăng CPI trong tháng 11 có thể rơi vào khoảng 0,8 - 1%. Tỷ giá USD vẫn chịu sức ép cuối năm từ việc nhập khẩu, thâm hụt thương mại, mua USD trả nợ vay ngoại tệ và giá vàng ở mức cao nên nhiều khả năng vẫn đứng ở mức trên 20.000 VND/USD. Khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước là khá hạn chế cho dự trữ ngoại hối mỏng. Việc nâng tỷ giá chính thức (nếu có) cũng chỉ như một bước đi hợp thức hóa việc giảm giá của VND. 

Kịch bản diễn biến thị trường chứng khoán được “ưa chuộng” là tiếp tục lình xình trong biên độ hẹp ít nhất là trong tháng 11.  Theo OCS thì các chỉ báo phân tích kỹ thuật đang ủng hộ cho một sự khép đáy dài hạn nhưng thị trường có thể vẫn sụt giảm tiếp trong những biến động ngắn hạn. Kịch bản đáng tin cậy nhất hiện tại vẫn là dao động trong biên độ hẹp ít nhất cho đến hết tuần thứ 3 của tháng 11. 

TVSC lạc quan hơn chút ít nhưng cũng cho rằng thị trường chứng khoán trong tháng 11 nhiều khả năng ở trong một trạng thái thận trọng với thanh khoản ở mức trung bình thấp. Các yếu tố vĩ mô chưa ủng hộ một sự hồi phục đáng kể và bền vững của thị trường nhưng các tác động tiêu cực cũng sẽ không lớn do đã được phản ánh trong giai đoạn suy giảm. Vùng đáy trung hạn dường như được tạo lập xung quanh 440 - 450 điểm nhưng với mức độ chờ đợi các diễn biến khả quan cao hơn so với 2 tháng trước. Sự khởi sắc thị trường và gia tăng thanh khoản - nếu có - sẽ xảy ra với xác suất cao vào nửa sau tháng 11.

VDSC “vẽ” ra tới 3 kịch bản nhưng vẫn thiên về khả năng dao động trong vùng 420 điểm - 480 điểm. Khả năng VN-Index khởi sắc vượt qua 480 điểm đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có sự ổn định về kinh tế, chính sách thu hút đầu tư và các yếu vĩ mô như tỷ giá. Ngược lại sự hấp dẫn về mặt cơ bản của các cổ phiếu, cùng với đó là lực bắt đáy thường xuất hiện khi thị trường giảm điểm mạnh khiến xác suất xuống dưới 400 điểm khó hiện thực trong tháng 11.