10:37 04/09/2007

Chứng khoán thế giới chưa ổn định

Lê Hường

Tại thị trường chứng khoán Mỹ, các tín hiệu mới của tín dụng thứ cấp vẫn chưa mở ra nhiều hy vọng

Gần một tháng “giông bão”, thị trường chứng khoán các nước bắt đầu bước ổn định. Tuy nhiên, thị trường cho vay thế chấp của Mỹ vẫn chưa nhận được sự đánh giá hoàn toàn lạc quan từ các nhà phân tích.

Trong khi các nhà đầu tư châu Á và châu Âu lạc quan vì các chỉ số lớn trên hai thị trường này đều tăng trưởng tốt, thì tại thị trường Mỹ, các tín hiệu mới của tín dụng thứ cấp chưa mở ra nhiều hy vọng.

Chứng khoán châu Á: Kết thúc tháng êm đẹp

Chứng khoán châu Á kết thúc ngày cuối cùng của tháng 8 với mức tăng trưởng đầy lạc quan sau khi Tổng thống Bush đưa ra đề xuất về các biện pháp hỗ trợ lĩnh vực cho vay thế chấp.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đưa ra bản báo cáo dự báo sản xuất thương mại sẽ tăng 6,8% trong tháng 8. Các quan chức của Bộ cũng cho biết rằng sản xuất trong tháng bảy đã giảm 0,4% so với tháng trước.

Tại thị trường Nhật Bản, cổ phiếu của các công ty lớn đều đạt mức điểm cao. Cổ phiếu của tập đoàn Sony thể hiện mức tăng lớn nhất kể từ tháng Giêng. Chỉ số chứng khoán trung bình Nikkei 225 tăng 2,6%, cổ phiếu của các công ty BHP Billiton Ltd., đã giúp chỉ số S&P/ASX200 tăng lên mức cao nhất trong tháng nhờ giá kim loại tăng.

Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng cũng leo lên độ cao kỷ lục sau khi công ty Merrill Lynch đưa ra các đánh giá cao về các chứng khoán của Hồng Kông. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ sáu, chỉ số Hang Seng đóng cửa ở mức 23930,12 điểm, tăng 445,58 điểm (1,9%).

Cuối giờ chiều ngày 31/8, chỉ số của tập đoàn quốc tế Morgan Stanley ở châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,2% lên 152,03 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất kể từ 9/8. Harvey Norman, nhà bán lẻ đồ điện tử và nội thất lớn nhất nước Úc tăng 6,2%, đạt 5,32 Đôla Australia/cổ phiếu.

Bryan Yip, một chuyên viên quản lý quỹ của công ty Standard Life, Hồng Kông bình luận “Khi các vấn đề tiêu cực trên thị trường trở nên rõ ràng hơn, thì các công ty có tăng trưởng tốt sẽ tạo ra doanh thu tốt. Và tất yếu là giá cổ phiếu sẽ tăng thôi”.

Thị trường châu Âu: Tiếp tục cải thiện

Ngày thứ hai liên tiếp, chứng khoán châu Âu tăng trưởng mạnh kể cả trước khi có thông báo của Tổng thống Bush về việc hỗ trợ cho lĩnh vực cho vay thế chấp. cổ phiếu của Rio Tinto Group, tập đoàn khai thác mỏ lớn nhất thế giới cũng tăng khi giá kim loại tăng. Cổ phiếu của Bouygues SA cũng lên giá khi công ty xây dựng lớn thứ hai thế giới này báo cáo mức lợi nhuận nửa năm đầu cao hơn hẳn dự kiến của các nhà phân tích.

Tại London, chỉ số Dow Jones Stox 600 tăng 0,5%, lên đến mức 372,75. Chỉ số Stoxx 50 cũng tăng 0,5% khi chỉ số Euro Stoxx 50, một thước đo cho khu vực châu Âu tăng 0,7%. Johnathan, một nhà đầu tư tại Anh nhận xét: “Tin tức Bush mang lại là tín hiệu tích cực. Điều đó hy vọng sẽ giúp khôi phục niềm tin của thị trường. Sự thay đổi sẽ có tác động đến những người đi vay, những người còn có ít nhất 90 ngày được sống trong căn nhà của họ trước khi phải thanh toán tiền nhà”.

Cổ phiếu của Barclays, ngân hàng lớn thứ ba ở Anh, tăng 1,3%. Societe Generale, ông chủ nợ lớn thứ hai ở Pháp cũng tăng được 0,8% lên đến 117,52 euro/cổ phiếu. cổ phiếu của Casino Guichard-Perrachon SA, ông chủ siêu thị lớn nhất ở Paris tăng 1,6%, lên đến 76,16 Euro.

Công ty này cũng cho biết rằng lợi nhuận nửa đầu năm đã tăng được 43% lên đến 367 triệu Euro sau khi mở rộng kinh doanh sang Mỹ Latinh. Điều này đánh bật mức dự báo 198 triệu Euro do bảy nhà phân tích của Bloomberg đưa ra.

Chứng khoán Mỹ: Chưa hồi phục

Trong khi đó, vào ngày thứ năm, chứng khoán của Mỹ lại suy giảm sau khi tập đoàn Lehman Brothers Holdings cho biết rằng việc tăng chi phí tín dụng có thể làm giảm doanh thu của ngân hàng và Freddie Mac dự báo là thị trường nhà ở vẫn còn mờ mịt.

Goldman Sachs Group, Morgan Stanley và Merrill Lynch, những công ty chứng khoán lớn nhất của phố Wall, đã đẩy chỉ số Standard & Poor 500 xuống mức thấp nhất trong tuần này. Freddie Mac giảm mạnh nhất trong bốn năm sau khi công ty tài chính thế chấp lớn thứ hai của Mỹ nói rằng, họ sẽ cắt giảm lợi nhuận 45%.

Chỉ số S&P 500 giảm 6,12 điểm (0,4%), xuống còn 1457,64 điểm. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 50,56 điểm (0,4%), xuống ở mức 13238,73 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq tăng 2,14 điểm (0,1%), lên mức 2565 điểm, lại tiếp tục bước phục hồi lớn nhất trong năm.

Hôm 30/8, Phòng Thương mại cho biết, hoạt động kinh tế Mỹ đang được mở rộng trong quý 2, với tốc độ nhanh nhất trong hơn một năm sau khi các lĩnh vực xuất khẩu và chi tiêu cho sản xuất tăng mạnh. Các nhà kinh tế học nói rằng, từ giờ đến cuối năm, tăng trưởng sản phẩm quốc nội có thể chậm lại vì chi phí cho vay tăng lên.