07:30 03/06/2008

Chứng khoán thế giới: Cú “ngã nhào” của khối ngân hàng

Duy Cường

Ngày 2/6, chứng khoán châu Âu và Mỹ sụt giảm do những tin xấu từ khối ngân hàng trong khi giá dầu lại tiếp tục tăng

Các chỉ số chính của Mỹ đã tụt giảm trên 1% phiên giao dịch đầu tuần.
Các chỉ số chính của Mỹ đã tụt giảm trên 1% phiên giao dịch đầu tuần.
Ngày 2/6, chứng khoán châu Âu và Mỹ sụt giảm do những tin xấu từ khối ngân hàng trong khi giá dầu lại tiếp tục tăng.

Chứng khoán Mỹ: Tụt giảm vì khối ngân hàng

Phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thô giao tháng bảy tại New York Mercantile Exchange đã tăng thêm 41cent/thùng và đóng cửa ngày giao dịch ở mức 127,76 USD/thùng.

Thị trường chứng khoán Mỹ phiên giao dịch đầu tuần đã đảo chiều và không còn duy trì được sắc xanh của tuần trước. Kết thúc ngày giao dịch, các chỉ số chính của thị trường này đều giảm trên 1%.

Nguyên nhân của sự tụt giảm này xuất phát từ ba lý do, thứ nhất là thông tin về những bất ổn xảy ra với khối tài chính, ngân hàng ở châu Âu mà đỉnh điểm là sự tụt giảm 25% giá trị cổ phiếu của hãng Bradford & Bingley.

Thứ hai là Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của ba ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ là Lehman Brothers, Merrill Lynch, Morgan Stanley, khiến cổ phiếu của ba ngân hàng này giảm từ 2,55% đến 8,1%.

Tiếp theo thông tin ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ, Wachovia thông báo sa thải Tổng giám đốc điều hành (CEO) Ken Thompson do hoạt động kinh doanh của ngân hàng này bị thua lỗ trong mảng cho vay thế chấp.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 134,50 điểm, tương đương -1,06%, đóng cửa ở mức 12.503,80.

Chỉ số Nasdaq phiên này giảm 31,13 điểm, tương ứng -1,23%, kết thúc ngày giao dịch ở mức 2.491,53.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 14,71 điểm, tương đương -1,05%, đóng cửa ở mức 1.385,67.

Chứng khoán châu Âu: Cú “ngã nhào” của khối ngân hàng

Giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn như hiện nay, đồng Euro được coi là một kênh đầu tư an toàn. Và đối với các quan chức châu Âu, trong đó có Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean Claude-Trichet, sự ổn định của Euro chính là thành tựu lớn nhất của ECB trong 10 năm qua (1/6/1998 – 1/6/2008).

Đó là đôi nét điểm qua nhân kỷ niệm 10 năm đồng Euro ra đời và hiện được sử dụng tại 15 quốc gia với tổng dân số 320 triệu người tại châu Âu.

Chứng khoán châu Âu có phiên giao dịch đầu tuần thiếu may mắn khi cổ phiếu khối tài chính, ngân hàng đã “ngã nhào”. Điển hình là cổ phiếu của hãng Bradford & Bingley, một hãng cho vay thế chấp lớn ở Anh, đã tụt giảm 25% do lo ngại sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tín dụng. Tiếp theo là sự tụt giảm 10% của HBOS và 3,3% của UBS…

Cổ phiếu của ngành ôtô cũng có mức tụt giảm mạnh trong phiên giao dịch này khi mất 2,2% giá trị, trong đó cổ phiếu của nhà xuất ôtô Italia, Fiat giảm 3,5%, Michelin và Continental cùng giảm gần 5%.

Sự tụt giảm của khối ngân hàng, tài chính và ôtô…đã đẩy chứng khoán châu Âu ngập trong màu đỏ.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh phiên này tiếp tục giảm 45,90 điểm, tương đương -0,76%, đóng cửa ở mức 6.007,60, khối lượng giao dịch đạt 2,07 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này giảm 1,24%, khối lượng giao dịch đạt 4,28 tỷ cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp phiên giao dịch đầu tuần giảm 1,58%, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 134 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Màu xanh áp đảo

Chứng khoán châu Á phiên giao dịch đầu tuần tiếp tục khởi sắc ở gần hết các thị trường trong khi sự trùng lặp nhẫu nhiên đã xảy ra với hai chỉ số Taiwan Weighted và Hang Seng khi có cùng mức tăng 1,22%.

Chứng khoán Nhật tiếp tục tiến bước phiên giao dịch đầu tuần nhờ sự tăng điểm mạnh mẽ đến từ khối ngân hàng. Cụ thể, Mizuho Financial kết thúc ngày giao dịch tăng 6,7%, Mitsubishi UFJ Financial Group tăng 4,7%, trong khi đó ngân hàng lớn thứ ba Nhật, Sumitomo Mitsui Financial Group tăng 4,4%. Bên cạnh đó là sự khởi sắc của các nhà xuất khẩu lớn như Sony và Toyota do đồng Yên giảm giá so với USD.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 101,60 điểm, tương đương 0,71%, đóng cửa ở mức 14.440,14.

Điểm qua thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng phiên giao dịch đầu tuần tiếp tục duy trì sắc xanh với biên độ tăng 1,22%. Các cổ phiếu của ngành điện, dầu khí, viễn thông là động lực thúc đẩy thị trường đi lên.

Điểm qua các thị trường khác, chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên giao dịch đầu tuần tăng 1,22%. Chỉ số Straits Times của Singapore phiên giao dịch này giảm 0,28%. Chỉ số KOSPI Composite của Hàn Quốc giảm 0,24%.

Liên quan đến thương vụ có giá trị hàng tỷ USD ở Trung Quốc, hãng China Telecom và công ty mẹ của họ vừa đạt được thỏa thuận mua lại mạng lưới hạ tầng CDMA của tập đoàn China Unicom với giá lên đến 100 tỷ Nhân dân tệ (14 tỷ USD).

Chứng khoán Trung Quốc phiên giao dịch đầu tuần tiếp tục đà tăng điểm bất chấp những thông tin không chính thức về khả năng tăng giá điện và xăng dầu. Sự tăng điểm trên 5% của tập đoàn sản xuất điện Huaneng Power và hơn 2% hãng về dầu khí Sinopec đã thúc đẩy và giúp thị trường duy trì gam màu xanh của tuần trước.

Tuy nhiên, giới quan sát vẫn nhận định rằng, khả năng tăng giá năng lượng trong bối cảnh lạm phát leo thang và hiện ở mức cao nhất trong vòng 11 năm qua là chưa rõ ràng và khó có khả năng xảy ra. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,75%. 
     
Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 12.638,32 12.503,80 -134,50  -1,06
Nasdaq 2.522,66 2,491,53  -31,13 -1,23
S&P 500 1.400,38 1,385,67 -14,71  -1,05
Anh FTSE 100 6.053,50 6.007,60  -45,90 -0,76
Đức DAX 7.096,79 7.008,77  -88,02 -1,24
Pháp CAC 40 5.014,28 4.935,21  -79,07 -1,58
Đài Loan Taiwan Weighted 8.619,08 8.724,47 +105,39 +1,22
Nhật Nikkei 225 14.338,54 14.440,14 +101,60 +0,71
Hồng Kông Hang Seng 24.533,12 24.831,36  +298,24  +1,22
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.852,02 1.847,53 -4,49 -0,24
Singapore Straits Times 3.192,62 3.183,83 -8,79 -0,28
Trung Quốc Shanghai Composite 3.433,35 3.459,04 +25,69 +0,75
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg