07:50 17/05/2008

Chứng khoán thế giới: Ghi nhận nhiều niềm vui

Duy Cường

Ngày 16/5, chứng khoán thế giới đánh dấu một tuần lễ nhiều màu xanh, trong khi giá dầu thô đã ghi kỷ lục mới

Dù có phiên giao dịch cuối tuần ảm đạm, nhưng các chỉ số chứng khoán Mỹ lại tăng 1,89% đến 3,41% so với tuần trước.
Dù có phiên giao dịch cuối tuần ảm đạm, nhưng các chỉ số chứng khoán Mỹ lại tăng 1,89% đến 3,41% so với tuần trước.
Ngày 16/5, chứng khoán thế giới đánh dấu một tuần lễ nhiều màu xanh, trong khi giá dầu thô đã ghi kỷ lục mới.

Chứng khoán châu Á: 1.888,88 điểm, con số may mắn của Hàn Quốc


Phiên giao dịch cuối tuần, chứng khoán châu Á vẫn tiếp tục duy trì gam màu xanh trên hầu hết các bảng điện tử trong khi chứng khoán Nhật giảm điểm bất chấp thông tin khả quan về tăng trưởng kinh tế.

Một thực tế khiến giới đầu tư vui mừng đó là chứng khoán châu Á đã trải qua một tuần không thể tốt hơn, các chỉ số của chứng khoán Nhật, Đài Loan ghi nhận mức tăng trên 4% trong khi dù gặp phải thiên tai động đất gây hậu quả khôn lường và khiến 66 công ty phải tạm dừng giao dịch một ngày nhưng chứng khoán Trung Quốc vẫn tăng điểm so với tuần trước.

Tuần này, thị trường Nhật đón nhận nhiều thông tin tốt lành khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt trên mong đợi và sự tăng điểm mạnh mẽ của chỉ số Nikkei 225.

Liên quan đến tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thông tin từ Chính phủ Nhật cho hay, tăng trưởng GDP của nước này từ tháng 3/2007 đến tháng 3/2008 đạt 3,3%, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP của quý 1/2008 đạt 0,8%, tăng 0,2% so với dự báo trước đó của giới phân tích.

Động lực giúp kinh tế Nhật tăng cao hơn mong đợi là do xuất khẩu tăng mạnh và tiêu dùng trong nước tăng 1,1%. Theo giới phân tích, với mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng này có thể sẽ củng cố thêm niềm tin cho thị trường và chứng khoán Nhật lại tiếp tục có những bước tiến mới.

Bên cạnh thông tin tích cực đến từ tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2008, chứng khoán Nhật cũng đã lấy lại được sự thăng bằng khi trong tuần qua đã có bốn phiên tăng điểm liên tiếp và hiện đang ở mức cao nhất trong vòng bốn tháng qua.

Sau bốn phiên tăng điểm liên tiếp đầu tuần, chỉ số Nikkei 225 phiên này đã đảo chiều và giảm 32,26 điểm, tương đương -0,23%, đóng cửa ở mức 14.219,48, tăng 4,13% so với tuần trước.

Chuyển qua thị trường chứng khoán Hồng Kông, sau hai phiên giảm điểm liên tiếp trước đó, chỉ số Hang Seng phiên này đã tăng điểm trở lại với mức tăng 0,41%, đồng thời khép lại một tuần thành công khi tăng 2,22% so với tuần trước.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này tăng 0,44%, đây là chỉ số duy nhất có năm phiên tăng điểm trong tuần và hiện tăng 4,6% so với tuần trước.

Chỉ số Straits Times của Singapore phiên giao dịch hôm thứ sáu tăng 1,06%, cao hơn 2,51% so với tuần trước đó.

Chỉ số KOSPI Composite Hàn Quốc phiên này tăng 0,17% và tăng 3,57% so với tuần trước. Đáng chú ý, chỉ số này phiên giao dịch cuối tuần đã đóng cửa ở mức 1.888,88 điểm, đây được coi là con số “may mắn” đối với đa số người châu Á.

Liên quan đến thị trường Trung Quốc, trong tuần qua, nhiều thông tin bất lợi cho thị trường chứng khoán, đầu tiên là thông tin lạm phát trong tháng tư tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái và Ngân hàng Trung ương nước này quyết định tăng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại từ 16% lên 16,5%.

Kế đến, trận động đất xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên đã gây ra những hậu quả khôn lường và được dự báo sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng tới kinh tế nước này trong thời gian tới.

Không dừng lại đó, thông tin khác cũng đang gây nên những quan ngại trong giới đầu tư khi ngày 16/5, 13,2 tỷ cổ phiếu hạng A trong ngân hàng chính thức được phép đưa vào giao dịch, điều này sẽ tạo thêm lượng cung lớn đối với thị trường.

Theo giới phân tích nhận định, việc khối lượng cổ phiếu này sẽ có những tác động mạnh đối với thị trường trong thời gian tới. Và mốc 4.000 điểm mà nhiều nhà phân tích đã dự báo sau khi Chính phủ Trung Quốc ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường, có vẻ như vẫn khó có thể đạt được trong bối cảnh hiện nay.

Nhưng bất chấp những khó khăn trong tuần qua, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc vẫn tăng 0,29% so với tuần trước dù phiên giao dịch cuối tuần chỉ số này giảm 0,36%.

Chứng khoán châu Âu: Tuần lễ xanh

Thông tin từ hãng vận tải hàng không lớn thứ ba châu Âu, British Airways cho hay, trong năm tài chính 2007, kết thúc vào ngày 31/3/2008 lợi nhuận sau thuế của hãng đạt 680 triệu Bảng, tương đương 58,6 pence/cổ phiếu, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Sau thông tin này, giá cổ phiếu của hãng đã tăng gần 10%.

Thông tin trên cùng với đà tăng mạnh của cổ phiếu ngành năng lượng và dược phẩm đã đưa chứng khoán châu Âu đi lên bất chấp khối ngân hàng đang chịu nhiều sức ép và số liệu về lòng tin người tiêu dùng Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 28 năm qua.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 52,50 điểm, tương đương 0,84%, đóng cửa ở mức 6.304,30, tăng 1,60% so với tuần trước, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 2,21 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức tăng 1,07%, tăng 2,19% so với tuần trước, khối lượng giao dịch phiên này đạt 4,29 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số CAC 40 của Pháp phiên này tăng 0,41%, cao hơn 2,36% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 169 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán Mỹ: Khép lại một tuần ấn tượng

Lòng tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 28 năm qua trong khi những dự đoán lạm phát trong ngắn hạn của nước này sẽ lên mức cao nhất kể từ thời kỳ lạm phát tăng cao (stagflationary - Tình trạng lạm phát tiền tệ mà không có tăng nhu cầu và công ăn việc làm một cách tương ứng trong kinh doanh) vào những năm đầu 1980.

Cụ thể, một cuộc điều tra giữa hãng truyền thông Reuters và Đại học Michigan đã chỉ ra rằng, chỉ số lòng tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức 59,5 trong tháng năm, giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/1980.

Trong khi đó, dự báo về lạm phát ở Mỹ tăng từ 4,8% trong tháng tư lên 5,2% trong tháng năm so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức cao nhất kể từ tháng 2/1982

Ngân hàng Goldman Sachs vừa nâng dự báo về giá dầu ở Mỹ lên 141 USD/thùng trong sáu tháng cuối năm 2008. Trước đó, các chuyên gia ngân hàng này đã nhận định giá dầu thô tại Mỹ sẽ tăng lên 150 đến 200 USD/thùng trong vòng 2 năm tới.

Lý giải cho nhận định của mình, các chuyên gia của ngân này nhận định rằng “việc thắt chặt nguồn cung tiếp tục nguyên nhân chính dẫn đến giá dầu tăng” và rằng “viễn cảnh trong ngắn hạn đối với giá dầu sẽ tiếp tục tăng”.

Liên quan đến giá dầu, phiên giao dịch cuối tuần qua tại New York Mercantile Exchange, giá dầu đã ghi kỷ lục mới khi có lúc tăng lên 127,82 USD/thùng trước khi đóng cửa ở mức 126,29 USD/thùng.

Những thông tin về lòng tin người tiêu dùng Mỹ xuống thấp, giá dầu ghi kỷ lục mới khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm trên hai chỉ số Dow Jones và Nasdaq.

Dù có phiên giao dịch cuối tuần ảm đạm, nhưng chứng khoán Mỹ lại có một tuần giao dịch thành công khi các chỉ số đều đóng cửa ở mức cao hơn tuần trước từ 1,89% đến 3,41%.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 5,86 điểm, tương đương -0,05%, đóng cửa ở mức 12.986,80, tăng 1,89% so với tuần trước và giảm 2,10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số Nasdaq phiên này giảm 4,88 điểm, tương ứng 0,19%, đóng cửa ở mức 2.528,85, cao hơn 3,41% so với tuần trước và giảm 4,65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tăng 1,78 điểm, tương đương 0,13%, đóng cửa ở mức 1.425,35, tăng 2,67% so với tuần trước và thấp hơn 2,93% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tuần qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho rằng, thị trường tài chính Mỹ hiện vẫn duy trì sự không ổn định và Ngân hàng Trung ương sẽ tăng các đợt đấu giá cho các ngân hàng thương mại vay tiền mặt nếu thấy cần thiết, đồng thời ông cũng thúc dục các ngân hàng nên tăng vốn nếu thấy cần thiết cho hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều thông tin gây nên những quan ngại đã được công bố như: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng tư tăng cao; số nhà bị tịch biên để trả nợ tăng cao; giá nhà lại tiếp tục giảm xuống và giá dầu thô đã lập kỷ lục mới, gần 128 USD/thùng. 

Một số chỉ tiêu kinh tế Mỹ được công bố trong tuần qua:

+ Doanh thu bán lẻ giảm 0,2%
+ Doanh thu bán lẻ bao gồm cả doanh thu ôtô tăng 0,5%
+ Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,2%
+ Giá lương thực - thực phẩm và năng lượng tăng 0,1%
+ Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp là 371.000 người
+ Sản xuất công nghiệp giảm 0,7%
+ Số nhà mới được khởi công đạt 1.032.000 đơn vị


Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 12.992,66 12.986,80  -5,86 -0,05
Nasdaq 2.533,73 2.528,85  -4,88 -0,19
S&P 500 1.423,57 1.425,35  +1,78 +0,13
Anh FTSE 100 6.251,80 6.304,30 +52,50 +0,84
Đức DAX 7.081,05 7.156,55  +75,50 +1,07
Pháp CAC 40 5.057,51 5.078,04  +20,53 +0,41
Đài Loan Taiwan Weighted 9.157,18 9.197,41 +40,23 +0,44
Nhật Nikkei 225 14.251,74  14.219,48 -32,26 -0,23
Hồng Kông Hang Seng 25.513,71 25.618,86 +105,15 +0,41
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.885,71 1.888,88 +3,17 +0,17
Singapore Straits Times 3.211,62 3.241,49 +34,06 +1,06
Trung Quốc Shanghai Composite 3.637,32 3,624.23 -13,09 -0,36
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg