Chứng khoán thế giới: Khép lại tuần "đẹp như mơ"
Ngày 4/4, chứng khoán thế giới kết thúc tuần giao dịch thành công ngoài mong đợi. Liệu niềm vui sẽ lại đến trong tuần tới?
Ngày 4/4, chứng khoán thế giới kết thúc tuần giao dịch thành công ngoài mong đợi. Liệu niềm vui sẽ lại đến trong tuần tới? Chỉ số
Chứng khoán châu Á: Một tuần thành công
Chứng khoán châu Á có phiên điều chỉnh giảm sau khi đã tăng ấn tượng trong các phiên trước đó.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan đều nghỉ Tết Thanh Minh. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư ở các thị trường này tin rằng những phiên tăng điểm trước đó sẽ mang lại ngày Tết bình an cho họ.
Chứng khoán Nhật đã có phiên giảm điểm sau khi tăng ba phiên liên tiếp. Nguyên nhân của giảm điểm dược cho là các nhà đầu tư đã tranh thủ bán ra kiếm tìm khoản lợi nhuận ngắn hạn.
Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 giảm 96,68 điểm, tương ứng với 0,72%, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ở mức 13,293.22.
Dù giảm điểm trong phiên này nhưng trong tuần qua, chỉ số này tăng 4 phiên với mức tăng 3,7% và nhiều người tin tưởng rằng “đáy” đã được thiết lập vào ngày 17/3 khi chỉ số Nikkei 225 đóng cửa ở mức 13,293.22.
Chuyển qua thị trường chứng khoán Hàn Quốc, chỉ số KOSPI Composite đã có phiên giằng co giữa màu xanh - đỏ và đã kết thúc bằng sự tăng điểm. Trong phiên này, chỉ số KOSPI Composite đã tăng 0,16%, như vậy so với tuần trước chỉ số này đã tăng 3,8%.
Cuối cùng, chỉ số Straits Times của Singapore đã “theo gót” chứng khoán Nhật khi giảm 0.50%.
Như vậy, trong tuần từ 31/3-4/4, chứng khoán châu Á đã tăng điểm ấn tượng và hơn thế nữa nó đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư sau chuỗi ngày đầy khó khăn.
Chứng khoán châu Âu: Một tuần “hú vía”
Chứng khoán châu Âu đã tăng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần, nguyên nhân do sự tăng điểm mạnh của ngành khai mỏ và ngân hàng UBS. Tuy nhiên mức tăng không cao do có những lo ngại về tình trạng thất nghiệp ở Mỹ sẽ kéo theo nhiều nghi ngại khác về kinh tế nước này.
Dù vậy, đây là tuần được coi là thành công nhiều hơn mong đợi đối với các chỉ số chứng khoán cũng như lòng tin nhà đầu tư, nhất là sau khoảng khắc “hú vía” với ngân hàng UBS của Thuỵ Sỹ - kết thúc tuần giao dịch, các chỉ số chính đều tăng gần 4%.
Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 55,80 điểm, tương đương 0,95%, đóng cửa ở mức 5.947,10. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 3,14 tỷ cổ phiếu.
Chuyển qua thị trường chứng khoán Đức, chỉ số DAX tăng điểm trở lại với mức tăng 21,67 điểm, tương ứng với 0,32%, đóng cửa ở mức 6.763,39. Khối lượng giao dịch vẫn tiếp tục ổn định với 4,3 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh.
Chỉ số CAC 40 của Pháp có phiên tăng điểm vào ngày giao dịch cuối tuần, kết thúc ngày giao dịch chỉ số này tăng 0,27%, khối lượng giao dịch đạt 154 triệu cổ phiếu.
Chứng khoán Mỹ: Một tuần hạnh phúc
Bộ Lao động Mỹ thông báo, có 80.000 người mất việc làm trong tháng 3, tăng 20.000 so với dự báo trước đó, điều này tiếp tục gia tăng những quan ngại về tình hình kinh tế.
Trong khi đó, giá dầu thô tại New York đã tăng lên 106,17 USD/thùng. Như vậy so với đầu năm, giá dầu đã tăng lên 11% và tăng 65% so với tháng 4 năm ngoái.
Dù chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ nhưng hai chỉ số Nasdaq và S&P500 tăng điểm. Nhưng quan trọng hơn cả, trong tuần qua các chỉ số đã tăng ngoài mong đợi với mức tăng trên 3%.
Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 16,61 điểm, tương đương -0,13%, đóng cửa ở mức 12.609,42. Như vậy so với tuần trước, chỉ số này tăng 3,22%.
Chỉ số Nasdaq tăng nhẹ với mức tăng 7,68 điểm, tương ứng với 0,32%, đóng ở mức 2.370,98. Như vậy, so với tuần trước chỉ số này tăng cao nhất trong 3 chỉ số với mức tăng 4,86%.
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tăng 1,09 điểm, tương đương 0,08%, đóng cửa cuối ngày giao dịch ở mức 1.370,40- tăng 4,20% so với tuần trước.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng tín dụng Mỹ, Lehman Brothers Inc đưa ra dự báo đến cuối năm 2008, các tổ chức tài chính thế giới sẽ phải bơm vào khoảng 400 tỷ USD để giải quyết các khoản nợ xấu.
Trong khi đó, theo ước tính của Goldman Sachs, tổng thiệt hại của lĩnh vực tín dụng trên toàn cầu lên tới 1,2 nghìn tỷ USD, nhưng các ngân hàng, quỹ đầu tư, hãng cho vay thế chấp… của Mỹ bị thiệt hại lớn nhất.
Chuyển qua tin tức đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, thông tin cho biết Microsoft tiếp tục theo đuổi thương vụ mua lại Yahoo với việc vừa đưa ra mức chào mua 31 USD/cổ phiếu. Microsoft tin tưởng rằng, cửa sổ cơ hội đang mở ra với họ.
Cuối cùng, dù tuần này các chỉ số đã tăng ấn tượng, tuy nhiên theo giới phân tích, tuần sau sẽ hứa hẹn nhiều sự thay đổi khi hàng loạt thông tin về công bố lợi nhuận của nhiều hãng, lĩnh vực tính dụng cho tiêu dùng, chi tiêu ngân sách Mỹ... dự kiến sẽ công bố sẽ có thể làm "đổi thay" tình hình sau một tuần đáng nhớ này.
Thị trường
Phiên trước
Đóng cửa
Tăng / giảm (điểm)
Tăng / giảm (%)
Mỹ
Dow Jones
12.626,03
12.609,42
-16,61
-0,13
Nasdaq
3.363,30
2.370,98
+7,68
+0,32
S&P 500
1.369,31
1.370,40
+1,09
+0,08
Anh
FTSE 100
5.891,30
5.947,10
+55,80
+0,95
Đức
DAX
6.741,72
6.763,39
+21,67
+0,32
Pháp
CAC 40
4.887,87
4.900,88
+13,01
+0,27
Đài Loan
Taiwan Weighted
8.596,34
N/A
N/A
N/A
Nhật
Nikkei 225
13.389,90
13.293,22
-96,68
-0,72
Hồng Kông
Hang Seng
24.264,63
N/A
N/A
N/A
Hàn Quốc
KOSPI Composite
1.763,63
1.766,49
+2,86
+0,16
Singapore
Straits Times
3.344,53
3.155,56
-15,99
-0,50
Trung Quốc
Shanghai Composite
3.446,24
N/A
N/A
N/A