08:00 21/06/2008

Chứng khoán thế giới: Phố Wall trong cơn “biến loạn”

Duy Cường

Ngày 20/6, chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ và sự lo lắng khi chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái

Chứng khoán Mỹ đã sụt giảm gần 2% trong phiên này, gần 4% trong tuần này và hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chứng khoán Mỹ đã sụt giảm gần 2% trong phiên này, gần 4% trong tuần này và hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 20/6, chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ và sự lo lắng khi chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chứng khoán Mỹ: Phố Wall trong cơn “biến loạn”


Lần đầu tiên trong năm, chỉ số S&P 500 và Dow Jones mất 10%, chỉ số Dow Jones tụt mốc 12.000 điểm, cổ phiếu khối ngân hàng bị bán tháo do lo ngại một làn sóng bơm thêm vốn cho các khoản lỗ và thậm chí cổ phiếu của hai đại gia ngành chế tạo ôtô là GM và Ford cũng nằm trong đợt sóng “biến loạn” này.

Nhiều người đang tự hỏi, tại sao lại có tình cảnh này? khi mà giới phân tích đều nhận định khủng hoảng tín dụng, nhà đất đã đi qua và thực tế có lúc chứng khoán Mỹ chỉ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 2-3%. Nhưng nay thì mọi chuyện đã thay đổi, thay đổi cả về mức sụt giảm của chứng khoán và thay đổi cả tâm trạng “ổn định” sang “tiêu cực” của giới đầu tư.

Cơn “biến loạn” này được Merrill Lynch khơi dậy khi đưa ra nhận định cắt giảm viễn cảnh lợi nhuận và sự cần thiết phải tăng thêm vốn ở các ngân hàng Bank of America, Regions Financial, SunTrust Banks và Wachovia Corp. Kết thúc ngày giao dịch, khối ngân hàng mất hơn 2% và giảm 4,76% so với tuần trước.

Tiếp đến là đà sụt giảm trong đợt bán tháo cổ phiếu của hai nhà sản xuất ôtô lớn nhất nhước Mỹ là GM và Ford sau khi Tổ chức Standard & Poor's cắt giảm xếp hạng tín nhiệm hai hãng này. Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu của GM và Ford giảm lần lượt là 6,76% và 8,07%.

Hôm thứ Sáu, Moody's đã hạ xếp hạng đối với hai nhà bảo hiểm trái phiếu lớn nhất Mỹ và thế giới là Ambac Financial Group và MBIA do lo ngại về khả năng suy yếu có thể sẽ dẫn đến việc tăng vốn bù lỗ các hoạt động kinh doanh.

Moody's cho biết, chi phí cao để thâm nhập các thị trường nợ đã tạo ra thách thức buộc hai hãng này phải tăng thêm vốn. Bên cạnh đó, viễn cảnh đối với hai công ty này là thiếu ổn định do sự không chắc chắn trong kế hoạch kinh doanh sắp tới của họ trong vòng 12 đến 18 tháng tới.

Ngay sau thông tin này, cổ phiếu của Ambac Financial Group tăng 0,99% trong khi cổ phiếu của MBIA giảm 13,33%.

Phố Wall ngày giao dịch này đã sụt giảm mạnh với sắc đỏ ngập tràn và kéo theo các chỉ số chứng khoán sụt giảm gần 2% của phiên này và gần 4% trong tuần này. Đây được xem là tuần tồi tệ và đáng thất vọng nhất trong năm nay.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 220,40 điểm, tương đương -1,83%, đóng cửa ở mức 11.842,69, giảm 3,78% so với tuần trước và thấp hơn 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số Nasdaq phiên này giảm 55,97 điểm, tương ứng -2,27%, kết thúc ngày giao dịch ở mức 2.406,09, giảm 1,97% so với tuần trước và thấp hơn 9,28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 24,96 điểm, tương đương -1,86%, đóng cửa ở mức 1.317,87, mất 3,10% giá trị so với tuần trước và giảm 10,25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, giá dầu thô giao tháng Bảy tại NYMEX trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu tăng 2,69 USD/thùng, tương đương 2,04%, đóng cửa ngày giao dịch ở mức 134,62 USD/thùng.

Một số số liệu thống kê kinh tế Mỹ:

* Chỉ số giá sản xuất hay chỉ số giá bán của người sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng Năm đã tăng 1,4%.

* Chỉ số PPI cơ bản (lõi) – không bao gồm lương thực – thực phẩm và giá dầu tăng 0,2%.

* Sản xuất công nghiệp giảm 0,2%

* Số nhà mới được khởi công đã giảm 3,3%

* Số đơn xin phép được xây nhà mới đã giảm 1,3% trong tháng Năm

* Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu là 381.000


Chứng khoán châu Âu: Xuống mức thấp nhất trong 14 tuần qua

Chứng khoán châu Âu phiên giao dịch hôm thứ Sáu tiếp tục có ngày giảm điểm thứ ba liên tiếp trong tuần và đưa các chỉ số chính xuống mức thấp nhất kể từ ngày 17/3 năm nay.

Những lo lắng về những tác động xấu trong lĩnh vực tài chính, giá dầu tăng cao và lạm phát gia tăng tiếp tục là nguyên nhân cơ bản cản bước thị trường chứng khoán.

Khác với hai phiên giảm điểm trước đó, phiên giao dịch này biên độ giảm đã lớn hơn và kéo các chỉ số chính xuống thấp hơn so với tuần trước xấp xỉ 3%.

Cổ phiếu của những tập đoàn tài chính mất điểm mạnh phiên giao dịch cuối tuần này gồm Dutch-Belgian financial group Fortis giảm 4,8%, nhà cho vay thế chấp ở Anh HBOS giảm 4,2%, ngân hàng Thụy Sỹ UBS giảm 3,3% và ngân hàng của Đức Deutsche Bank giảm 3,1%

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh phiên này tiếp tục giảm 87,60 điểm, tương đương -1,53%, đóng cửa ở mức 5.620,80, giảm 3,13% so với tuần trước, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 2,97 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này giảm 2,12% và thấp hơn 2,76% giá trị so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 4,29 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,79% và thấp hơn tuần trước 3,69% giá trị, khối lượng giao dịch phiên này đạt 279 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Thêm một tuần mất điểm

Chứng khoán châu Á tiếp tục có ngày giao dịch đỏ lửa trong khi chứng khoán Trung Quốc một mình tăng điểm mạnh bất chấp quyết định tăng giá bản lẻ xăng dầu.

Như vậy, so với tuần trước, phần lớn các chỉ số chứng khoán trong tuần này đều giảm điểm và đều phủ sắc đỏ trên các bảng điện tử trong ngày giao dịch cuối tuần đầy thất vọng này.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch hôm thứ Sáu đã tiếp tục giảm điểm, sự khác biệt của phiên này chính là biên độ giảm thấp hơn phiên trước đó.

Những ngày giảm điểm gần đây do giới đầu tư quyết định hiện thực hóa lợi nhuận các khoản đầu tư từ tháng Tư và tháng Năm vì tính đến nay, họ đã có được khoản lợi nhuận kỳ vọng.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của một số nhà xuất khẩu như Kyocera Corp, Sony giảm hơn 2%. Đáng chú ý hơn cả là mức giảm 3,7% của cổ phiếu hãng thăm dò dầu khí hàng đầu Nhật, Inpex Holdings.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 188,09 điểm, tương đương 1,33%, đóng cửa ở mức 13.942,08, giảm 0,22% so với tuần trước.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông cũng cùng chung sắc đỏ với các thị trường khác bất chấp đà tăng của chứng khoán Đại lục. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ sống Hang Seng giảm 0,23%, đóng cửa ở mức 22.592,30, tăng 0,6% so với tuần trước.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan giảm 1,81%, thấp hơn 2,5% giá trị so với tuần trước.

Chỉ số Straits Times của Singapore phiên này tăng 0,65% và tăng 1,09% so với tuần trước.

Chỉ số KOSPI Composite của Hàn Quốc phiên này tiếp tục giảm 0,56%, thấp hơn tuần trước 0,09% so với tuần trước.

Thông tin từ Trung Quốc cho hay, Chính phủ nước này bất ngờ ra quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu thêm 18%. Mục đích của động thái này là nhằm hạn chế nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước, bất chấp những rủi ro lạm phát leo thang.

Ngay sau khi tin tức này được loan báo, sức nóng của nó đã lan tỏa đến các sàn chứng khoán. Cổ phiếu của hãng dầu và lọc dầu là PetroChina (PTR) và Sinopec (SHI) tại thị trường Mỹ đã tăng lần lượt tăng 4,43% và 2,89%.

Trong khi đó, tại thị trường Thượng Hải, cổ phiếu của PetroChina, vốn có sức ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường này đã tăng gần 5% và giúp chỉ số Shanghai Composite tăng 3,01% sau khi mất hơn 6% giá trị phiên trước đó.

Như vậy với ba phiên tăng điểm và hai ngày giảm điểm trong tuần, chỉ số này đã giảm 1,29% so với tuần trước. 
 
Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 12.063,09 11.842,69 -220,40  -1,83
Nasdaq 2.426,06 2.406,09  -55,97 -2,27
S&P 500 1.342,83 1.317,93  -24,90 -1,85
Anh FTSE 100 5.708,40 5.620,80  -87,60  -1,53
Đức DAX 6.721,17 6.578,44 -142,73  -2,12
Pháp CAC 40 4.591,39 4.509,27  -82,12 -1,79
Đài Loan Taiwan Weighted 8.047,74 7.902,44 -145,30 -1,81
Nhật Nikkei 225 14.130,17 13.942,08  -188,09 -1,33
Hồng Kông Hang Seng 22.797,61 22.745,60  -52,01 -0,23
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.740,72 1.731,00 -9,72 -0,56
Singapore Straits Times 2.992,66 3.012,23 +19,57  +0,65
Trung Quốc Shanghai Composite 2.748,87 2.831,74 +82,86 +3,01
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg