10:50 11/12/2024

Chứng khoán thiếu hàng “chất” do doanh nghiệp tư nhân chưa đủ mạnh?

Tuệ Lâm

Mặc dù việc nâng hạng là quan trọng nhưng để thu hút dòng vốn đầu tư bền vững thì một yếu tố không kém phần quan trọng khác là thị trường cần có thêm những doanh nghiệp chất lượng... 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chỉ còn ít ngày nữa là chính thức khép lại năm 2024, một năm đầy cung bậc cảm xúc với nền kinh tế Việt Nam. Và dù còn phải đối mặt với những khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực, là điểm sáng trong khu vực và được tổ chức xếp hạng FTSE Russell đánh giá là có nhiều triển vọng được nâng hạng vào năm 2025.

DOANH NGHIỆP CHẤT LƯỢNG CHƯA NHIỀU

Giới chuyên môn đánh giá, mặc dù việc nâng hạng là quan trọng nhưng để thu hút dòng vốn đầu tư bền vững thì một yếu tố không kém phần quan trọng khác là thị trường cần có thêm những doanh nghiệp chất lượng. 

Trao đổi trong talk show Phố tài chính mới đây, bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó Giám đốc Điều hành, Tập đoàn VinaCapital, đánh giá hoạt động đầu tư tư nhân tại Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, qua đó tạo ra các doanh nghiệp chất lượng và có quy mô lớn. Và khi các doanh nghiệp này được niêm yết trên thị trường chứng khoán, sẽ tạo ra cho thị trường một lượng hàng hóa có chất lượng, góp phần tăng quy mô cho thị trường. 

Theo đánh giá của bà Phương, hoạt động đầu tư tư nhân trong gần một năm vừa qua chưa thật sự sôi động, việc này thể hiện qua số lượng giao dịch M&A trong 9 tháng vừa qua là rất ít.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó trước hết phải kể đến tâm lý người tiêu dùng vẫn còn hạn chế và sự bất ổn về khía cạnh địa chính trị trên toàn thế giới, dẫn đến tâm lý chung của các nhà đầu tư nước ngoài và trong khu vực vẫn còn rất thận trọng.

Bên cạnh đó, theo ước tính của bộ phận nghiên cứu của VinaCapital, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của các doanh nghiệp năm 2024 so với năm 2023 là khá khiêm tốn, đạt quanh mức 8%, có thể là một lý do làm giảm sự hấp dẫn của giao dịch trong mắt cả nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, điều này không chỉ thể hiện ở các giao dịch trong hoạt động đầu tư tư nhân mà còn thể hiện đúng với các doanh nghiệp niêm yết đang có kế hoạch chào bán cổ phần.

Bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó Giám đốc Điều hành, Tập đoàn VinaCapital.
Bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó Giám đốc Điều hành, Tập đoàn VinaCapital.

Yếu tố thứ ba là số lượng doanh nghiệp tư nhân thực sự chất lượng và có quy mô vừa và lớn chưa nhiều. Trong 9 tháng qua, VinaCapital đã xem xét và phân tích rất nhiều cơ hội chào bán doanh nghiệp, bao gồm việc doanh nghiệp tư nhân chào bán cổ phần chi phối, huy động vốn bằng việc chào bán cổ phần thiểu số, các khoản vay chuyển đổi thành cổ phần…trong rất nhiều lĩnh vực. Song, đa số các doanh nghiệp này ở quy mô rất rất nhỏ, hoặc là doanh nghiệp start up, hoặc hoạt động trong mảng công nghệ.

Tuy nhiên, đây chỉ là bước chững lại mang tính ngắn hạn, nhìn chung các nhà đầu tư quốc tế và khu vực vẫn rất quan tâm đến các cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Các quỹ và cả nhà đầu tư chiến lược đến từ Singapore, Thái Lan, Châu Âu, Mỹ, Nhật… đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.

NGUYÊN NHÂN CHÍNH DO ĐÂU?

Hoạt động đầu tư tư nhân tại Việt Nam có nhiều tiềm năng nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm với một số thách thức đáng lưu ý. Theo Phó Giám đốc Điều hành của VinaCapital, đầu tiên phải kể đến là tính minh bạch trong môi trường kinh doanh còn hạn chế, khiến các nhà đầu tư lo ngại về việc ra quyết định dựa trên thông tin chưa đầy đủ hoặc thiếu chính xác.

Các báo cáo tài chính và hoạt động kinh doanh của nhiều công ty, đặc biệt là các công ty tư nhân chưa niêm yết còn chưa được kiểm toán, hoặc chưa được kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán uy tín theo chuẩn quốc tế, dẫn đến rủi ro cho các nhà đầu tư khi đánh giá doanh nghiệp.

Ví dụ như các khoản nợ tiềm tàng không được phản ánh vào báo cáo tài chính, hoặc trong lợi nhuận của doanh nghiệp không phải tất cả đến từ hoạt động kinh doanh chính mà còn bao gồm lợi nhuận từ việc bán tài sản… Những điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư khi định giá công ty.

Thứ hai, liên quan đến việc vận hành, theo dõi và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn sau giải ngân, hầu hết các công ty tư nhân là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và vẫn đang trong quá trình chuẩn hóa các quy trình, hệ thống, điều này dẫn đến khả năng kéo dài thời gian thực hiện dự án và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Do đó, việc đầu tư vào các công ty tư nhân đòi hỏi một lực lượng chuyên viên có kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực để thực hiện các chiến lược và đáp ứng kì vọng của nhà đầu tư. 

Một thực trạng nữa là việc định giá doanh nghiệp, theo quan điểm của các nhà đầu tư là chưa hợp lý so với mức tăng trưởng kì vọng của doanh nghiệp đó trong 3-5 năm tới. Đa số các chủ doanh nghiệp đặt mức định giá kì vọng khá cao, dẫn đến việc khó chốt được deal. Để hạn chế việc này, các doanh nghiệp nên đi tìm các nhà tư vấn chuyên nghiệp để giúp họ có được cái nhìn rõ nét và chuẩn xác hơn về định giá doanh nghiệp, cũng góp phần cho việc chốt deal được nhanh chóng và thuận lợi.

Cuối cùng, việc đảm bảo các kế hoạch thoái vốn phù hợp với mục tiêu của người sáng lập và thời hạn phù hợp của nhà đầu tư có thể là một thách thức, do đó đòi hỏi phải duy trì giao tiếp hiệu quả giữa nhà đầu tư với người sáng lập.

"Nhìn chung, mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng môi trường đầu tư tư nhân tại Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện về minh bạch thông tin, thủ tục pháp lý, cơ sở hạ tầng, và nguồn nhân lực để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự bùng nổ đầu tư trong tương lai", bà Phương nhấn mạnh.