16:53 11/04/2007

Chứng khoán thử thách kiên nhẫn của nhà đầu tư

Chỉ đến khi càng mua càng thấy thị trường giảm giá, nhà đầu tư nội mới thấy mình đã "leo" quá cao

Diễn biến VN-Index trong một tháng trở lại đây.
Diễn biến VN-Index trong một tháng trở lại đây.
Trong lúc nhiều tuần thị trường liên tục giảm giá, mới đây ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, lại đưa ra khuyến cáo với các nhà đầu tư: "Thị trường mới bắt đầu điều chỉnh và sẽ điều chỉnh sâu".

Với khuyến cáo này, giới đầu tư kém vui vì cho đến lúc này, ít hay nhiều tất cả đều lỗ vào phần lãi và vì thế không ai muốn tin một sự thật: thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm!

Thị trường có giảm?

Nhìn lại giá của các cổ phiếu ở thời điểm cách đây 3 tháng, thời điểm chỉ số VN-Index mới đang ở ngưỡng 640,65 điểm (vào ngày 5/12/2006) sẽ thấy giá các mã cổ phiếu đã lên chóng mặt như thế nào.

Khi đó giá các cổ phiếu ở sàn Tp.HCM mới chỉ ở các mức như AGF = 106; BMP = 110; BBT = 13,2; ITA = 81; GMD = 135; REE = 107; SAM = 131; STB = 64...; sàn Hà Nội với các mã: ACB = 126; BCC = 20.2; ILC = 36; PPC = 38.7.

Và lúc này, mới hiểu "cái lý" trong câu nói của ông Trần Đắc Sinh rằng: "Không có lý gì khi từ đầu năm đến nay, thị trường không có gì biến động mà lại tạo ra lượng giao dịch đột biến như thế. Điều lạ nhất là bất kể ai mua cũng có lời".

Hơn nữa cho đến nay, các thông tin để nâng đỡ thị trường (thông tin lợi tức, chia cổ phiếu thưởng) đã hết. Các thông tin này ít nhiều đã được hé lộ từ thời điểm tháng 1/2006, thời điểm các nhà đầu tư đang hưng phấn cao độ nên sự cộng hưởng đó đã đẩy giá cổ phiếu tăng gấp đôi, vượt xa giá trị thật.

Theo ông Hoàng Thanh Tuấn, chuyên gia phân tích thuộc Công ty Chứng khoán SBS Hà Nội: "Về nguyên tắc tài chính, giá cả phải xoay quanh giá trị, khi giá cả đã vượt xa giá trị, thì buộc phải quay trở lại giá trị thật của nó".

Sự tăng - giảm giá hiện nay của thị trường chỉ là biểu hiện của các nhà đầu tư đang cơ cấu lại danh mục để giảm lỗ. Sức mua và giá trị giao dịch ngày càng giảm, cho thấy trong ngắn hạn thị trường không thể tạo ra đột biến tăng giá.

Người hưng phấn, kẻ chế ngự được xúc cảm

Đó là vào thời điểm Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC với các cam kết của các Tập đoàn tài chính nước ngoài sẽ đầu tư trên dưới 20 tỷ USD vào nền kinh tế Việt Nam, nền kinh tế được coi là điểm sáng mới của kinh tế thế giới.

Riêng với thị trường chứng khoán Việt Nam, việc Tổng thống Mỹ G. Bush khai trương phiên giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã khiến giới đầu tư đặc biệt quan tâm. Rồi sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO.

Báo chí ca ngợi tích cực đã tạo ra những suy nghĩ lạc quan về viễn cảnh sáng cho kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Tất cả những yếu tố đó đã khiến các nhà đầu tư nội "hào phóng" dốc vốn vào thị trường chứng khoán mà không cần phải nghĩ điều gì sẽ xảy ra.

Các nhà đầu tư ngoại, những người có cả nghiệp vụ và kinh nghiệm đã nhận ra sự biến động tất yếu này của thị trường và họ đã thi đua đầu tư với các nhà đầu tư nội khi thị trường lên. Rồi vẫn chính là họ nhận ra thời điểm của sự nguy hiểm, sự nóng của thị trường, nên lặng lẽ bán dần để không gây ra tín hiệu tháo chạy trên thị trường.

Chỉ đến khi càng mua càng thấy thị trường giảm giá, nhà đầu tư nội mới thấy mình đã "leo" quá cao.

Lòng kiên nhẫn có thể hết?

Nhà đầu tư nội chỉ khi đã ngồi trên đống hàng với giá cao, mới tĩnh tâm để tích lũy thêm một kinh nghiệm của các nhà đầu tư ngoại "họ mua khi ta bán, bán khi ta mua".

Cái sức gom cũng lại hết sức thủng thẳng, cốt sao để thị trường vẫn rơi nhưng từ từ, thi thoảng có tăng. Để các nhà đầu tư nội vẫn hy vọng thị trường có thể quay đầu mà không thể phán đoán ra cái kịch bản họ luôn làm ngược lại với nhà đầu tư nội.

Theo các nhà đầu tư có kinh nghiệm, việc thị trường liên tục xuống giá như hiện nay bên cạnh kịch bản dẫn dắt thị trường của các nhà đầu tư ngoại để có thể đón bắt được cơ hội lớn hơn, nắm giữ được cổ phiếu của các doanh nghiệp có sức nặng với nền kinh tế như Đạm Phú Mỹ, Vietcombank, Mobifone…, thì một lượng lớn cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết đang dự kiến tăng vốn, phát hành thêm đang pha loãng thị trường.

Chưa hết, trong năm 2007 này, dự kiến sẽ có gần 20 doanh nghiệp cỡ lớn khác cổ phần hóa và lên sàn niêm yết, nghĩa là thêm lượng cung lớn cho thị trường. Dự báo có thể cung sẽ lớn hơn cầu nên giá cả các mặt hàng mới sẽ cực kỳ hấp dẫn. Vì lý do này, nhiều đại gia nội cũng đang cân nhắc thời điểm để tham gia thị trường.