13:14 06/07/2022

Chứng khoán toàn cầu vừa qua nửa năm u ám, giới chiến lược gia nhận định “mây đen” vẫn ở phía trước

Hoài Thu

"Tin tốt là nửa đầu năm đã qua. Còn tin xấu là triển vọng trong nửa cuối năm không mấy sáng sủa"...

6 tháng đầu năm, chỉ số S&P 500 giảm 20,6%, mạnh nhất kể từ năm 1970 - Ảnh: Getty Images
6 tháng đầu năm, chỉ số S&P 500 giảm 20,6%, mạnh nhất kể từ năm 1970 - Ảnh: Getty Images

Theo CNBC, nửa đầu năm 2022 được đánh giá là một trong những giai đoạn u ám trong lịch sử thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy vậy, các nhà chiến lược cho rằng “mây đen” vẫn đang chờ ở phía trước.

TRIỂN VỌNG NỬA CUỐI NĂM KHÔNG MẤY SÁNG SỦA

Từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 giảm 20,6%, mạnh nhất kể từ năm 1970 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục có các bước siết chặt chính sách tiền tệ. Chỉ số STOXX 600 của châu Âu cũng kết thúc nửa đầu năm với mức giảm 16,6%, còn MSCI World giảm 18%.

Một loạt các loại tài sản khác, bao gồm trái phiếu, cũng giảm giá đáng kể. Đồng USD – vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn, và một số mặt hàng như dầu, là hai trong số ít trường hợp ngoại lệ tăng giá trong 6 tháng đầu năm nay.

“Tin tốt là nửa đầu năm đã qua. Còn tin xấu là triển vọng trong nửa cuối năm không mấy sáng sủa”, ông Jim Reid, giám đốc chiến lược tín dụng cơ bản toàn cầu tại Deutsche Bank, nhận định trong báo cáo gửi nhà đầu tư cuối tuần trước.

Chứng khoán Mỹ đảo chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (5/7) với chỉ số S&P 500 và Nasdaq chốt phiên tăng nhẹ trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục tập trung quan sát quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Còn chỉ số Dow Jones đóng cửa giảm điểm nhẹ. Trong khi đó, thị trường châu Âu cũng có một phiên giao dịch khả quan đầu tuần.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế vĩ mô được cho là vẫn tương đối bất ổn khi mà chiến tranh ở Ukraine và áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, buộc các ngân hàng trung ương phải mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ và làm gia tăng mối lo về suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo triển vọng nửa năm, HSBC Asset Management khuyến cáo nhà đầu tư rằng “cơ chế của nền kinh tế dường như đang thay đổi” khi các cú sốc bất lợi về nguồn cung vẫn đang tiếp dẫn, quá trình toàn cầu hóa chậm lại và giá cả hàng hóa vẫn ở mức cao.

 

Do nền kinh tế toàn cầu hiện đang ở giai đoạn sau của chu kỳ, chúng ta sẽ thấy sự phân hóa lớn hơn giữa các khu vực. Hiện tại, triển vọng có vẻ bấp bênh nhất đối với châu Âu và các khu vực của thị trường mới nổi (EM).

JOE LITTLE, HSBC ASSET MANAGEMENT

Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh các chính phủ cố gắng kiểm soát "rủi ro của sự dịch chuyển” trong chính sách về khí hậu. 

Giám đốc chiến lược toàn cầu của HSBC, ông Joe Little, cho rằng giờ đây đã kết thúc kỷ nguyên lạm phát và lãi suất thấp lịch sử. Ông dự báo sắp tới sẽ là giai đoạn lạm phát và lãi suất cao bền vững cùng các chu kỳ kinh tế có nhiều biến động hơn.

“Nhiều ‘cơn gió thuận’ của thị trường đầu tư giờ đây đang trở thành những ‘cơn gió ngược’. Nhà đầu tư sẽ cần phải thực tế hơn với kỳ vọng lợi nhuận và suy nghĩ kỹ hơn về việc đa dạng hóa cũng như củng cố sức chống chịu cho danh mục của mình”, ông Little nói.

Theo ông, sự thay đổi về cấu trúc của quá trình toàn cầu hóa, các chính sách khí hậu và siêu chu kỳ hàng hóa sẽ đẩy lạm phát cao dai dẳng hơn ở khắp các nền kinh tế trên thế giới. Dù dự báo lạm phát ở nhiều nền kinh tế sẽ dần hạ nhiệt so với mức đỉnh hiện nay, ông Little nhận định giá cả vẫn sẽ tăng mạnh hơn trong trung hạn, dẫn tới một giai đoạn lãi suất tăng cao hơn.

Để thích nghi với kỷ nguyên mới này, chuyên gia của HSBC khuyến nghị nhà đầu tư nên tìm kiếm sự đa dạng hóa về mặt địa lý nhiều hơn, trong đó ưu tiên các tài sản và thị trường tín dụng ở châu Á như các kênh giúp tăng lợi nhuận.

ĐƯỜNG ĐI VẪN CÒN DÀI, NHÀ ĐẦU TƯ CẦN THẬN TRỌNG

Còn theo ông Dave Pierce, giám đốc phụ trách sáng kiến chiến lược của GPS Capital Markets - có trụ sở tại Utah, các yếu tố vĩ mô hiện tại cho thấy thị trường “vẫn đang đi sai hướng”. Ông nhấn mạnh rằng lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh và không có yếu tố rõ ràng nào cho thấy giá dầu sẽ giảm.

Theo ông Pierce, trừ khi có một giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine hoặc các công ty dầu mỏ có thể tăng sản lượng - điều mà ông dự báo sẽ mất ít nhất 6 tháng, áp lực giá đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương hành động quyết liệt hơn.

“Giá nhiều cổ phiếu đã giảm đáng kể so với mức đỉnh thiết lập vào cuối năm 2021”, ông Pierce nói nhưng nhận định chứng khoán đã khả quan hơn nhiều so với vài tháng trước. Dù vậy, ông vẫn chưa quyết định gia nhập lại thị trường chứng khoán.

“Tôi sẽ không dồn tất cả tiền của mình trở lại thị trường lúc này vì tôi cho rằng chúng ta vẫn còn quãng đường dài để đi. Tôi dự báo sẽ có thêm các đợt giảm giá nữa và đây có lẽ là điều cần thiết”, ông nói. “Khi lạm phát vẫn ở mức cao, thực sự khó có thể đảm bảo mọi thứ ổn định và đi đúng hướng”.

Ông Pierce cho rằng sự điều chỉnh trên thị trường những tháng gần đây không có gì đáng ngạc nhiên, sau khi trải qua khoảng thời gian bùng nổ lên mức kỷ lục vào năm ngoái.

Đồng USD – vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn, và một số mặt hàng như dầu, là hai trong số ít trường hợp ngoại lệ tăng giá trong 6 tháng đầu năm nay - Ảnh: AP
Đồng USD – vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn, và một số mặt hàng như dầu, là hai trong số ít trường hợp ngoại lệ tăng giá trong 6 tháng đầu năm nay - Ảnh: AP

Dù dự báo ảm đạm về môi trường dầu tư, ông Little của HSBC cho rằng tình hình nửa cuối năm nay vẫn có thể diễn ra khả quan nếu lạm phát hạ nhiệt và các ngân hàng trung ương có thể giữ lập trường “cân bằng” hơn trong chính sách tiền tệ.

Các chiến lược gia quản lý tài sản của HSBC tin rằng lạm phát đang ở hoặc gần mức đỉnh, nhưng sẽ chưa thể giảm đáng kể trước thời điểm cuối năm nay. Ông Little cho biết nhóm của ông đang theo dõi sát sao dữ liệu về tiền lương để đưa ra các đánh giá về lạm phát.

Nhận định việc thắt chặt chính sách tiền tệ với nguy cơ dẫn tới suy thoái vẫn là mối đe dọa lớn nhất tới triển vọng nửa cuối năm, tuy nhiên ông Little cho rằng diễn biến sẽ khác nhau giữa các khu vực.

“Do nền kinh tế toàn cầu hiện đang ở giai đoạn sau của chu kỳ, chúng ta sẽ thấy sự phân hóa lớn hơn giữa các khu vực. Hiện tại, triển vọng có vẻ bấp bênh nhất đối với châu Âu và các khu vực của thị trường mới nổi (EM)”, ông nhận định.